Anh (chị) hãy trình bày những thông điệp về văn học nghệ thuật trong tác phẩm Bông hồng vàng của Pauxtopki.
kiến thức chung
Văn học Nga là một nền văn học lớn, có tầm ảnh hưởng đáng kể đối với lịch sử phát triển văn học thế giới trên nhiều phương diện. Văn chương Nga gồm nhiều tác phẩm rất giá trị. Các nhà văn người Nga đã dùng tất cả các thể loại để diễn tả nhưng hai bộ môn chính nổi tiếng nhất là tiểu thuyết và thơ phú. Đặc điểm của các nhà văn này là thể văn, nội dung của tác phẩm và cách phân tích tâm lý nhân vật rất sâu sắc. Các nhà văn Nga đã bận tâm về các vấn đề xã hội, tôn giáo, triết học và đạo lý.
Văn học Nga – Xô- Viết đã chinh phục nhiều thế hệ người Việt Nam, trước tiên là bởi tình cảm với quê hương Cách mạng Tháng Mười, với đất nước của V.I.Lenin, sau nữa là vì chính sự xuất sắc của nền văn học đó.Vào thời ấy, tất cả những ai yêu văn học, ở độ tuổi học trò rồi sống đời sống sinh viên, hoặc ra mặt trận, đều mang trong lòng tình cảm và hình bóng một vài nhân vật hay tác phẩm văn chương Nga – Xô-viết. Ngày ấy, những tác phẩm thắp lên bầu nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam và trở thành cẩm nang gối đầu giường là những Thép đã tôi thế đấy, Đội cận vệ thanh niên, Trong chiến hào Stalingrad ; tuổi trẻ học đường chớm yêu đương thì truyền tay nhau Mối tình đầu của Turgeniev, Anna Karenina của L. Tolstoi hay đặc biệt như Bông hồng vàng của Paustovski.
Konstantin Georgiyevich Paustovsky (31/5/1892- 14/7/1968) – tác giả cuốn “ Bông hồng vàng” là nhà văn Nga rất nổi tiếng với thể loại truyện ngắn. Những tác phẩm của ông đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới và được bạn đọc khắp năm châu vô cùng ngưỡng mộ. Ông được đề cử Giải Nobel Văn học năm 1965. Ngay từ khi mới xuất hiện trên văn đàn Nga, Pauxtốpxki đã làm cho bạn đọc và giới phê bình chú ý, bởi một giọng văn hết sức độc đáo giàu chất thơ đến mức nồng nàn, càng đọc càng thấm thía sâu xa về cuộc đời, về những nét rung động tinh tế nhất của tâm hồn trước tình người hồn hậu, trước thiên nhiên Nga bình dị mà tráng lệ và vô cùng quyến rũ. Tác phẩm của Pauxtốpki có một ma lực khổng lồ quyến rũ bạn đọc đến với những điều tưởng chừng nhỏ nhặt mà ẩn giấu trong đấy bao ý nghĩa lớn lao về cuộc đời. Ông biết rung cảm sâu sắc với cảnh đẹp thiên nhiên và sự hồn hậu của những con người không chỉ của nước Nga mà cả những nơi ông đã đi qua. Người ta thường gọi ông là nhà thơ bị đóng đinh trên cây thánh giá của văn xuôi. Văn của ông là tiếng nói tâm hồn nồng cháy đến mức tột cùng của ông đối với Tổ quốc Nga Xô Viết. Hòa mình vào mạch chung của văn xuôi Nga hiện đại, Pauxtopki vẫn chọn cho mình một lối đi riêng. Tiếp thu tinh hoa từ những bậc tiền bối trong lịch sử văn học dân tộc, không ngừng rèn bản thân, học tập kinh nghiệm từ bạn bè và đồng nghiệp, Pauxtopxki đã khẳng định được vị trí của ông trên văn đàn văn học Nga bên cạnh những tên tuổi trụ cột của dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đương thời.
