Anh chị hãy phân tích, đánh giá tư tưởng triết học cơ bản của J.S. Mill.
kiến thức chung
1. Quan niệm về vật chất và tinh thần
Là một nhà triết học thực chứng, John Stuart Mill đem triết học của mình đối lập với siêu hình học tự biện đại diện cho chủ nghĩa duy tâm cổ điển Đức, phản đối nhận thức luận xuất phát từ khái niệm chung chung, nhấn mạnh tri thức khoa học của loại người đều bắt nguồn từ kinh nghiệm, ông phủ định tính khách quan của kinh nghiệm. Ông cho rằng không thể và cùng không cần xây dựng một hệ thống siêu kinh nghiệm, tìm kiếm bản chất, cơ sở của thế giới bên ngoài kinh nghiệm, hết thảy tri thức của loài người đều phải giới hạn trong phạm vi kinh nghiệm, còn triết học phải trở thành lý luận nghiên cứu sự thực kinh nghiệm và phương pháp khoa học. Mặc dù ông phản đối chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng thực chất ông vẫn đi theo con đường chủ nghĩa kinh nghiệm của Hume.
Ông khẳng định sự tồn tại của thế giới bên ngoài (vật chất), cho rằng khoa học vật lí và khoa học đạo dức đều lấy việc khẳng định sự tồn tại của thế giới bên ngoài làm tiền đề. Ông định nghĩa vật chất là “khả năng cảm giác vĩnh hằng”, ông đưa ra 2 giả thiết: thứ nhất, giả định là có tồn tại tâm linh (tự ngã, tinh thần), nó có thể hình thành khái niệm về vật tồn tại và hết thảy những gì có khả năng tồn tại; thứ hai, giả định rằng quy luật liên tưởng tâm lí là đáng tin cậy. Ông cho rằng dựa vào hai giả định ấy có thể có được niềm tin vào sự tồn tại của thế giới bên ngoài.
Sự tồn tại của vật chất không phụ thuộc vào cảm giác của con người, do vậy khái niệm tạo nên đối tượng bên ngoài không thể là cảm giác nhãn tiền, không mang tính quy luật, thay đổi vô thường, chỉ cần là cái cố định bất biến, có quy luật thì tình hình thay đổi như thế nào nó vẫn tạo ra cảm giác tương ứng không chuyển di tùy theo người cảm giác hoặc người quan sát. Ông gọi đó là niềm tin khả năng cảm giác vĩnh hằng, niềm tin của chúng ta vào sự tồn tại của thế giới bên ngoài chính là cái khả năng cảm giác vĩnh hằng đó. Cơ sở của khả năng cảm giác vĩnh hằng theo ông không phải là tồn tại khách quan, mà là kí ức, ước muốn và liên tưởng tâm lí của con người. Ông đưa ra ví dụ, khi tôi ngồi bên chiếc bàn trong căn phòng này, tôi nhìn thấy cái bàn tức là có thị giác về nó, nếu tôi sờ vào cái bàn tức là có xúc giác về cái bàn, nhưng khi tôi chỉ nhìn thấy cái bàn chứ chưa hề sờ vào nó tôi sẽ lien tưởng nếu sờ vào nó thì mình có xúc giác bấy giờ xúc giác là cảm giác khả thể tồn tại, ngược lại khi tôi chỉ sờ được chứ không nhìn thấy được (trong căn phòng tối om), thì thị giác là cảm giác khả thể tồn tại, nếu tôi ròi khỏi căn phòng này,nên không có thị giác và xúc giác thực tế về cái bàn, tôi sẽ liên tưởng nếu quy trở lại căn phòng tôi cũng có được cái thị giác và xúc giác kể trên. Cái cảm giác khả thể này là vĩnh hằng, cố định, có quy luật, nên chúng ta tin rằng nó tồn tại mà cái này chính là cái ta gọi là vật chất, sự khác nhau giữa cảm giác và vật chất chẳng qua là sự khác nhau giữa một cảm giác cụ thể hiện thực với cái cảm giác khả thể vĩnh hằng.
