Ảnh hưởng Phật giáo trong đời sống Hàn Quốc?
kiến thức chung
Cho dù hiện nay Hàn Quốc được biết đến là một quốc gia phát triển với vai trò quan trọng của đạo Tin lành. Nhưng thực chất đạo Tin lành mới chỉ có mặt ở Hàn quốc từ nửa đầu thế kỷ thứ XIX với sự xuất hiện của nhà truyền giáo tin lành đầu tiên trên bán đảo này, mục sư Karl F.A. Gutzlaff (1803 – 1851). Trong suốt chiều dài lịch sử, ngay sau sự khẳng định vai trò của Nho giáo trong xã hội Hàn Quốc thì Phật giáo đã trở thành một tôn giáo gắn bó mật thiết với đời sống xã hội, tín ngưỡng, tâm linh của người dân xứ Hàn.
Các ý kiến nghiên cứu đều khẳng định rằng, nhờ sự gần gũi về địa lý, đạo Phật ở Hàn Quốc được truyền thừa từ Phật giáo Trung Quốc, và có ảnh hưởng sâu sắc bởi đạo Phật theo hệ phái Đại thừa ở Trung Quốc. Cho tới nay, đạo Phật đã tồn tại ở Hàn Quốc khoảng 1.600 năm. Trong suốt giai đoạn lịch sử đó, đạo Phật đã hình thành truyền thống sâu sắc, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội tạo nên một nền văn hóa đặc trưng cho đất nước này.
Phật giáo đối với thế giới quan tôn giáo của người dân Hàn
Đối lập với quan điểm tín ngưỡng Hàn Quốc cổ xưa, Phật giáo đưa ra quan niệm hoàn toàn khác về vạn vật theo nhiều khía cạnh. Những hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo nguyên thủy của Hàn Quốc không khác biệt nhiều lắm so với các xã hội cổ khác, sự sùng bái quyền năng tự nhiên và thần linh vẫn được cho là yếu tố chủ đạo chi phối nhân sinh quan và thế giới quan. Trong xu hướng tín ngưỡng như vậy, lực lượng lãnh đạo có quyền năng cao nhất đối với loài người không phải là con người mà là những thế lực siêu nhiên vô hình.
Phật giáo đã đưa ra một thông điệp mới rằng con người có tiềm năng giành được sức mạnh vô tận bao gồm cả sức mạnh nắm giữ vận mệnh của chính họ. Mục đích cuối cùng trong phương pháp tu tập Phật giáo là sự giác ngộ, và mọi người đều có khả năng giành được điều đó. Quả vị Phật chính là đã đạt được sự giác ngộ. Sự Giác ngộ ấy được miêu tả với sự hiểu biết thông suốt mọi sự, sự thị hiện ở mọi nơi và thần thông tuyệt đỉnh. Do đó, mối quan tâm chính của Phật giáo là làm sao để phát khởi và thành tựu Phật tính vốn có trong mỗi người.
Với sự xuất hiện của đạo Phật, nhiều mối quan tâm tín ngưỡng nổi bật lên. Trên tất cả là bước chuyển đổi từ sự tôn thờ quyền lực bên ngoài sang mối quan tâm về khả năng tiềm ẩn vốn có của con người, điều này sẽ giúp cho loài người có thể làm chủ vận mệnh của mình khi được bồi dưỡng đầy đủ tiến đến sự giác ngộ. Những quan niệm Phật giáo về nghiệp chướng và luật nhân - quả đã mang đến nguyên lý mà chính bản thân con người, và chỉ có con người không ai hoặc không điều gì khác, hoàn toàn chịu trách nhiệm với số mệnh và thân phận của họ. Điều này có nghĩa rằng, thân phận con người dễ thay đổi có thể vượt qua bằng nỗ lực tu dưỡng tinh thần. Theo đó, tự tu dưỡng bản thân trở thành tâm điểm chính của mối quan tâm tôn giáo.
Phương pháp tự tu dưỡng và phát triển tinh thần của đạo Phật tập trung vào sự rèn luyện và suy ngẫm khổ hạnh cũng như sự tự kiểm soát hay tự làm chủ. Trong số những giới luật trên, bất sát sinh được nhân dân Hàn yêu mến nhất. Họ hiểu một cách cụ thể, đó là giới luật không lấy đi cuộc sống của con người hay loài vật. Ảnh hưởng bởi thuyết cấm sát sinh, người dân Hàn Quốc coi sự hoàn toàn tôn trọng cuộc sống và sự từ bỏ bạo lực như những yêu cầu cơ bản về phẩm cách hoàn thiện của con người, đặc biệt đối với những người sùng đạo của bất kì tôn giáo nào.