Năm 1955, tập Bông hồng vàng ra đời, được đăng trên tạp chí tháng 10. Có thể nói đấy là tác phẩm mà Pauxtopxki dành nhiều tâm huyết. Tập truyện gồm 20 câu truyện nhỏ. Mỗi câu chuyện đều mang đến cho người đọc những thông điệp riêng. Những quan niệm được ông nêu ra trong Bông hồng vàng trở thành những bài học kinh nghiệm quý giá cho những nhà văn trẻ của Nga và thế giới.
Trong tập truyện này, ông đã nêu lên ý nghĩa, tầm quan trọng của văn học nghệ thuật, sứ mệnh của nhà văn. Bên cạnh đó, ông truyền lại cả kinh nghiệm quý giá của bản thân trong hoạt động sán tác từ việc thu thập dữ liệu cuộc sống, hình thành ý tưởng, cảm hứng sáng tác.
Ví dụ như trong câu truyện đầu tiên “ Bụi quý” tác giả có viết : “ Bông hồng vàng của Chamet! Đối với tôi, nó phần nào là hình tượng tương lai của hoạt động sáng tạo của chúng ta. Thật lạ là, chẳng có ai chịu khó nghiền ngẫm xem từ những hạt bụi quý ấy đã khởi sinh nguồn văn học sống động thế nào. Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của người thợ quét rác kia được tạo ra vì hạnh phúc của Suzanne, sáng tác của chúng ta được tạo ra là để cho cái đẹp của đấy đai, cho lời đấu tranh vì hạnh phúc, cho niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn con người, cho sức mạnh trí tuệ sẽ chiến thắng bóng tối, để chúng vĩnh viễn rực õ như một mặt trời không bao giờ tắt ”.
Ông quan niệm nhà văn là người gom góp những mảnh bụi vàng trong cuộc sống, sàng lọc qua năm tháng để đúc nên những bông hồng vàng dâng tặng cho đời. Cuộc sống vốn bộn bề, phức tạp và trong vô vàn tạp chất bụi bặm của nó vẫn có những hạt bụi vàng ẩn giấu kín đáo. Nhà văn phải là người biết chắt lọc từ những hạt bụi đó những gì tinh hoa nhấ để kết thành quặng quý. Cái đẹp của nghệ thuật dường như nằm ở những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt trong cuộc sống đời thường lại làm nên những tác phẩm để đời. Mảnh bụi quý là những phẩm chất cao đẹp trong tâm hồn mỗi con người bị che lấp giữa dòng đời bộn bề. Nếu chúng ta biết nhận biết, trân trọng những giá trị ấy thì nó sẽ trở thành những khoảnh khắc đáng nhớ làm bất chợt những vẻ đẹp hiện ra. Đồng thời nó còn là sự chắt lọc những chi tiết nghệ thuật cô đọng, hàm súc và có sức khái quát.
Trong cuộc sống xô bồ vội vã như hiện nay, đôi lúc chúng ta phải lặng mình thì mới có thể lặng mình cảm nhận những giá trị cuộc sống. Như nhà thơ Hữu Thỉnh ông đã cảm được vẻ đẹp của thiên nhiên cuộc sống ban tặng , những chi tiết dường như rất nhỏ nhặt mà chúng ta chẳng ai quan tâm, để ý, phải có con mắt tinh đời thì mới có thể nhận ra và nó đã trở thành một tác phẩm xuất sắc “ Sang thu” :
“ Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về ”
Văn học nghệ thuật là sự sáng tạo - sáng tạo trên những chất liệu vốn có góp nhặt được từ cuộc sống. Hình ảnh Chí Phèo-con quỷ dữ làng Vũ Đại với dáng vẻ say khướt, tay cầm chai rượu ngất ngưởng cất vang tiếng chửi đã trở thành một hình tượng độc đáo trong văn học Việt Nam. “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời…Rồi hắn chửi đời…Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại…Rồi hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra cái thân hắn, đẻ ra cái thân thằng Chí Phèo…” (trích Chí Phèo- Nam Cao). Chí Phèo là hiện thân của hình tượng người nông dân nghèo khổ bị bần cùng hóa, lưu manh hóa, để rồi bị tha hóa cả về hình dạng lẫn nhân cách và trở thành nỗi ám ảnh của xã hội đương thời. “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết!”.