Quan điểm này của ông chưa thoát khỏi chủ nghĩa kinh nghiệm của Hume, sự tồn tại của vật chất của đối tượng bên ngoài mà ông khẳng định vẫn là sự tồn tại của kinh nghiệm mà chủ nghĩa kinh nghiệm Hume nói tới. Mặc dù ông khẳng định đối tượng của khoa học là thế giới bên ngoài nhưng ông vẫn giống như A. Comte quy kết thế giới khoa học là thế giới hiện tượng, cũng chính là thế giới kinh nghiệm của cảm giác.
Ông phản đối chủ nghĩa duy tâm coi tâm linh là một thực thể độc lập, nhưng ông cũng phản đối chủ nghĩa duy vật coi tinh thần là thuộc tính hoặc sản phẩm của vật chất, ông cho rằng tâm linh là trạng thái tâm lý, tinh thần của con người, song trạng thái tinh thần này không đặc biệt, không tạm thời, mà là một trạng thái tinh thần cố định, vĩnh hằng, xuất hiện trong mọi tình huống, và ông gọi nó là cảm thụ khả thể vĩnh hằng, niềm tin của chúng ta vào sự tồn tại của nó cũng xuất phát từ liên tưởng tâm lý. Giống như cảm giác khả thể vĩnh hằng không tách rời vật chất khách quan được cảm giác, cảm thụ khả thể vĩnh hằng cũng không tách rời bản thân tâm linh, hoạt động thể nghiệm, cảm thụ của con người.
2. Những luận điểm cơ bản của J.S Mill về Tự do
Thứ nhất, về bản chất của tự do. Vấn đề tự do được đề cập trong tác phẩm “Bàn về tự do” không phải là tự do nằm trong mối quan hệ với tất yếu, chịu sự quy định của tất yếu, là sự hiện thực hoá tất yếu thông qua lý trí của con người. Ông tiếp cận tự do với tư cách là một trong những quyền tự do của con người-tự do trong xã hội dân sự. Bản chất của tự do mà J.S Mill đề cập đến đó là tự do dân sự, tự do xã hội, là các quyền tự do của con người trong xã hội có đối kháng giai cấp. Danh giới về quyền hạn của nhà nước đối với công dân, của công dân đối với nhà nước chính là bản chất của tự do mà ông muốn đề cập và luận giải.
Thứ hai về mối quan hệ giữa quyền tự do cá nhân và quyền uy của xã hội, ông khẳng định cá nhân không phải giải trình trước xã hội về những hành vi trong chừng mực chúng không liên quan đến quyền lợi của một ai ngoài bản thân anh ta. Các cá nhân phải chịu trách nhiệm về các hành vi gây hại cho quyền lợi của những người khác và có thể phải chịu xã hội hay pháp luật chừng phạt, nếu xã hội cho rằng, cần có chừng phạt loại này hay loại kia để bảo vệ mình.Chỉ có những hành vi toan tính gây điều xấu làm phương hại đến lợi ích của cộng đồng thì những hành vi đó cần được giới hạn bởi xã hội.
Thứ ba về quyền tự do cá nhân và giới hạn của nó, ông khẳng định rằng, quyền tự do của cá nhân phải bị giới hạn nhiều vì không một ai là thực thể cô lập hoàn toàn, trong môi trường sống của mình họ có quan hệ với người khác và những hành vi của họ sẽ ít hay nhiều ảnh hưởng đến những người xung quanh. Hơn thế nữa, mỗi cá nhân đều luôn nhận được sự bảo hộ của chính môi trường mà họ đang sinh sống. Do đó, họ phải có nghĩa vụ và trách nhiệm ngược trở lại với môi trường đó và như thế thì anh ta không được phép làm cho mình trở thành người gây phiền nhiễu cho người khác. Ông đã đưa ra một định nghĩa thật đẹp của tự do: “Chỉ có sự tự do xứng đáng với tên gọi, là tự do mưu cầu hạnh phúc riêng của ta theo cách riêng của ta, trong chừng mực ta không mưu toan, xâm phạm đến hạnh phúc của người khác hoặc ngăn trở những nỗ lực của người khác đạt được hạnh phúc”.
Thứ tư về đối tượng thực thi quyền tự do dân sự. Ông ý thức được rằng, trên cơ sở mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước để từ đó xác định quyền tự do của công dân thì học thuyết này chỉ được áp dụng đối với đối tượng là những người đã trưởng thành về các năng lực, tức là không áp dụng một cách máy móc cho trẻ em và những người bị thiểu năng về trí tuệ.
- Tự do tư tưởng, tự do thảo luận và tự do tôn giáo
Cơ sở của tự do tư tưởng, tự do thảo luận và tự do tôn giáo của cá nhân trong đời sống xã hội theo ông đó chính là tính hữu ích của chúng đối với hạnh phúc của mỗi cá nhân và sự tiến bộ xã hội.
Trước hết ông chủ trương rằng, con người là có thể sai lầm, do vậy cần tự do tư tưởng để khắc phục nhược điểm này. Ông đã nhận thấy rằng, về mặt lý thuyết hầu như ai cũng thấy được sự hiển nhiên về tính có thể sai lầm của mình, nhưng trên thực tế điều này lại không được chú trọng.
Thứ hai, ông phê phán kiểu suy luận dựa vào tính hữu ích để khẳng định chân lý của ý kiến, từ đó ông khẳng định tính hữu ích hay tính đúng đắn của chân lý, trong mọi trường hợp đều vẫn cần phải được tự do thảo luận. Mọi người không tin ý kiến của họ là chân lý nhưng lại không biết phải làm sao nếu không có chúng. Việc bảo hộ cho một ý kiến khỏi sự công kích chung của dư luận không dựa được bao nhiêu vào tính chân lý của nó, mà phần nhiều dựa vào tính quan trọng, sự hữu ích của nó đối với xã hội.
Ông khẳng định rằng, sức sống của một chân lý không phải là ở tính hữu ích của ý kiến mà chính là tính đúng đắn của ý kiến. Với những lập luận trên, theo ông tự do tư tưởng và thảo luận là không thể bị hạn chế.
Thứ ba, ông khẳng định, quan điểm được coi là đúng hoặc sai, trong mọi trường hợp tự do thảo luận đều có lợi chứ không có hại.
Thứ tư, theo J.S Mill tự do tư tưởng thảo luận là liều thuốc duy nhất không những đem lại mà còn duy trì sức sống của các học thuyết. Ý nghĩa của học thuyết cũng như chính bản thân học thuyết luôn có nguy cơ bị lãng quên hoặc bị suy yếu và mất đi tác dụng sống còn của nó để trở thành học thuyết có tính giáo điều, chết cứng, khô khan và mang tính hình thức khi học thuyết thôi không còn được tự do thảo luận. Theo ông, quyền tự do ý kiến là quyền tự do tuyệt đối bất khả xâm phạm. Quyền tự do ý kiến mà ông đề cập đến không chỉ bao gồm quyền tự do tư tưởng mà còn bao gồm quyền tự do phổ biến tư tưởng cho những cá nhân khác biết (tự do ngôn luận). Hành động cấm đoán quyền tự do tư tưởng và thảo luận là hạnh động tước đoạt của nhân loại cơ hội tìm hiểu sự thật. Từ đó ông đưa ra những điều kiện có tính nguyên tắc trong tranh luận nhằm làm cho tranh luận có hiệu quả và đem lại lợi ích cho cả hai bên trong tranh luận nhằm đạt được chân lý, cống hiến cho sự tiến bộ của văn minh nhân loại như sau:
Nguyên tắc thứ nhất là trong quá trình tự do thảo luận, chủ thể của các ý kiến không được tranh biệt một cách rối rắm, dập đi các sự kiện hay các chứng lý, khẳng định sai lệch các yếu tố của vấn đề hay trình bày không đúng ý kiến phản bác.
Nguyên tắc thứ hai, các ý kiến xung đột với nhau thì ý kiến trái với sự thừa nhận chung chỉ có thể được lắng nghe bằng ngôn ngữ cân nhắc, chừng mực và phải hết sức cẩn trọng, tránh gây xúc phạm không cần thiết.
Nguyên tắc thứ ba, các cá nhân , đặc biệt là chủ thể của các ý kiến xung đột nhau phải kiềm chế việc sử dụng ngôn ngữ thoá mạ hơn là các ngôn ngữ khác, nếu giả dụ như cần lựa chọn thì phải kiềm chế việc đã kích gây thương tổn đối với dị giáo nhiều hơn là đối với chính giáo.
Nguyên tắc cuối cùng, cần phải lên án bất cứ ai, bất kể kiểu tranh luận nào thiếu trung thực, thâm hiểm, cuồng tín hoặc là không khoan dung trong biểu hiện cảm xúc. Và cần phải biết tôn vinh bất cứ ai, ý kiến nào nếu người đó có thái độ xem xét điềm tĩnh và trung thực.
Về phần tự do tôn giáo, ông không trực tiếp đưa ra các luận cứ về tính hữu ích của tự do tôn giáo để khẳng định tôn giáo cũng cần được tự do. Ông đã thông qua quá trình luận giải về tính hữu ích của tự do tư tưởng và tự do thảo luận để làm rõ tự do tôn giáo , ông cho rằng một học thuyết tôn giáo được coi là đúng nhưng trong quá trình tồn tại nó cũng cần được tự do thảo luận, có như vậy học thuyết tôn giáo mới có sức sống, nếu không nó sẽ mang tính giáo điều, hình thức, mất đi ý nghĩa và chỉ là sự học thuộc lòng câu chữ. Không những đem lại sức sống và sự hấp dẫn cho tín ngưỡng tôn giáo, tự do tôn giáo còn làm cho các học thuyết tín ngưỡng tôn giáo đó có giá trị cho lý trí và tâm hồn của con người. Tín ngưỡng tôn giáo cũng như các học thuyết khác trong quá trình tồn tại của nó để giữ được và còn giá trị với con người, phục vụ cho sự phát triển xã hội thì theo ông không có con đường nào khác chún luôn phải được đổi mới và sự đổi mới của nó chỉ có thể là kết quả tất yếu của tự do, tư tưởng và thảo luận.
- Tự do về sở thích và tự do lập kế hoạch cho cuộc sống
Thứ nhất quan niệm về tính có thể sai lầm của con người lẫn quan niệm về hạnh phúc cho thấy xã hội không thể giới hạn sự tự do trong việc lựa chọn lối sống và can thiệp vào lĩnh vực riêng tư của cá nhân, chẳng hạn với lý do nhằm giúp cho cá nhân có cuộc sống tốt hơn nhưng về nguyên tắc xã hội vẫn có thể sai lầm.
Ông khẳng định chính sự đa dạng trong kiểu cách sống của con người, đã giúp cho con người không những chia sẻ hạnh phúc được với nhau mà còn vươn lên hết tầm vóc trí tuệ, đạo đức và thẩm mỹ mà bản chất con người có khả năng đạt được.
Với cá tính riêng của mỗi người, J. S Mill nhận thấy thực hiện tự do, sở thích cũng như lên kế hoạch cho cuộc sống theo sở thích là một điều cần thiết.
Như vậy, tự do sở thích và lên kế hoạch cho cuộc sống theo sở thích là một tất yếu, một tiền đề cần thiết cho con người được phát triển và đạt được hạnh phúc. Ông đã phát hiện ra cái nguy cơ đe doạ bản chất con người không phải là sự dư thừa mà là sự thiếu thốn các xung đột và thiên hướng cá nhân.
Thứ hai, theo J. S Mill tự do sở thích và lên kế hoạch cho cuộc sống theo sở thích còn là yếu tố có lợi cho sự tiến bộ xã hội, và là động lực cho tiến bộ và phát triển của xã hội.
Tiến bộ của xã hội chỉ có thể có được khi mọi người đều có cơ hội thử nghiệm và trải nghiệm các hình thức khác nhau trong việc tổ chức cuộc sống. Thêm nữa, tự do chọn lựa lối sống là điều kiện cần để những cá nhân xuất sắc thực hiện các dự án của mình và qua đó có thể đóng góp lớn cho tiến bộ xã hội. Tiến bộ xã hội sẽ bị ngưng trệ khi mà cái nhân bị tước đi quyền tự do cá nhân ấy. Tự do là giá trị sáng tạo ra các giá trị khác cho xã hội, làm cho xã hội ngày một tiến bộ xã hội tốt đẹp hơn. Thông qua tự do mà các cá nhân không những sáng tạo mà còn có cơ hội thử nghiệm cũng như trải nghiệm những mô hình sống, những cá nhân kiệt xuất có điều kiện cần, có môi trường thực hiện các dự án kế hoạch của mình.
Tự do sở thích và lên kế hoạch cho cuộc sống theo sở thích không những là cơ sở căn cứ để xây dựng hạnh phúc và tiến bộ của cá nhân, mà nó còn là nguồn gốc động lực cho sự phát triển tiến bộ xã hội. Hạnh phúc cá nhân và tiến bộ xã hội chỉ đạt được khi và chỉ khi trong xã hội tự do được phát triển. Mọi người được sống trong bầu không khí tự do. Ngược lại với sự tự do là khuân mẫu của tập quán, của truyền thống; khuân mẫu này làm cho cá nhân bị thui chột, và xã hội không có cơ hội để phát triển,chỉ là một thực thể tĩnh tại hàng trăm năm. Vì vậy sự phát triển của tự do nói chung và tự do sở thích và lên kế hoạch cho cuộc sống theo sở thích nói riêng là tất yếu cần thiệt và cần được ngày càng mở rộng, mang tính phổ quát trong xã hội.
- Tự do hội họp
Quyền tự do lập hội của con người được thể hiện đó là cá nhân có quyền tham gia thành lập những tổ chức những hội mà thông qua đó các quyền và lợi ích hợp pháp được đáp ứng. Theo J. S Mill quyền tự do lập hội của cá nhân còn được thể hiện ở khía cạnh là cá nhân có quyền rút khỏi các giao ước, tổ chức khi cảm thấy chúng thôi không còn đáp ứng được các nhu cầu hoặc trực tiếp xâm hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Nếu quyền tự do nói chung mà J. S Mill đề cập đến trong tác phẩm không tách rời nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng thì tự do hội họp cũng không nằm ngoài tính quy luật đó. Tự do hội họp tồn tại là để tạo điều kiện cho mọi người được thoả mãn nhu cầu và lợi ích hợp pháp của chính mình, phục vụ cho sự phát triển và tiến bộ của cá nhân cũng nhu toàn xã hội.Vì vậy cá nhân không được phép lợi dụng hay nhân danh quyền tự do này để thành lập các tổ chức, lôi kéo những phần tử xấu hoạt động đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng. Nếu hành vi đó xảy ra, theo ông đương nhiên quyền tự do này của cá nhân phải đặt dưới sự kiểm soát của quyền uy xã hội.
3. Logic học
John Stuart Mill là một người theo chủ nghĩa quy nạp. Tác phẩm Hệ thống logic (1843) của J.S Mill là một lỗ lực tham vọng đưa ra một tường trình không chỉ về logic, như cái tựa đề gợi lên, mà còn về các phương pháp khoa học và các ứng dụng của chúng vào các hiện tượng xà hội cũng như các hiện tượng tự nhiên thuần túy.
Đặc điểm chính trong logic học của J.S Mill là phản đối khuyếch trương tác dựng của phép diễn dịch lý tính; nhấn mạnh tác dụng của phép quy nạp kinh nghiệm, đồng thời phát triển phép quy nạp kinh nghiệm truyền thống lên một giai đoạn mới. Cuộc tranh luận của J.S Mill với những người theo chủ nghĩa diễn dịch thể hiện chủ yếu ở việc tam đoạn luận giải thích tính chất của số học, J.S Mill từa nhận thừa nhận tác dụng của diễn dịch lí tính trong nhận thức khoa học. J.S Mill cho rằng suy luận diễn dịch tuy là phương pháp logic tất yếu của khoa học, nhưng hoàn toàn không phải là phương pháp để có được tri thức và chân lý mới, bởi vì suy diễn tam đoạn luận không phải là suy ra từ cái đã biết ra cái chưa biết. Theo J.S Mill, mệnh để làm tiền đề lớn của tam đoạn luận không hề có tính phổ biến và tính tất nhiên, càng không có tính cụ thể.
