"Ăn để sống hay ăn để sợ?"
Nếu quan tâm về an toàn thực phẩm ở đất nước ăn hàng tuyệt đỉnh, hẳn là không có sách nào dễ nuốt như của bác Vũ Thế Thành, quyển "Ăn để sống hay ăn để sợ - P.1".
Chuyên môn của tác giả là Hóa học và Quản trị chất lượng, với vốn kiến thức phong phú cũng như chuyên sâu của mình, không chỉ người thích ăn uống có thêm kiến thức bổ ích mà những ai yêu việc vào bếp có thể biết cách đi chợ cẩn thận và nấu ăn khoa học hơn. Quyển sách là tập hợp các bài ngắn được đăng trên báo hoặc được bác giải đáp cho độc giả, nên đều là những kiến thức phổ thông hữu dụng. Mỗi phần được tóm gọn với tiêu đề lớn đến tiêu đề nhỏ, dẫn nguồn đầy đủ cho đến súc tích kết luận cho câu hỏi ở mỗi mục được đưa ra nên không gây ngao ngán khi đọc; sách lại dày dặn chứ không hời hợt; một số bài có cùng chuyên mục (như gạo chứa arsenic, cafein, chất xơ và các loại đường...) nhưng đều là các góc độ khác nhau để cho người đọc có cái nhìn toàn diện hơn chứ không bị trùng lặp ý như mình lo ngại. Bác hay diễn giải bằng các công thức hóa học, ai ngu hóa như mình chắc đọc chữ được chữ mất, nhưng vẫn sẽ biết được rằng omega-3 là nhóm chất béo gồm nhiều chất, phải cẩn thận đọc kĩ nếu mua thực phẩm chức năng dùng; nếu ăn kiêng thì phải biết lựa trái cây nhiều fructose ít glucose; hoặc cholesterol thì có loại tốt (HDL) lẫn loại xấu (LDL) chứ không phải chi cũng né,vv.., những kiến thức be bé thôi nhưng khi gom lại đủ giúp mình bớt lo sợ hơn khi chọn thứ để dung nạp vào người hay những điều ảnh hưởng tới vấn đề này.
Giọng văn rất Nam bộ và hóm hỉnh, đọc vừa gần gũi vừa thấy cái tâm của một người chịu khó viết cho dân mình, từ người trẻ không có chuyên môn cho tới người lớn tuổi vẫn có thể truyền tay nhau mà đọc.
Sách "Ăn để sống hay ăn để sợ - P1" của tác giả Vũ Thế Thành
Tiếp nối các kiến thức về Ăn toàn thực phẩm quý báu từ Phần 1, Phần 2 của "Ăn để sướng hay ăn để sợ" sẽ chuẩn bị được ra mắt trong tháng 1/2019 do NES BOOKS phát hành.
Về Phần 2 này, TS. Bùi Trân Phượng đã có những nhận xét ban đầu như sau:
"Khoa học có nhứt thiết phải cao siêu, phức tạp, khó hiểu, khô khan, càng khô khan, khó hiểu, lại càng cao siêu? Không nhứt thiết. Ngoài sách giáo khoa hay những công trình khảo cứu chuyên sâu, có loại sách báo nhằm quảng bá tri thức khoa học cho đại chúng, giúp người đọc bình thường tiếp nhận những tri thức khoa học nền tảng, mới mẻ, tốt hơn nữa là có ích cho cuộc sống đời thường của họ. Bài viết như vậy có nhiều không? Nhiều lắm, chúng đầy trên mạng, tiếng Việt, tiếng Anh, không thiếu thứ gì. Nhưng, đọc những bài viết ấy, đính kèm hình ảnh, video rất hấp dẫn, hay chia sẻ từ nhân chứng có tên tuổi, địa chỉ hẳn hoi, người ta vẫn hoang mang, vì chúng thường lẫn lộn, đan xen khó tách rời quảng cáo mua thuốc trị bá bệnh, kể cả những bệnh khó mà y học vô cùng dè dặt hay trước mắt còn phải bó tay. Thực phẩm chức năng giá thường không hề rẻ, bởi đi cùng lời hứa cải thiện thần kỳ, tuy sau đó vẫn có dòng bắt buộc: “Không phải là thuốc và không thay thế thuốc trị bệnh”.