Thạch Lam đã từng nói : “Thiên chức của người nghệ sĩ là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức.” . Bằng đặc trưng nghệ thuật của mình, văn học lay động đến tận cùng những góc khuất của cuộc sống để tìm hạt ngọc quý ẩn sâu bên trong tâm hồn mỗi con người. Văn học “trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Biêlinxki). Hình tượng nhân vật Hộ trong tác phẩm Đôi Mắt của nhà văn Nam Cao- một mẫu văn nghệ sĩ từ bỏ cái cao siêu, từ bỏ dấu ấn cá nhân của mình trong nghệ thuật, tự nguyện dùng nghệ thuật để tuyên truyền, vận động Cách Mạng giải phóng dân tộc, là một điển hình với danh xưng “người kĩ sư tâm hồn” đem bầu máu nóng của mình tiếp thêm cho nhân loại. Đồng quan điểm trên, nhà văn Vũ Trọng Phụng khi đáp lời Tự Lực Văn Đoàn trên báo Ngày Nay cũng đã phát biểu rằng: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời.”
Hay như trong “ Tia chớp” , có câu “ Ai biết được đó sẽ là cái gì? Một cuộc gặp gỡ bất ngờ, một từ chợt đến trong tâm hồn, một giấc mơ, một giọng nói xa xa, ánh mặt trời trong giọt nước hay một tiếng còi tàu thủy. Mọi cái tồn tại quanh ta, ở chính trong ra, đều có thể là cái kích thích đó.”
Tác giả so sánh ý sáng tác như là tia chớp. Ý sáng tác nảy sinh trong con người khi nó đã tràn đầy những ý nghĩ và cảm xúc được đẩy lên đỉnh điểm rồi sau đó hình thành những cái gạch đầu dòng trong trí nhớ. Khi tất cả đã đủ đầy thì ý sáng tác được nảy sinh – như tia chớp. Và chắc chắn rằng không thể trả lời cho câu hỏi “ ý sáng tác nảy ra như thế nào ? ”một cách chung chung mà phải gắn vào từng truyện ngắ, từng tiểu thuyết hay từng truyện dài riêng biệt.
Ví dụ như trong mẩu truyện tia chớp tác giả có đưa ra một dẫn chứng đó là : “Lev Tolstoy trông thấy một cây ngưu bang kia cũng chẳng gợi được ý đó trong ông. Trong nội tâm Tolstoy đã có sẵn mọi thứ cần thiết cho đề tài ấu và chỉ vì vậy mà cây ngưu bang đã cho ông cái liên tưởng cần thiết ”. Hay một ví dụ khác đó là về “Truyện Tây Bắc”(1953) của Tố Hữu. Tác phẩm là kết quả của những đợt nhà văn thâm nhập thực tế cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người vùng Tây Bắc, đánh dấu sự chín muồi về tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Sau chuyến đi dài 8 tháng cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc (1952), ông đã sống gắn bó và nghĩa tình với đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Hmông…, có những hiểu biết sâu sắc về mảnh đất miền Tây”. “Kết quả lớn nhất và trước nhất của chuyến đi 8 tháng ấy là đất nước và người miền Tây đã để thương, để nhớ cho tôi nhiều quá”. “Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi. Đó là một ám ảnh mạnh mẽ thúc đẩy tôi sáng tác”.Tác phẩm đã thể hiện một cách xúc động cuộc sống tủi nhục của đồng bào miền núi Tây Bắc dưới ách phong kiến và thực dân. Họ - mà tiêu biểu là bà lão Ảng (Cứu đất cứu mường), gia đình ông Mờng và dân làng Mường Giơn (Mường Giơn ), Mị và A Phủ ("Vợ chồng A Phủ") bị tước đoạt tài sản, bóc lột sức lao động và xúc phạm nhân phẩm. Trong cảnh đau thương tột cùng đó, cách mạng đã đến với họ và họ đã thức tỉnh.“Truyện Tây Bắc” là một thành công của Tô Hoài trong việc nhận thức, khám phá hiện thực kháng chiến ở một địa bàn đặc biệt vùng cao phía Tây Bắc tổ quốc đặc biệt là những khám phá mới mẻ sâu sắc về số phận và tâm hồn người lao động nghèo miền núi Tây Bắc trên hành trình đến với cách mạng.