Theo J.S Mill, suy diễn tam đoạn luận không phải là suy diễn từ cái chung đến cái riêng mà là suy diễn từ “cái riêng đến cái riêng”. Theo Ông loại suy là một hình thức quy nạp, do đó ông thực ra phủ định phép điễn dịch lý tính là một phương pháp suy diễn logic độc lập, làm cho nó trở thành phép quy nạp kinh nghiệm, thậm chỉ trở thanh một bộ phận của của phép quy nạp kinh nghiệm. Theo ông quy tắc của tam đoạn luận là quy tắc giải thích chính xác mệnh đề quy nạp. Do đó, diễn dịch là sự tiếp tục quy nạp, là giai đoạn thứ hai của quá trình suy luận.
Trong khi tranh luận với những người theo chủ nghĩa diễn dịch, J.S.Mill thừa nhận số học có một vài đặc tính khác với khoa học kinh nghiệm nói chung, chân lí của số học “không có liên hệ với quy luật nhân quả”. Ông cho rằng mệnh đề số học không phải là một mệnh đề tiên thiên, hệ thống số học đúng là một hệ thống diễn dịch, được suy ra từ các giả thiết được công nhận. Trong cuộc tranh luận này, ông cho rằng, mọi suy diễn và chứng minh, mọi phát hiện chân lý, đều do phép quy nạp và sự giải thích phép quy nạp tạo nên. Ông đưa ra đặc điểm cơ bản của phép quy nạp là ở chỗ từ cái đã biết suy ra cái chưa biết, tức là từ chỗ khảo sát một hoặc một số sự vật có thuộc tính nào đó mà suy ra các sự vật cùng loại cũng có thuộc tính ấy. Ông đưa ra định nghĩa phép quy nạp là “một hoạt động tâm trí, nhờ đó chúng ta từ chỗ biết một hoặc một vài sự vật trong tình huống riêng là đúng, sẽ suy đoán ra sự vật tương tự trong mọi tình huống cũng là đúng”. Nhận thức quy luật nhân quả là “cột trụ chính của khoa học quy nạp”, phép quy nạp là phương pháp phát hiện mối quan hệ nhân quả.
Ông đưa ra 4 phép quy nạp nổi tiếng để làm phương pháp phát hiện mối quan hệ nhân quả, 4 phép quy nạp đó là: phép tìm sự giống nhau, phép tìm sự khác nhau, phép thừa dư, phép cộng biến. Kết hợp phép thứ nhất và thứ hai thành phép thứ năm. Phép năm phép quy nạp của J.S.Mill kế thừa di sản tư tưởng logic quy nạp tam biểu pháp của F.Bacon.
Tuy nhiên phép quy nạp của J.S.Mill có những hạn chế lớn, thứ nhất, nó là một phương pháp đơn giản, sơ bộ, chỉ thích hợp cho một phạm vi, một mức độ nhất định; thứ hai, phép quy nạp của J.S.Mill vượt ra khỏi phạm vi của chủ nghĩa kinh nghiệm, và chủ nghĩa hiện tượng. Chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa hiện tượng làm cho J.S.Mill tất nhiên đi theo thuyết bất khả tri.
4. Đạo đức học
Đạo đức học của John Stuart Mill được ông thể hiện trong tác phẩm Chủ nghĩa công lợi xuất bản năm 1863.
Mill đã phát triển một thái độ phê phán tiền đề cơ bản của Bentham rằng lạc thú thể xác (hay khoái cảm) là lẽ Chân-Thiện-Mỹ trong đời. Nếu ý tưởng ấy của Bentham là đúng, Mill nhận định, liệu chúng ta có nên đặt vấn đề rằng tạo vật đang chìm đắm trong dục lạc là một con người hay một con lợn? Thực ra, nếu khoái cảm là điều chí thiện tận mỹ trong cuộc sống, vì sao một con người đang chịu khổ đau và thất vọng lại có thể được xem là "thượng đẳng" hơn một con lợn đang thoả mãn trong dục lạc nhầy nhụa?
Mill đi đến kết luận rằng hoan lạc phải có tính phân biệt về chất; vì thế, chỉ một lượng nhỏ lạc thú của con người cũng có giá trị hơn một lượng lớn lạc thú của một con lợn. Triết lý của Mill, tương phản với thuyết “hoan lạc định tính." (Qualitative Hedonism)
• Tiêu chuẩn luân lý
Bentham đề xuất 7 tiêu chuẩn phân lượng hoan lạc để làm cơ sở xác định thú vui đúng đắn. Về phần mình, Mill đã chọn một chuẩn mực khác, tạm gọi là "ý kiến của chuyên gia hoan lạc." Điều này có nghĩa là, nếu cần chọn lựa một trong hai lạc thú khả dĩ, quyết định đúng đắn sẽ thuộc về người đã từng có kinh nghiệm về cả hai lạc thú ấy. Trong tình huống hai người bất đồng với nhau trong quá trình đi đến một quyết định chọn lựa lạc thú, lời phán xét cuối cùng phải thuộc về người khôn ngoan và từng trải hơn, bởi vì anh ta có khả năng đưa ra một quyết định chính xác và đúng đắn hơn.
• Mọi người đều bình đẳng
Mill đưa vào học thuyết của mình quan điểm dân chủ của Bentham, rằng hạnh phúc và những điều tốt đẹp của mỗi cá nhân đều có giá trị như nhau, rằng mỗi người đều bình đẳng và phải được đối xử công bằng. Hạnh phúc của kẻ bần cùng cũng quan trọng như hạnh phúc của một ông hoàng. Mọi người trên thế giới đều bình đẳng.
5. Đánh giá
- Giá trị quan điểm của J. S. Mill về tự do
Thứ nhất, ông khẳng định quyền tự do cá nhân là điều kiện cho sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Thứ hai, thông qua bàn về tự do, ông lên tiếng chống lại mọi sự chuyên chế.
Thứ ba, thông qua luận giải về tự do, ông đưa ra mô hình xã hội mà quyền tự do cá nhân không những được đảm bảo mà còn không ngừng được củng cố và phát huy đó là nhà nước dân chủ.
Thứ tư, ông tiếp cận tự do không những với tư cách là một phạm trù chính trị mà còn là một phạm trù văn hoá gắn liền với đạo đức.
Thứ năm ông đưa ra một số nhận định có tính chất tiến bộ về giáo dục, rằng cũng phải thực hiện tự do trong hoạt động giáo dục, coi đó là một động lực cho nền giáo dục quốc dân phát triển.
Thứ sáu, ông đưa ra những nguyên tắc nhằm đảm bảo tự do tư tưởng thảo luận có hiệu quả, những nguyên tắc này chính là những giá trị văn hoá mới trong giao tiếp mà ông là người đặt nền móng.
- Hạn chế trong quan niệm về tự do
Thứ nhất, chủ trương đấu tranh cho quyền tự do của con người nhưng ông lại không bảo vệ sự bình đẳng của các dân tộc có quyền tự do như nhau.
Thứ hai, ông tin rằng, giải pháp để xây dựng một tương lai tốt đẹp của nhân loại chỉ đơn thuần thông qua thảo luận tự do, thông qua phẩm chất biết sửa sai của con người.
Thứ ba, mặc dù khẳng định cơ sở cho việc hạn chế quyền lực tác động của xã hội tới các hành vi của cá nhân là tự về nhằm đảm bảo hài hoà, tối đa lợi ích giữa xã hội và cá nhân nhưng trong tác phẩm, ông không đi sâu vào những phương thức hạn chế quyền lực của nhà nước.
Thứ tư, ông xây dựng tự do và luận chứng cho tự do trên nền tảng của chủ nghĩa công luận , tính hữu ích là cơ sở quan trọng nhất quyết định sự tồn tại của tự do, điều này dường như chưa đủ.
Thứ năm ông đưa ra tiêu chuẩn để giới hạn hành vi của cá nhân đó là lợi ích, nhưng lợi ích mà ông đề cập đến ở đây không phải là lợi ích kinh tế- nền tảng của xã hội.
Nội dung liên quan
Dương Xuyến