Một tác động to lớn khác của Phật giáo đối với thế giới quan của người dân Hàn Quốc là quan niệm về cõi âm. Phật giáo đã đưa ra sự giải thích đầu tiên, tinh vi và có hệ thống về cõi âm thông qua thuyết luân hồi. Kết hợp với những suy nghĩ về nghiệp chướng và luật nhân quả, thuyết luân hồi mang một thông điệp mạnh mẽ về đạo lý: cách hành xử của con người sẽ quyết định số phận của người ấy. Ngày nay, quan điểm này vẫn làm mê hoặc người dân Hàn Quốc. Cuộc sống thực tại có giá trị hơn cõi âm, thu hút được nhiều sự quan tâm hơn. Nhiều cuốn sách, phim ảnh, kịch và bài hát về chủ đề này được xuất bản hay sáng tác, và chúng đều thu hút số lượng lớn các độc giả và khán giả.
Phật giáo đối với lối sống người dân Hàn
Phương pháp tự tu dưỡng bản thân bao gồm nhiều cách thức và mức độ khác nhau về sự rèn luyện khổ hạnh. Trên tất cả, sự từ bỏ cuộc sống trần tục hay “cắt ái ly gia” là yêu cầu phải thực hiện để trở thành một tăng sỹ hoặc ni cô. Điều đó có nghĩa phải từ bỏ tất cả những mối quan tâm, bao gồm cả gia đình và ràng buộc xã hội khác, để có thể thực hiện đời sống tu hành trong tự viện. Cuộc sống trong tự viện là sự xả bỏ hoàn toàn theo mọi khía cạnh. Người dân Hàn Quốc học từ Phật giáo tinh thần thiểu dục và trai giới, không phải sự tìm kiếm giàu có mà đó là cách giải quyết hiệu quả nhất đối với dục vọng con người.
Tuy nhiên, chỉ một số ít nhà tu hành có thể rời xa gia đình, duy trì cuộc sống tu hành trong tự viện. Còn phần lớn những tu sỹ Phật giáo vẫn quan tâm đầy đủ đến mọi khía cạnh trong cuộc sống xã hội. Thông thường, những người thế tục của bất kì tôn giáo nào đều có xu hướng lấy lối sống khổ hạnh trong tu viện xem như một kiểu mẫu của đời sống tôn giáo. Còn những tín đồ Phật giáo coi việc cúng dàng của bố thí và các vật dụng khác cho tự viện như cách thức quan trọng để bù lại việc không thể theo đuổi cuộc sống tu hành khổ hạnh trong tự viện như những vị tu hành.
Đáp lại sự hỗ trợ to lớn từ những người thế tục, các nhà sư nhận thấy bổn phận của mình dành cho dân chúng. Nhiều tự viện mang đến những nghi lễ đa dạng cho bản thân những tín đồ, Phật tử. Họ đưa ra nhiều cơ hội thực hành cuộc sống tu tập trong tự viện trong vòng 3 - 4 ngày cho các Phật tử tại gia. Những người tham gia tình nguyện dời gia đình để sống trong tự viện, trải qua sự rèn luyện khổ hạnh, thực hiện nếp sống trai giới và cũng hành thiền như những nhà tu hành.
Phật giáo với truyền thống học tập và phát triển tri thức
Ngay từ đầu, Phật giáo đã khơi nguồn cảm hứng theo đuổi tri thức và mang đến chương trình giáo dục hệ thống. Trong xã hội Hàn Quốc xưa và thời trung cổ, các nhà tri thức Phật học dẫn đầu các sinh hoạt học thuật, làm nên sự đóng góp rất quan trọng đối với trình độ phát triển tri thức tiên tiến của quốc gia. Với sự ra đời của triều đại Joseon, những người theo Tân Khổng giáo nắm giữ vị trí hàng đầu trong nghiên cứu học thuật và giáo dục, trong khi các tăng, ni lại bị coi là tầng lớp thấp kém nhất, cùng với pháp sư và thương nhân. Tuy nhiên, Phật giáo đã biết kiểm soát để tồn tại, một trong những minh chứng đó là các tự viện vẫn giữ lại truyền thống giáo dục và đào tạo tri thức. Các cứ liệu văn bản trong các kinh sách Phật giáo cũng như của Khổng giáo, với chuẩn mực của mình, đã cung cấp tư liệu quan trọng cho nền giáo dục tri thức ở Hàn Quốc. Đặc biệt là trong hai thập kỉ cuối, xu hướng học thuật khôi phục truyền thống học tập chống lại sự xuất hiện của lối học tập nghiên cứu hiện đại phương Tây.
