Ảnh hưởng của Nho Giáo đối với văn hóa gia đình Hàn Quốc hiện đại?
kiến thức chung
Nho giáo được sản sinh ra ở Trung Quốc vào thời Xuân thu – Chiến quốc, do Khổng Khâu (thường gọi là Khổng Tử: 551 TCN – 479TCN), người nước Lỗ sáng lập ra. Ông là người đã san định, hiệu đính, giải thích Ngũ kinh, tức Kinh thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu. Sau khi ông mất, học trò tập hợp những lời dạy của thày lại soạn ra Luận ngữ. Học trò xuất sắc của Khổng Tử là Tăng Sâm (thường gọi là Tăng Tử) dựa vào lời thày soạn sách Đại học. Một người cháu nội của Khổng Tử, đồng thời cũng là học trò giỏi của Ông là Khổng Cấp (thường gọi là Tử Tư) viết ra sách Trung dung. Sang thời Chiến quốc, nhiều học phái nổi lên, có người là Mạnh Kha (thường gọi là Mạnh Tử) đã ủng hộ, biện luận chặt chẽ, khúc triết, có tính thuyết phục cao, bảo vệ xuất sắc tư tưởng của Khổng Tử. Những lời biện luận của Mạnh Tử về sau được học trò biên soạn lại thành sách Mạnh Tử. Bốn bộ sách trên về sau hợp lại gọi là Tứ thư. Ngũ kinh và Tứ thư là những bộ sách kinh điển của Nho gia, được truyền bá cho đến tận ngày nay. Như vậy, Mạnh Tử đã khép lại một giai đoạn quan trọng hình thành nên Nho giáo, thường được gọi là Nho giáo Khổng – Mạnh.
Đến đời Hán Vũ đế (140 TCN – 25TCN), ông vua này nghe theo lời khuyên của Đổng Trọng Thư, lần đầu tiên đưa Nho giáo lên địa vị quốc giáo. Từ đây, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến Trung Hoa và càng ngày càng hoàn thiện hơn. Trải các triều đại đến đời Tống, hai anh em Trình Di, Trình Hạo và Chu Hy còn chú thích, giải nghĩa kỹ càng hơn, phục vụ đắc lực hơn cho khoa cử Nho giáo và thực tế đương thời nên thường được nói tới là Trình-Chu hoặc Cửa Khổng – Sân Trình.
Nho giáo không chỉ dừng lại ở khuôn viên đại lục Trung Hoa mà nó còn được truyền bá nhanh, mạnh sang các nước Đông Á. Tuy nhiên, sự truyền bá và tiếp nhận không phải là dập khuôn nguyên dạng mà đã có sự biến đổi. Nói theo GS Phan Ngọc thì nhất định phải qua “sự khúc xạ”. Điều đó tức là, Nho giáo mà các nước Đông Á tiếp nhận đã có sự đậm nhạt khác nhau, tạo ra những nét riêng, bởi thế mới xuất hiện Việt Nho, Hàn Nho…
Ở Hàn Quốc, sự tiếp nhận Nho giáo diễn ra rất sớm (năm 392) và được các triều đại phong kiến áp dụng một cách triệt để, các nho sĩ không chỉ học tập Ngũ kinh, Tứ thư mà còn tranh luận sâu sắc về nghĩa lý, tạo ra những học phái tranh luận quyết liệt. Do nhà nước Chosun sùng bái Nho giáo, đến thế kỷ XV, thời vua Sejong, Nho giáo đã vượt lên trên Phật giáo, chiếm địa vị độc tôn. Sự độc tôn đó được các triều vua Chosun ngày càng đẩy lên mức cao hơn, thậm chí cực đoan. Điều đó cũng có nghĩa là Nho giáo nơi đây đậm nét hơn hẳn Nho giáo Trung Hoa.
Năm 1910, Nhật chiếm bán đảo Hàn, đánh dấu chấm hết cho Nho giáo Chosun. Triều đại Chosun, triều đại phong kiến cuối cùng ở bán đảo này đã một đi không trở lại. Tư tưởng Nho giáo cũng không còn là tư tưởng chính thống cai trị xã hội. Nhưng, các giá trị của nó vốn đã ăn sâu trong tâm thức con người Hàn Quốc suốt mấy nghìn năm không thể tan đi trong một sớm một chiều. Hơn nữa, xã hội hiện đại Hàn Quốc không có nhiều đợt phê phán, “đào tận gốc trốc tận rễ” tư tưởng Nho giáo giống như Trung Quốc và Việt Nam, cho nên, sự ảnh hưởng của những giá trị Nho giáo diễn ra khá bình thường, tới mọi mặt của đời sống xã hội. Trong sự ảnh hưởng đó, nó diễn ra theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Ở đây, chúng tôi tìm hiểu nghiên cứu cả hai hướng trên đối với văn hóa gia đình, văn hóa giáo dục, văn hóa công ty và văn hóa cộng đồng ở Hàn Quốc trong thời kỳ hiện đại.
Chúng tôi sẽ lần lượt đăng bài theo thứ tự như trên và đưa ra kết luận ở phần cuối cùng để mọi người tham khảo.
1. Đối với văn hóa gia đình
1.1. Ảnh hưởng tích cực
Khác với tư tưởng phương Tây tôn trọng tự do cá nhân, tư tưởng phương Đông nói chung và đặc biệt là Nho giáo luôn xem xét cá nhân con người trong tổng hòa của các mối quan hệ giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với gia đình và xã hội. Theo Nho giáo, cá nhân con người, bất kể sang hèn, đều phải tuân thủ qui phạm của 5 mối quan hệ: vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, anh – em, bạn – bè (tức ngũ luân, hay còn gọi là ngũ điển).
Qui phạm đó còn được coi là qui phạm đạo đức và được chế độ phong kiến coi như luật pháp và bắt buộc mọi người phải tuân theo. Hơn thế nữa, Nho giáo tôn lên như một lẽ trời định phận cho mỗi con người, vua phải ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, chồng ra chồng, vợ ra vợ. Điều đó có nghĩa là, cách ứng xử cần phải tương ứng với thân phận. Vua phải thương dân, dân phải trung thành với vua; cha phải nuôi con, thương yêu dạy dỗ con cái nên người, làm con phải có hiếu với cha mẹ, ghi nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già; anh em cần phải thương yêu nhường nhịn lẫn nhau, làm em thì phải biết nghe lời anh chị… Cách ứng xử theo danh phận đó, Nho giáo gọi là Lễ.
Ở Hàn Quốc, vào triều đại Chosun (1392 – 1910), Nho giáo định hình vững chắc và chiếm địa vị độc tôn. Dẫu triều đại Chosun có lúc thịnh lúc suy, có những lúc xảy ra tranh luận quyết liệt về mặt luân lý Nho giáo ở thế kỷ XVII, thế kỷ XVIII[3] nhưng triều đại này vẫn vững vàng kéo dài hơn 500 năm, vẫn từng bước phát triển tư tưởng Nho gia ngày một quy chuẩn hơn, thậm chí đẩy lên tới mức cực đoan, bảo thủ. Tính cực đoan đó thể hiện rõ nét trong 5 mối quan hệ nêu trên. Cực đoan ở chỗ nhấn mạnh ở vế thứ hai, bề tôi phải tuyệt đối trung thành với nhà vua, con phải thờ cha chí hiếu, vợ phải nhất thiết phục tùng chồng, em phải nghe lời huynh trưởng. Trong 5 mối quan hệ trên, ta thấy rõ có 3 mối quan hệ liên quan chặt chẽ tới quan hệ gia đình (cha – con, chồng – vợ, anh – em).
Trước hết, hãy bàn về mối quan hệ thứ nhất là mối quan hệ mang tính chất huyết thống, rường cột và lâu dài.
Mối quan hệ cha con, mở rộng hơn tới hai ba thế hệ và hơn thế nữa.
Trong gia đình truyền thống tuân theo quy phạm Nho giáo thì người ông, người cha có quyền quyết định cao nhất. Tất cả việc lớn trong nhà đều do họ quyết định. Đồng thời, họ cũng là người có trách nhiệm và nghĩa vụ lớn nhất đối với cuộc sống gia đình. Họ phải “tu thân” tốt thì “tề gia” mới tốt. “Tu thân” ở đây không chỉ hiểu ở nghĩa trau dồi đạo đức, nhân phẩm của cá nhân mà còn phải phấn đấu đạt tới những điều tốt đẹp liên quan đến kinh tế gia đình và bản thân, mà con đường đi sáng sủa nhất là học hành thành tài, thi cử đỗ đạt, ra làm quan (đã ra làm quan thì gia đình sung túc, danh giá và cả họ được nhờ). Đối với người con thì phải lễ phép nghe lời cha mẹ, con phải đặt đạo Hiếu lên trên hết.
Đạo Hiếu là đạo ứng xử của con cái đối với cha mẹ, hiểu theo nghĩa rộng hơn, còn là đạo ứng xử đối với thế hệ trên nữa, tức các bậc tiên tổ. Làm người có hiếu không chỉ đối xử lễ phép, chu đáo với ông bà, cha mẹ khi còn sống mà cả khi qua đời; lo ma chay chu đáo, trông nom giữ gìn cho mồ yên mả đẹp, lo cúng giỗ đầy đủ, ghi nhớ công ơn cha mẹ.
Nho giáo Chosun phát triển thịnh vượng từ thế kỷ XV còn mở rộng phạm vi đạo Hiếu. Đối với một người nêu cao đạo Hiếu, nếu chỉ dừng lại ở những điều trên thì mới đạt được Tiểu Hiếu. Hiếu phải gắn liền với Trung. Trung là trung với vua, trung với nước, dốc lòng trung quân ái quốc. Như thế mới là đại hiếu.[4]Ngoài ra, người con có hiếu phải lấy vợ, có thể lấy nhiều vợ để sinh con nối dõi tông đường. Về điểm này, Nho giáo Chosun cũng tương tự như Nho giáo ở Trung Quốc và Việt Nam thời kỳ trung đại.
Năm 1910, Nhật chiếm toàn bộ bán đảo Hàn và đặt ách cai trị cho tới năm 1945. Lịch sử Hàn Quốc gọi thời kỳ này là thời kỳ Nhật thuộc hay thời kỳ thực dân. Năm 1910 cũng là năm đánh dấu chấm hết thời kỳ phong kiến kéo dài hơn 1000 năm ở Hàn Quốc. Điều đó cũng có nghĩa là Nho giáo cũng tàn lụi theo thể chế tạo dựng và suy tôn nó. Nhưng, giá trị văn hóa, giá trị tư tưởng Nho gia không dễ dàng xóa bỏ. Chuyển sang thời hiện đại, tính từ ngày 15 – 8 – 1948, nước Đại Hàn Dân Quốc thành lập, đã có những thời kỳ mà người Hàn Quốc nhân “phong trào xây dựng làng mới” được đẩy mạnh vào những năm 1970 đã đập phá, bãi bỏ những thứ mà họ cho là tàn dư, tàn tích của chế độ phong kiến. Tất cả những gì họ cho là “cổ hủ”, cũ kỹ của truyền thống đều bị coi là lỗi thời, lạc hậu, cần phải gạt bỏ nhanh chóng để tiến lên hiện đại hóa. Thế là rất nhiều những di vật, di sản văn hóa có giá trị bị đập phá, nhiều sách vở tư liệu cổ quý giá được dùng làm giấy dán tường, làm mồi châm lửa. Thời kỳ này do Tổng thống Parkjung – hee nắm quyền, ông ta đã định dẹp bỏ tất cả những gì gọi là truyền thống để nhanh chóng đạt được cái gọi là hiện đại hóa. Nhưng, về tư tưởng, ông ta không đưa ra được một học thuyết chính trị nào phù hợp mà nhận ra rằng, không thể không sử dụng những yếu tố tích cực của Nho giáo, trong đó, Trung và Hiếu là giá trị quan xuyên suốt nhiều thế kỷ ở Hàn Quốc. Giá trị quan này được ông ra chỉ thị dạy trong nhà trường và truyền bá trong nhân dân. Có điều, ở xã hội mới, nhà vua không còn, nên chữ Trung ở đây mang đậm ý nghĩa là trung thành với quốc gia, quyết chí dốc lòng bảo vệ đất nước, bảo vệ chính quyền khi xảy ra chiến tranh hoặc biến loạn. Cần nói thêm rằng, vào thời kỳ đó, đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận nóng bỏng giữa các học giả Hàn Quốc về tính hữu dụng của truyền thống, của yếu tố tích cực trong Nho giáo mà kết quả cuối cùng là Tổng thống Park đã đi đến quyết định như vừa nêu. Từ đó cho đến tận ngày hôm nay, vấn đề chữ Hiếu vẫn được nêu cao và được coi là truyền thống tốt đẹp của người Hàn Quốc.
Vậy, truyền thống tốt đẹp đó được thể hiện thế nào?
Trước tiên, việc thờ cúng tổ tiên, chăm sóc phần mộ, xây dựng mộ trang nghiêm hơn, viết lại gia phả dòng họ, cúng giỗ theo nghi lễ Nho giáo đang là những công việc được người Hàn Quốc chú trọng.
Dưới triều đại phong kiến Chosun, việc lập bàn thờ cúng lễ tổ tiên đã được nhà nước phong kiến qui định rõ ràng, nếu nhà nào không có sẽ bị phạt. Làng xã nào có nhiều “gương điển hình” về đạo Hiếu sẽ được phong tặng danh hiệu “Làng hiếu thảo”, được triều đình ban thưởng. Trong văn học có một truyện rất nổi tiếng viết về người con hiếu thảo là SimCheong jeon (Thẩm thanh truyện) mà hầu như người Hàn Quốc nào cũng biết.
Dẫu xã hội Hàn Quốc ngày nay đã có nhiều biến đổi nhưng việc thờ cúng tổ tiên tại nhà và ở mộ vẫn được duy trì, thậm chí còn thịnh soạn hơn thời phong kiến do đời sống kinh tế khá giả. Ở nông thôn, gian thờ tổ tiên vẫn tồn tại. Nhưng ở thành phố, bàn thờ tổ tiên không được lập nên, chỉ tới ngày giỗ mới lập ban thờ, dựng bài vị, bày đồ cúng lễ và cung thỉnh tổ tiên về chứng giám lòng thành. Đời sống càng khá giả, giàu có thì việc cúng giỗ càng theo phương thức mà các Yang ban (quí tộc) trong quá khứ đã làm. Việc cúng giỗ này tuy phức tạp, tốn kém nhưng họ vẫn thực hiện để bày tỏ lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, cầu mong tiên tổ phù hộ độ trì cho con cháu có được cuộc sống yên bình, làm ăn phát đạt.
Việc thờ cúng tổ tiên càng được chú trọng hơn vào dịp Tết trung thu và Tết Nguyên đán.
Tết Trung thu ở Hàn Quốc không phải là Tết dành cho thiếu nhi như ở Việt Nam mà là ngày lễ lớn. Người Hàn gọi Tết này là Chu seok (Thu tịch), diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Ngày lễ này còn được gọi là ngày lễ tạ ơn, là dịp mọi người tạ ơn tổ tiên của mình, cầu mong cho mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Nguồn gốc của ngày lễ này bắt nguồn từ lễ hội mừng vụ mùa bội thu. Những sản phẩm mới thu hoạch từ vụ mùa được dâng cúng cho thần thánh trong làng và tổ tiên, tức là Chuseok bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng. Trong xã hội hiện đại, Chuseok vẫn được xem như một lễ tạ ơn vô cùng quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt đối với người Hàn Quốc. Đây là dịp đoàn tụ gia đình. Bất kể người Hàn Quốc nào dù đi làm ăn xa ở đâu cũng trở về quê hương và thể hiện lòng thờ kính tổ tiên. Nghi lễ không chỉ ở nhà mà còn được thể hiện một cách hết sức trang nghiêm ở ngoài phần mộ. Họ thường dọn sạch cây cỏ dại trên phần mộ, bày đồ cúng lễ và quì lạy hết sức kính cẩn. Tục này được gọi là Tảo mộ và cũng tương tự như ở Việt Nam, có điều, ở Việt Nam thường diễn ra vào mùa xuân chứ không thực hiện vào dịp Trung thu.
Về phía nhà nước, Chính phủ cho phép được nghỉ dài ngày và tới ngày lễ, Tổng thống Hàn Quốc đều có bài phát biểu chúc Tết Trung thu, đồng thời cũng muốn bày tỏ quan điểm lãnh đạo của mình.
Nội dung liên quan
Trương Duy Mạnh