Ảnh hưởng của Phật giáo đối với lối sống người dân Hàn?
kiến thức chung
Phương pháp tự tu dưỡng bản thân bao gồm nhiều cách thức và mức độ khác nhau về sự rèn luyện khổ hạnh. Trên tất cả, sự từ bỏ cuộc sống trần tục hay “cắt ái ly gia” là yêu cầu phải thực hiện để trở thành một tăng sỹ hoặc ni cô. Điều đó có nghĩa phải từ bỏ tất cả những mối quan tâm, bao gồm cả gia đình và ràng buộc xã hội khác, để có thể thực hiện đời sống tu hành trong tự viện. Cuộc sống trong tự viện là sự xả bỏ hoàn toàn theo mọi khía cạnh. Người dân Hàn Quốc học từ Phật giáo tinh thần thiểu dục và trai giới, không phải sự tìm kiếm giàu có mà đó là cách giải quyết hiệu quả nhất đối với dục vọng con người.
Tuy nhiên, chỉ một số ít nhà tu hành có thể rời xa gia đình, duy trì cuộc sống tu hành trong tự viện. Còn phần lớn những tu sỹ Phật giáo vẫn quan tâm đầy đủ đến mọi khía cạnh trong cuộc sống xã hội. Thông thường, những người thế tục của bất kì tôn giáo nào đều có xu hướng lấy lối sống khổ hạnh trong tu viện xem như một kiểu mẫu của đời sống tôn giáo. Còn những tín đồ Phật giáo coi việc cúng dàng của bố thí và các vật dụng khác cho tự viện như cách thức quan trọng để bù lại việc không thể theo đuổi cuộc sống tu hành khổ hạnh trong tự viện như những vị tu hành.
Đáp lại sự hỗ trợ to lớn từ những người thế tục, các nhà sư nhận thấy bổn phận của mình dành cho dân chúng. Nhiều tự viện mang đến những nghi lễ đa dạng cho bản thân những tín đồ, Phật tử. Họ đưa ra nhiều cơ hội thực hành cuộc sống tu tập trong tự viện trong vòng 3 - 4 ngày cho các Phật tử tại gia. Những người tham gia tình nguyện dời gia đình để sống trong tự viện, trải qua sự rèn luyện khổ hạnh, thực hiện nếp sống trai giới và cũng hành thiền như những nhà tu hành.
Để tỏ lòng cung kính với đức Phật Thế Tôn, nhiều gia đình tham gia vào lễ tắm tượng Phật. Trong các cơ sở tự viện Phật giáo, hoặc tại công sở, tư gia, họ đặt bàn hương án, trang trí hoa tươi, đặt tượng Phật sơ sinh. Dùng nước thơm tắm rửa thân tượng Phật sơ sinh. Nghi lễ Mộc dục (tắm tượng Phật) có ý nghĩa, tầm quan trọng đối với Phật giáo đồ Hàn Quốc.
Hàng năm cứ vào mỗi độ tháng tư âm lịch là hoa sen bắt đầu nở. Hoa sen nở báo hiệu mùa Phật Ðản trở về như để đón mừng đức Thế Tôn ra đời.
Lễ hội liên hoa đăng (Yeondeunghoe) là một phần trong các hoạt động hướng về Đại lễ Phật Đản, được tổ chức trong tuần lễ Phật Đản. Điểm thu hút của Đại lễ Phật Đản là những chiếc liên hoa đăng đầy màu sắc lung linh được chế tác bằng giấy Hanji (Hàn chỉ - giấy truyền thống Hàn Quốc - là di sản truyền thống quý báu mang cốt túy của người Hàn Quốc). Đây là một loại giấy truyền thống từ cây dâu của Han Quốc, được treo tại những cơ sở tự viện Phật giáo hoặc tại tư gia của các cư sĩ khắp các thành phố và trên toàn quốc, cũng như đi diễu hành quanh đường phố. Việc thắp sáng ánh liên hoa đăng, một biểu tượng cho sự giác ngộ của đức Phật. Mỗi hình dạng khác nhau của liên hoa đăng mang những thông điệp khác nhau, rất đa dạng và phong phú.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Khánh Lệ Chi