Phật giáo với nghệ thuật
Phật giáo truyền cảm hứng không chỉ đến các sinh hoạt tri thức mà còn tới hoạt động sáng tạo nghệ thuật ở nhiều thể loại khác nhau. Người nghệ sĩ thể hiện cảm hứng nghệ thuật và những hiểu biết của mình thông qua các hình thức nghệ thuật, như các bức tượng, phù điêu, hội họa, tác phẩm điêu khắc, kiến trúc đền chùa, kỹ thuật đúc chuông, âm nhạc, vũ điệu v.v và v.v... Tuy chỉ một tỷ lệ nhỏ các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo còn tồn tại sau sự tàn phá của chiến tranh hay sự huỷ hoại của phong hóa tự nhiên, nhưng khoảng 80% trong tổng số di sản văn hóa được chỉ định là kho báu quốc gia được công nhận là đồ tạo tác Phật giáo ở Hàn Quốc.
Ngày nay, những công trình đền, chùa không chỉ là cơ sở thờ tự chung cho tín ngưỡng, Phật giáo mà còn là di sản văn hóa quan trọng, đặc biệt kể từ khi những công trình truyền thống nhanh chóng bị biến mất trong xã hội Hàn Quốc. Việc xây dựng mới hay trùng tu, tôn tạo các cơ sở tự viện cũng góp phần to lớn trong công cuộc giữ gìn và bảo lưu kỹ thuật xây dựng truyền thống đó.
Những hiện vật chủ yếu trong di sản nghệ thuật Phật giáo Hàn Quốc là chùa hay bảo tháp. Các tín đồ Phật giáo đã xây dựng trên đất nước của họ rất nhiều bảo tháp, đến nỗi sử sách Trung Quốc cổ gọi đó là “mảnh đất bảo tháp”. Các loại tháp được xây dựng từ nhiều chất liệu khác nhau như gạch, đá hoặc gỗ. Tháp được xây bằng gạch và gỗ hiếm khi chiến thắng nổi sự tàn phá của chiến tranh và thời tiết. Tuy nhiên, nhiều tháp xây bằng đá vẫn tồn tại cho đến ngày nay, đem lại những cơ hội đánh giá mỹ học về nghệ thuật Phật giáo thời bấy giờ.
Bảo tháp ban đầu được dựng nên là nơi cất giữ xá lị hay nơi chôn cất di hài các vị đại sư. Mỗi tháp có chứa hòm đựng di hài của họ. Một tháp cũng có thể chứa nhiều bộ Kinh, những bức tượng Phật nhỏ hoặc tháp nhỏ, thay vì cất giữ xá lị hay di hài của vị đại sư. Trong bất kì trường hợp nào, bảo tháp đều tượng trưng cho Đức Phật là sự tồn tại mang tính lịch sử cũng là hiện thân của thực tại thường hằng. Vì vậy, bảo tháp, cùng với tượng Phật, là những đối tượng chính của sự sùng bái, và truyền thống xây tháp thờ cúng đã rất mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu Phật giáo xuất hiện đất nước Hàn Quốc.
Gần đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận hai công trình Phật giáo của Hàn Quốc là di sản văn hóa thế giới. Một là Seokkuram, hang đá nhân tạo nằm ở thủ đô Gyeongju của Triều đại Silla. Hang đá này được xây dựng khoảng năm 751, là nhà tròn có mái vòm với chiều cao 9,144m, nằm khuất sâu trong hẻm núi, do đó trông giống như một hang động. Đây là nơi có chứa một trong những bức tượng Phật đẹp nhất trên thế giới, và trên mái vòng của hang động chạm khắc nổi hình tượng Bồ Tát và các môn đệ của Đức Phật. Công trình thứ hai được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới là bộ Tripitaka Koreana (Tam tạng kinh điển Hàn bản), một bộ tổng hợp kinh Phật được khắc trên hơn 80.000 mộc bản. Bộ mộc bản lớn này được hoàn thành vào năm 1236. Nó chính là bộ kinh cổ nhất trong tất cả các bộ kinh Phật hiện có trên thế giới. Janggyeonggak là sảnh đường chứa Tam tạng kinh điển tại chùa Haeinsa, được xem như một công trình vĩ đại kết tinh của trí tuệ và nghệ thuật. Sảnh đường Janggyeonggak được thiết kế với hệ thống thông gió tự nhiên để giữ nhiệt độ và độ ẩm tối ưu bất kể trong điều kiện thời tiết nào. Bộ mộc bản Tam tạng nói trên đã được lưu giữ và bảo tồn nguyên vẹn tại sảnh đường này trong hơn 600 năm qua.
Với vai trò quan trọng và tác động đến nhiều mặt trong đời sống xã hội Hàn Quốc, dù không còn giữ vai trò là tôn giáo độc tôn hay chủ đạo trong tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Hàn, nhưng với những gì đã và đang có với đất nước và con người Hàn Quốc, Phật giáo vẫn là một thành tố quan trọng tạo nên đặc trưng văn hóa của người dân bán đảo này.
Nội dung liên quan
Hòa Hương Minh