Tiếp đó, có thể kể đến là mẩu truyện “ Nhân vật nổi loạn”. Câu chuyện thể hiện mối quan hệ giữa ý thức của nhà văn của trí nhớ, của sự tưởng tượng với nhân vật được xây dựng. Pauxtopki có đề cập “Trong tác phẩm mới bắt đầu viết , cứ xuất hiện những con người và những con người đó vừa mới bắt đầu theo ý tác giả thì lại là lúc chúng bắt đầu chốn lại đề cương và sự vật lộn với đề cương. Tác phẩm bắt đầu phát triển theo cái logic nội tại của nó. Tất nhiên động lực đầu tiền của tác phẩm là do nhà văn tạo ra, Các nhân vật hoạt động theo cá tính của nó và không hề nếm xỉa đến việc nhà văn là người sáng tạo ra nó”.
Điển hình như trong “ Vợ Nhặt” của Kim Lân. Ngay cái tên truyện là Vợ nhặt cũng gợi cho người đọc nhiều liên tưởng thú vị. Nhân vật vợ nhặt được tác giả miêu tả rất tinh tế, phù hợp với diễn biến tâm trạng ở từng tình huống khác nhau. Chị đã đem lại niềm vui ấm áp và hạnh phúc gia đình cho mẹ con Tràng trong cảnh ngộ mấp mé giữa sự sống và cái chết. Vì thế nhân vật này chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần hoàn thiện giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm. Thường thường, các nhân vật trong tác phẩm dù là chính hay phụ đều có một cái tên để gọi, để phân biệt giữa nhân vật này với nhân vật khác. Đôi khi, tên nhân vật cũng bao hàm một dụng ý nào đó của tác giả hoặc có thể toát lên tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Truyện ngắn vợ nhặt của Kim Lân đã được nhà văn Nguyễn Khải nhận xét là: “Dường như chẳng có gì cả nhưng lại có khả năng làm kinh động lòng người”. Cho nên, khi tác giả cố tình không đặt tên cho nhân vật của mình và lấy nhân vật không tên ấy làm nhan đề tác phẩm thì chắc hẳn đó là một dụng ý nghệ thuật sâu xa. Nhiều người cho rằng ở truyện ngắn Vợ nhặt; nhân vật bà cụ Tứ, người mẹ nhân hậu và từng trải khiến người đọc xúc động nhất. Điều ấy quả không sai, nhưng đọc đến những dòng chữ cuối cùng thì điều ám ảnh tâm trí người đọc lại là hình ảnh người vợ nhặt của anh Tràng.
Một ví dụ khác là Huấn Cao trong “ Chữ người tử tù”. Huấn Cao là một kẻ sĩ xả thân vì đại nghĩa, lên án và tố cáo sự trắng trợn của triều đình, ông bất chấp tất cả để chống lại triều đình mục nát, thối rữa. Huấn Cao trong mắt của bọn lính là một kẻ “ngạo ngược và nguy hiểm nhất”, nên đề phòng. ĐỐi với thầy thơ thì ông “văn võ đều có tài cả, chà chà” còn đối với người quàn ngục thì Huấn Cao là người “chọc trời quấy nước”, coi thường tiền bạc và bạo lực. Với những cách nhìn ấy, Huấn Cao là một người tài ba trong mắt của mọi người, là một kẻ tù nhưng lại có tấm lòng kiên trung, toát lên sự thanh cao giữa chốn xiềng xích nhơ bẩn. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Tuân đã vẽ lên hình ảnh Huấn Cao bộc trực, đầy hào khí, từng đường nét đều rất thoát phàm, rất độc đáo. Là một kẻ tù nhưng Huấn Cao dường như chẳng sợ trời, chẳng sợ đất, ông có thể thét lên với bất cứ ai. KHông cần hành động nhưng khí phách của ông lại khiến cho mọi người nể phục.
Đọc Pauxtopki để nhận thấy rằng con người cần sống cao thượng, có trái tim rộng mở, biết ước mơ và không ngừng vươn tới tương lai tươi đẹp.Ông luôn trung thành với quan điểm tìm kiếm và chắt chiu cái đjep từ cuộc đời với muôn vàn những tập âm và thể hiện nó trên trang viết theo cách cảm rất riêng từ chính trái tim và tâm hồn nhà văn.Nét độc đáo là tác giả không trình bày các quan niệm nghệ thuật của mình dưới dạng lý luận thuần túy. Bao giờ ông cũng khéo léo truyền tải đến người đọc quan niệm nghệ thuật của mình thông qua các mẩu chuyện , qua chân dung các nghệ sĩ nổi tiến và qua chính thực tế sáng tác của bản thân. Vì thế những suy nghĩ, trăn trở của ông về nghề văn đến với người đọc hết sức nhẹ nhàng mà sâu sắc, thấm thía.
Bông hồng vàng thực sự không là một cuốn sách dễ đọc. Nó nặng về tính chuyên môn, triết lý . Tuy nhiên đây là một cuốn sách đầy tính nhân văn. Tính nhân văn được để hiện qua từng mẫu chuyện nhỏ mà tác giả đề ra. Cái quan trọng nhất mà sách đề cập chính là vẻ đẹp và bản chất của văn chương. Văn chương tự nó toát lên vẻ đẹp, không cầu kì, không ép buộc.
Trong Bông hồng vàng, nhà văn tâm sự :” Tôi sống, tôi làm việc, tôi yêu, tôi đau khổ, tôi hy vọng, tôi mơ ước, chỉ biết chắc một điều rằng, sớm hay muộn, đến tuổi trưởng thành hoặc hơn nữa, thậm chí có thể khi đã về già, tôi sẽ viết. Tôi sẽ viết không phải vì tôi đã đặt ra cho mình nhiệm vụ ý mà là vì tâm hồn, trái tim, khối óc tôi đòi hỏi tôi phải làm như vậy, Và bởi vì văn học, đối với tôi, là một hiện tượng đẹp đẽ nhất thế giới”. Bông hồng vàng khiến bạn đọc phải giật mình ra rằng thật sự trên đời này vẫn còn những câu chuyện kì diệu đến thế. Thông qua tác phẩm, Paustovski nhắc nhở chúng ta về những điều đẹp đẽ, những niềm hạnh phúc nhỏ nhắn mà chúng ta đã bỏ quên hay xem như xa xỉ trong cuộc sống vội vã của mình.
Qua đây ta cũng thấy rõ trách nhiệm của người nghệ sĩ, của người viết văn, học văn. Đó chính là luôn phải biết trau dồi vốn sống thực tế của bản thân mình để có thể hiểu sâu, cặn kẽ và chính xác khi gặp những vấn đề trong cuộc sống. Kiến thức sách vở, kiến thức lý thuyết rất cần nhưng luôn phải được soi rọi, đối chứng vào kiến thức, vào vốn sống thực tế vì giữa lý thuyết và thực tế luôn có những khoảng cách nhất định. Vốn sống không phải tự nhiên có được mà phải trải qua những kinh nghiệm, những chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ sống, về cuộc đời của bản thân. Vốn sống đó còn phải được chọn lọc, sàng lọc qua thời gian mới trở thành vốn quý được. Đó cũng chính là bài học quý giá cho tất cả mỗi cá nhân chúng ta.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Thái Ngân