Trước thực trạng đó, là người đọc bình thường, ngoại đạo với khoa học tự nhiên, tôi trân trọng và nhiều lần còn rất thú vị, đôi khi thực sự cảm động khi đọc tác giả Ăn để sướng hay ăn để sợ? Không chỉ là người nổi tiếng từ khi tập 1, Ăn để sướng hay ăn để sợ? nhanh chóng thành best-seller được nhiều người đọc hâm mộ, anh Vũ Thế Thành là một nhà khoa học từ nhiều chục năm nay đã cần mẫn, kiên trì viết bài khoa học thường thức theo nghĩa cao quý nhứt của thể loại này, từ báo Sài Gòn Tiếp Thị sang Thế Giới Tiếp Thị, và anh còn lên tiếng ở những diễn đàn khác ngoài không gian truyền thông.
Tôi thích đọc Vũ Thế Thành từ khi chưa quen biết, trước hết vì đề tài bài viết có sức cuốn hút đặc biệt, chính bởi chúng quá đời thường, chúng trả lời những câu hỏi không ai có thể thờ ơ. Thường thức mà không phải ai cũng biết như: làm sao dùng tủ lạnh đúng cách, hiểu sao về hạn dùng thực phẩm, chọn sinh tố hay nước ép trái cây, bơ hay margarine. Câu hỏi vui như sáng ăn khoai thành khoái ăn sang? Bài học giải ảo như: Dùng lò vi ba có gây ung thư?; định kiến – hay nỗi sợ – quá ăn sâu đến nỗi tác giả phải viết tới hai bài về chủ đề này. Những câu hỏi lắt léo về thứ thực phẩm rất bình thường như: thế nào là dầu dừa ép nóng, ép nguội và nó có tác dụng làm đẹp tới đâu? Hay: cao su mì căn, gluten sinh chuyện. Vấn đề không đơn giản để giải quyết, nhưng thiết yếu với dân Việt hàng ngày ăn cơm, như: làm sao giảm mức arsenic trong gạo? Và, độc chiêu nhứt, có lẽ là những việc nói đi, rồi phải nói lại. Nhìn vấn đề từ nhiều mặt, phân tích các phía cực đoan, rồi trở lại quân bình, là lẽ thường trong khoa học. Nhưng ác hại còn do cách đọc, cách nghe, cách hiểu và lối sống của người đời. Tác giả chân thành, mà hóm hỉnh: Nhận xét của độc giả: ‘Tôi thích ăn bậy bạ. Đọc sách của ông tôi lại càng yên tâm ăn bậy bạ!’ - ‘Ăn bậy bạ là sao?’ - ‘Là ăn vặt ở chợ, ở vỉa hè ngoài đường phố ấy’. Đây là nhận xét ‘tàn bạo’ nhất kể từ khi quyển Ăn để sướng hay ăn để sợ? - Tập I của tôi được phát hành cuối năm 2016. Để tránh tác hại từ nhận xét “tàn bạo” đó, tác giả phải viết thêm bài Thức ăn vỉa hè – Sướng và sợ. Đọc Vũ Thế Thành, cứ vậy, như trò chuyện miên man trong quán cà phê lề đường quen thuộc, với một nhà khoa học chẳng những gần gũi đời thường, mà còn thấu cảm, nhân hậu với số đông, với người nghèo, người bán nghèo, mà người mua cũng nghèo. Người Việt không chỉ nghèo tiền, còn đói thông tin chân xác, còn lạc giữa trận đồ bát quái truyền thông, định kiến, cảm tính, nếp nghĩ dễ dãi thiếu lý tính, hành xử theo lối mòn lầm tưởng là kinh nghiệm, hoặc theo số đông mà không biết mình a dua. Vì vậy, dù có ý thức hay không, vẫn là đói khát thông tin, tri thức có căn cứ, vô vị lợi. Bởi vậy, tôi thích đọc Vũ Thế Thành từ những bài đăng báo, thích khi anh rành mạch giảng giải điều anh biết, càng thích hơn khi anh chắc nịch: “Tôi không biết”, vì chưa có chứng lý đủ để khẳng định.
