Anh có nhà ở X, anh có cho thuê không?

  1. Marketing

Sau khi mua một căn hộ chung cư, mình thường xuyên nhận được các cuộc gọi điện thoại từ các số máy lạ, hoặc là số di động, hoặc là số cố định. Câu đầu tiên người lạ hỏi mình là:

"Anh có chung cư ở ..., anh có cho thuê không?"

Người gọi điện thường là khá trẻ, hầu hết là sinh viên đại học, hoặc vừa mới tốt nghiệp, đi làm thêm cho doanh nghiệp liên quan tới môi giới bất động sản. Cái này có thể coi là một hiện tượng vì tính phổ biến cuả nó. Bất động sản thì đang phát triển nóng, nhiều người đang thất nghiệp, nhiều sinh viên muốn làm thêm ngoài giờ học.

Chắc nhiều người cũng tương tự nhận được cuộc gọi như với mình. Và đa số sẽ coi rằng đó là các cuộc gọi rác, giống như thư rác. Hầu hết sẽ tắt máy mà không nói gì, với một khả năng là sẽ lại bị số cũ gọi lại ngay sau đó hoặc sau một thời gian.

Nếu không bị bận gì đặc biệt thì mình thường nghe máy, nói chuyện một chút và tìm hiểu tâm lí hành vi của "đối tượng". Qua đó cũng giúp cho đối tượng và mình biết thêm một chút mà không liên quan gì tới chủ đề bất động sản.

Các kịch bản thường gặp của hội thoại như thế này.

  1. Chào em. Em có thể giới thiệu về bản thân như tên và công ty làm việc được không? Đó là nguyên tắc giao tiếp tối thiểu vì anh không có thói quen trả lời câu hỏi của một người anh không quen biết.
  2. Một số bạn lập tức dập máy và cuộc hội thoại kết thúc. Khá ngạc nhiên là một số bạn hỏi là tại sao anh lại cần biết những thông tin đó. Mình thường cười và trả lời là em muốn anh trả lời câu hỏi của em, nhưng sao em không muốn trả lời câu hỏi của anh? Và kết thúc cũng là bạn dập máy.
  3. Một số bạn trả lời tên là, ví dụ A, làm ở công ty B, và bạn lặp lại câu hỏi mở màn "Anh có chung cư X, anh có cho thuê không?", vì có lẽ đó là câu hỏi quan trọng nhất đối với bạn ấy.
  4. Mình biết là nếu mình trả lời có hay không thì cuộc hội thoại sẽ kết thúc. Đến đây mình thường hỏi lại là em lấy thông tin cá nhân của anh đó ở đâu? Em biết địa chỉ, điện thoại, tên gọi và bất động sản anh sở hữu, ai bán cho em đó?
  5. Đến đây một số bạn dập máy. Hẳn là bạn biết rằng mình đang làm phiền người khác và thậm chí làm việc bất hợp pháp: khai thác thông tin cá nhân của người khác để kiếm tiền và làm người khác khó chịu.
  6. Một số bạn khác thì nói không biết, công ty có đơn vị khác cho bạn ấy biết thông tin. Hẳn là như vậy, bạn ấy chỉ có trách nhiệm gọi điện theo một danh sách đã có. Trong trường hợp này, mình nói với bạn ấy rằng bạn ấy và công ty của bạn đang làm một việc trái pháp luật, đó là mua thông tin cá nhân của mình và cố gắng kiếm tiền từ nó.
  7. Nhiều bạn tỏ ra ngạc nhiên, dường như không biết điều đó, như thế là nhận thức về mặt pháp luật và xã hội của bạn ấy không sâu sắc. Bạn ấy dễ dàng bị ông chủ doanh nghiệp "lừa phỉnh" để làm điều vi phạm pháp luật một cách có hệ thống, với nhiều người, mà tiền công nhận được rất nhỏ, vài triệu đồng một tháng.
  8. Một số bạn có vẻ biết điều đó, rằng biết là đang giúp ông chủ kiếm tiền từ việc mua bán thông tin cá nhân của nhiều người, nhưng bạn vẫn cứ làm. Như thế có thể nói bạn sẵn sàng hi sinh danh dự của bản thân, của tuổi trẻ, làm điều đó chỉ vì vài triệu một tháng. Điều đáng buồn là các bạn trẻ này đều có học thức khá, ít nhất là sinh viên; ở một khía cạnh nào đó, các bạn ấy ở tầng lớp trên của xã hội.
  9. Một số rất ít bạn khăng khăng bảo vệ cách làm của bạn, nói rằng bạn chẳng làm điều gì sai trái, còn đang giúp marketing kết nối các phía cung - cầu, làm lợi cho xã hội. Trong tình huống này, mình thường chủ động kết thúc cuộc gọi vì biết là nó sẽ tốn thêm thời gian.

Xã hội kết nối với các thông tin cá nhân lan tràn như hiện nay dễ dàng bị nhiều người lợi dụng, mua bán, khai thác. Các doanh nghiệp (ví dụ các công ty xây dựng, môi giới bất động sản), người lao động (các bạn telesale) và người dân (mình) cần phải luôn nâng cao nhận thức xã hội để góp phần làm cho xã hội văn minh hơn. Vai trò của giáo dục nhận thức, hành vi càng ngày càng cần được nâng cao, chứ không phải chỉ chú trọng vào giáo dục chuyên môn.

Tóm lại, các bạn mở đầu cuộc hội thoại thường hoặc là (1) "kém cỏi" (không nhận thức được vấn đề), hoặc (2) "đểu" (biết là phạm pháp nhưng vẫn làm vì một chút tiền). Các bạn ở trong tình huống số (2) như thế thậm chí còn không so sánh được với các cô gái làm nghề mại dâm; vì các cô ấy bán những thứ các cô ấy có, không xâm phạm dữ liệu riêng tư của ai. Chắc cũng do lí do đó nên nghề mại dâm được coi là hợp pháp ở nhiều nước. Còn nghề mua bán dữ liệu riêng tư của các cá nhân thì không nước nào cho phép.

Bạn nghĩ sao nếu ai đó đọc bài viết này, nhận được câu hỏi tương tự như mình trên điện thoại, và câu đầu tiên người đó nói:

  • Em có biết vì sao nghề của em còn thua kém nghề mại dâm không?
  • Em có biết vì sao em hoặc là kém cỏi, hoặc là đểu không?
  • Vân vân

Kịch bản số 9 ở trên quả là một kịch bản nan giải. Theo bạn thì nên xử lí như thế nào thay vì dập máy? Nhiều bạn chắc cũng gặp tình huống tương tự, và bạn phản ứng như thế nào?

Từ khóa: 

telesale

,

alo

,

behavior

,

marketing

Không ngờ anh

Lê Hồng Phương
cùng đanh đá phết :D

Vụ telesale này đúng là rất phiền. Trước kia làm tin nhắn rác, bây giờ là cuộc gọi rác. Càng là người có thu nhập cao lại càng bị gọi nhiều. Khá phản cảm.

Mình nghĩ 1-2 năm nữa vấn nạn này sẽ được quy định và quản lý chặt thôi anh.

Trả lời

Không ngờ anh

Lê Hồng Phương
cùng đanh đá phết :D

Vụ telesale này đúng là rất phiền. Trước kia làm tin nhắn rác, bây giờ là cuộc gọi rác. Càng là người có thu nhập cao lại càng bị gọi nhiều. Khá phản cảm.

Mình nghĩ 1-2 năm nữa vấn nạn này sẽ được quy định và quản lý chặt thôi anh.

Nếu gặp thì mình sẽ nhã nhặn xin lỗi. Và cũng nói thêm là: vì cuộc sống mưu sinh thôi, tuy biết sai nhưng đói thì đầu gối phải bò. A nói thua cả gái bán hoa cũng đúng nhưng vẫn còn hơn đc phường trộm cướp giết ng. Vả lại chỉ dùng thông tin có sẵn để hỏi chính ng đó. Đôi khi anh ko cần nhưng ng khác cần mà ko biết tìm đâu, như thế này thì còn gì tiện bằng. Vậy thì vẫn hơn là mang thông tin đó đi lừa ng khác rồi để a chịu 1 món nợ "trên trời rơi xuống". Và cuối cùng thì cũng cảm ơn vì đã lắng nghe và ng xưa có nói là: Ng đeo ngọc có tội, kẻ trộm ngọc ko có tội. Anh có thông tin cá nhân thì nên giữ riêng cá nhân, đừng để tung hê ra cho ai cũng biết xong rồi lại bảo ng khác vi phạm. Như kiểu có ngọc quý mà cứ khoe ra như gọi mời ăn trộm, ngọc quý đây, tới lấy đi vậy.

Thôi nói vậy thôi, giờ tóm lại là chung cư a có cho thuê ko? e sẽ đảm bảo cho a. Hoặc nếu bây giờ anh chưa có nhu cầu thì a có ther vui lòng lưu lại số e, để nếu a có suy nghĩ lại hoặc có ai khác cần mà ko biết, a có thể giới thiệu cho e. E xin cảm ơn.

Dài nhờ. 😂😂

Mà mới vào mà hỏi câu đó thì ai thiện cảm cho nổi. Tối thiểu cũng phải tự giới thiệu, xin phép ng ta vài phút. Mất thiện cảm ban đầu thì ai chịu nghe tiếp. 

Không phải tự nhiên “telesale” được liệt kê vô danh sách “top 10 công việc stress nhất thế giới”. Ngày nào cũng buộc bị xúc phạm cũng là một loại stress anh ạ. Nhiều người cười khinh nhiều vụ án tội phạm giết nạn nhân chỉ vì nạn nhân... xúc phạm tội phạm chỉ bằng một câu nói là hoàn toàn có cơ sở ạ. Ông bà mình cũng có câu: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Mấy bạn đơn giản chỉ hỏi anh “Anh ơi anh có nhà không và tụi em hiện có dịch vụ giúp anh cho thuê nhà” mà anh nỡ buông lời “Em có biết công việc của em còn thua kém nghề gái mại dâm không” mà trong trường hợp đầu dây bên kia là nữ nữa, câu nói của anh khiến người nghe xúc-phạm-toàn-tập ạ. Anh thử đặt mình trong tình huống nếu mình là người telesale và khi mình nhận được câu hỏi tu từ như thế này, mình cảm thấy ra sao chưa. Nghề nào cũng là nghề, cách nói của anh cũng không mấy thiện cảm với nghề mại dâm. Thuận mua vừa bán, nghề mại dâm cũng được hợp pháp hoá tại một số quốc gia châu Âu, nghề đã được công nhận, đóng thuế đầy đủ, góp phần kinh tế nước người ta, cũng đáng bị lên án hở anh?

Quay lại, anh bảo doanh nghiệp, người lao động và người dân cần nâng cao nhận thức xã hội. Anh tự khẳng định chính anh cũng cần nâng cao khả năng bảo mật thông tin cá nhân đó thôi. Thay đổi nhận thức xã hội thì khó nhưng thay đổi cá nhân thì dễ. Anh đang khó chịu vì không hiểu vì sao mình lại nhận được các cuộc gọi từ cty bất động sản thì cách đơn giản nhất chính là tự rà soát lại việc bảo mật thông tin cá nhân của mình đang ổn chưa và có vấn đề gì không. 

Em hy vọng mọi người không xem điều 121 trong bộ luật hình sự 2015 “Tội làm nhục người khác” chỉ là tên của một điều luật.