Quen thân với tác giả rồi, tôi mới biết rất nhiều trong số câu hỏi và chủ đề bài viết giải ảo của anh là do bạn bè, vợ của bạn bè, độc giả từ mọi miền đất nước đã thực sự hỏi và nêu với anh. Uống cà phê với anh – theo kiểu của người Sài Gòn, nghĩa là anh uống cà phê còn tôi thích gì uống nấy – lòng vòng mọi chuyện trên trời dưới đất một hồi thế nào cũng nghe anh nhắc: “Bà hỏi cái gì đi, hỏi đi cho tôi có chuyện viết bài.” Rồi cũng anh than thở: “Tôi mệt quá, định không viết nữa, nhưng bị bà Hạnh – nhà báo Vũ Kim Hạnh, một người bạn cố tri của anh – ép hoài, nay hỏi chuyện này, mai hỏi chuyện khác, thành cứ phải viết.” Trách yêu bạn bè vậy thôi, giả dụ ngày nào không ai hỏi nữa, chắc anh buồn chết, chịu gì nổi.
Anh là nhà khoa học đúng nghĩa, không ngừng tự hỏi mình, tra vấn tài liệu tham khảo trong, ngoài nước, đã tìm cái gì thì truy tận nguồn, tận gốc, nói có sách mách có chứng. Anh còn là nhà giáo yêu nghề, yêu tri thức, yêu con người, yêu chân lý, có biệt tài sư phạm giải thích rất giản dị, mạch lạc cho người ngoại đạo cũng thông hiểu. Không đứng trên bục giảng, nhưng anh thấu hiểu cả thầy và trò. Bài viết của anh có thể khơi nguồn cảm hứng cho thầy liên hệ lý thuyết Hóa, Sinh với đời sống để bài giảng đỡ khô, để truyền cảm hứng cho trò tò mò, thể nghiệm và lập luận có chứng lý, nghe bằng cả hai tai và trí phán đoán của mình. Những kỹ năng cần thiết biết bao giữa thực trạng vàng thau lẫn lộn, thông tin thiệt giả bất phân.
Học Hóa thì nghe tác giả giảng: “Không phải tất cả nitrate đều chuyển thành nitrite.” Nhưng học môn gì, lớp nào mà không bổ ích khi rèn bản lĩnh tư duy để chẳng vội tin những cảnh báo “đúng lốm đốm kiểu da beo” như: “Thực phẩm có nhiều nitrate khi vào dạ dày sẽ chuyển thành nitrite, rồi nitrite trở thành nitrosamine, ăn nhiều tăng nguy cơ ung thư dạ dày.” Không phải chỉ thầy trò phổ thông mà giảng viên, sinh viên, nhà chuyên môn trong nhiều lãnh vực đọc sách thường thức của Vũ Thế Thành thỉnh thoảng bỗng lấp lánh đôi điều thú vị. An toàn thực phẩm đã đành, nhưng còn nông ngư nghiệp, thủy hải sản, người sản xuất, kinh doanh, người làm về môi trường, năng lượng, và cả nhà báo, thầy thuốc, nhà khoa học, những tiếng nói “thẩm quyền” đối với xác tín của con người về thức ăn, sức khỏe, tính mạng của họ… Ai cũng có thể mỉm cười, có khi mắt tròn mắt dẹt nghe anh. Cũng không chỉ trong giới học đường, mà người đọc nhiều thành phần, mọi lứa tuổi, ai mà không thấy bổ ích khi được tác giả chia sẻ vài chiêu để phòng thân trước bão lũ “quảng cáo thực phẩm luồn lách” thần tình và “truyền thông tinh quái” đa phần bởi “thớt có tanh tao ruồi đậu đến, gang không mật mỡ kiến bò chi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Không ai quên được cuộc chiến nước mắm truyền thống phải gồng mình chịu đòn hiểm “nước mắm công nghiệp không dư lượng arsenic”, cuộc chiến mà tác giả sách này đã không tiếc sức tả xông hữu đột bằng luận cứ khoa học vững chắc và lương tri, bản lĩnh văn phong, khẩu khí để bảo vệ không chỉ là truyền thống, mà trước hết, còn là sự thật và lẽ phải. Cũng tâm huyết đó, bản lĩnh đó, khi anh vạch trần nghịch lý “cá chết hai lần”: “Cái mọi người muốn biết là nguyên nhân và hàm lượng kim loại nặng trong tôm và cá ở vùng biển Bắc Trung bộ, thì lại chưa được biết. Còn ‘chất cực độc’ phenol trong cá nục, đúng là chuyện nhỏ, nhỏ còn hơn ‘cái móng tay’ nhiều, thì lại ầm ĩ cả lên. Đến nay, 30 tấn cá nục vẫn bị ‘tạm giam’ trong kho đông lạnh để chờ phân tích độc lập, làm rõ gì gì đó. Ai đó đã dùng chữ ‘chất cực độc’ để chỉ phenol thiệt là quá… độc (địa).”
Là phụ nữ, nhưng tôi không phải là nội trợ giỏi, không nấu ăn lành nghề, chỉ biết và thích thưởng thức món ngon, tận hưởng cái khoái đầu tiên trong tứ khoái, mà tận hưởng không chỉ bằng mắt nhìn món ăn trình bày khéo, lưỡi nếm vị ngọt bùi. Tôi còn thưởng thức khi anh dẫn ca dao “rau răm ở lại chịu lời đắng cay” và tủm tỉm đồng cảm nghe anh phán: “Sò nướng, chả rươi, miến gà, cháo nghêu, hến xào, hột vịt lộn, gà xé phay… mà không có rau răm, xin lỗi, mấy bả có vào bếp với bàn tay vàng 4 số 9 cũng thành 9 số 4.”
Còn tác giả nói chuyện khoa học, chuyện ăn uống, mà làm tôi cảm động, tại sao? Vì thấu nỗi nhớ, cơn thèm hột vịt lộn của người xa xứ về lại cố hương một buổi chiều mưa rả rích. Vì chung với anh cảm xúc rưng rưng khi nghe lại ca dao, tục ngữ, khi gợi lại kỷ niệm tuổi thơ. Nhưng cũng còn vì chia sẻ khát khao được thấy chân lý thắng, chung mừng vui khi sáng kiến tâm huyết như Hiệp hội Minh bạch Thực phẩm ra đời với hy vọng người làm thiệt đỡ bị thiệt thòi, mà vẫn thấp thỏm nỗi lo sớm nở tối tàn của cái đúng, của việc phải làm giữa “cái đám cơ hội lổn ngổn”. Vì chung lòng cảm phục “những nhà sản xuất nhỏ đang miệt mài với rau quả hữu cơ, tiên phong trong bảo vệ môi trường, phải chịu biết bao sức ép từ thị trường, nhưng chính họ là những người đang đặt nền móng cho phương thức làm việc hợp tác kiểm soát lẫn nhau để vươn lên.” Vì cũng như anh, tôi chắc nịch một niềm tin tất cả mọi công dân đều có quyền tiếp cận thực phẩm sạch, mọi người Việt đều có quyền ăn để sướng. Tôi muốn họ được hưởng cái sướng ăn ngon đúng khẩu vị quê nhà, cũng không ngại – có chừng mực – hưởng bồ đào mỹ tửu như anh cảm thông thấu cận nhân tình, muốn họ biết tránh những hành xử trái với khoa học thường thức, mà không ngay ngáy lo sợ điều không đáng sợ, chỉ vì thiếu hiểu biết, thiếu phán đoán mà để bị thao túng bởi mọi quyền lực thật và ảo, trong đó mạnh nhứt vẫn là thế lực kim tiền."
TS BÙI TRÂN PHƯỢNG
Nếu bạn chưa thể mua sách, hay muốn tham khảo về những gì bác Vũ Thế Thành viết, mình gửi bạn trang blog được cập nhật mỗi tuần của bác để đọc: