"Ấm chè Thái giám"- câu chuyện của một thương binh thời hậu chiến

  1. Lịch sử

  2. Tâm sự cuộc sống

Thân nhớ nhắn lời tới đồng đội H.H Hà.Cái truyện này, tớ viết về cậu đã lâu rồi và cũng đã đưa lên mạng. Vẫn để nguyên tên cậu. Vậy mà cậu đã đọc chưa, mà sao không một lần hồi âm, dù đồng cảm hay chỉ là lời trách móc vì tớ đã kể chuyện đồng đội mình.

Năm nào đến độ tháng Bảy, tớ cũng đọc lại truyện này và thầm mong tin cậu. Nhiều bạn đọc cũng hỏi tớ, bây giờ Hà "thái giám" ở đâu, sống thế nào, có ổn không?

Tháng Bảy năm nay lại đến rồi. Năm nay chẵn năm, người ra chăng khẩu hiệu kết đèn nhiều nơi lắm, rồi quét lại vôi, sửa sang lại những đài tưởng niệm liệt sĩ ở các phường. Chẳng biết tổ chức to đến đâu.

Trong cái không khí ấy, tớ lại nhớ đến cậu nhiều hơn, vì tháng này là của những người như cậu mà. Tớ đăng lại truyện này, chỉ với một mong muốn có tin của cậu, cũng chỉ hỏi một câu thôi.

"Cậu sống có ổn không?

"ẤM CHÈ "THÁI GIÁM"

Tháng tư, đã chớm bước vào hè. Trời nắng không gắt, lại có gió man mác nên lòng người cũng thư thái, dễ hoà vào với thiên nhiên. Chiều nay có buổi thực tập nghề, được về sớm nên có nhiều thời gian. Mặc kệ cho lũ bạn cùng lớp ào ào lấy xe kéo đến nhà nhau, tôi tách ra rồi lững thững đạp xe chầm chậm men theo hè về nhà.Qua đường Đại Cồ Việt, tôi chợt nghe một tiếng gọi giật tên tôi rất to:

- Chiến!

Rồi một người mặc áo lính từ sát phía trong hè bước nhanh ra với tay gần như nắm vào ghi đông xe đạp của tôi, vừa lúc tôi dừng lại.Tôi nhìn và nhận ngay ra hắn:

- A! Hà! Thằng Hà “thái giám”.Hà cười.

Chúng tôi gần như ôm lấy nhau. Cả hai tíu tít hỏi chuyện nhau.

- Về nhà tớ đã, rồi chúng mình hàn huyên. Dễ đến ba năm rồi còn gì. - Hà bảo.

Thế là tôi theo Hà về nhà nó ở xóm Vân Hồ. Dọc đường nó nói đủ thứ chuyện linh tinh, nhưng tôi chẳng nghe được gì. Tôi đang nhớ lại ba năm về trước.

Dạo đó Hà và tôi cùng trang lứa, cùng là lính C6-Sư 320A. Vào chiến dịch Tây nguyên xuân 1975 thì tôi là trung đội trưởng, còn Hà là tiểu đội trưởng trong cùng trung đội với tôi. Trong khi các Sư bạn chuẩn bị đánh Buôn Mê Thuột, thì Sư chúng tôi nhận nhiệm vụ cắt đường 14 đánh tiêu hao sinh lực địch, và đánh quân cứu viện.

Ngày 5 tháng 3, trung đoàn chúng tôi triển khai phục kích trên đường 14 ở khu vực Cẩm ga, cách Buôn Mê Thuột ngót sáu chục cây số về phía bắc. Đại đội tôi nằm ở phía Nam đội hình mai phục.

Đến chiều 7/3 thì có tin trung đoàn 45 thuộc Sư 23 của địch đang hành quân từ Pleiku về tăng viện cho Buôn Mê Thuột. Chúng tôi được lệnh chặn đánh, đại đội tôi đánh chặn đầu. Khoảng 5 giờ chiều, chiếc GMC đầu tiên của địch đã đi lọt qua hết chiều dài 1km của đội hình phục kích. Cả hai khẩu DKZ của trung đoàn cùng đồng loạt nổ súng, bắn cháy ngay chiếc xe đi đầu. Đội hình hành quân của địch chững ngay lại. Lập tức các loại hoả lực trên toàn tuyến cùng nã xối xả vào đội hình địch, bắn cháy thêm một số xe khác. Vì khu vực phục kích là sườn dốc, có một phần cây lúp súp và đồi tranh, nên cánh bộ binh phải đào hầm phục kích cách xa mép đường tới hai ba trăm mét để giữ bí mật. Trong lúc hoả lực mạnh của trung đoàn bắn phá đội hình địch thì bộ binh chúng tôi vận động ra mép đường, tiếp cận để tiêu diệt địch bằng hoả lực và xung lực của bản thân.

Nhưng trong lúc đó thì bọn địch còn sống đã kịp nhảy khỏi xe và triển khai hoả lực chống trả mãnh liệt. Chúng nã cối 81, DKZ và rốc két M72 ầm ầm về phía ta, mặc dù đang ở thế thấp bất lợi. Cả trận địa ầm vang tiếng súng, khói lửa mù mịt. Trong lúc xung phong, tiểu đội của Hà vẫn chạy chếch sau bên trái tôi. Lúc gần tới mép đường thì một qủa đạn cối rơi trúng tiểu đội Hà. Tôi ngã sấp xuống trong hơi tạt của quả đạn nổ, song vẫn kịp ngoái lại. Doanh, chiến sĩ giữ M79 trong tiểu đội Hà đã hy sinh ngay, còn Hà đang giãy dụa, mồm há ngáp ra vì đau. Tôi nhoài lại sờ thấy Hà bị thương ngay nơi hạ bộ, máu ra ướt đẫm quần. Tôi xé chiếc băng cá nhân buộc chặt lại cho Hà như kiểu đóng khố, rồi dẫn trung đội đánh tiếp xuống đường. Cùng với các trung đội bạn, chúng tôi yểm hộ cho nhau và quần nhau với bọn tàn quân địch, dồn chúng xuống khe cạn bên kia đường để tiêu diệt.

Chúng tôi bắt được rất ít bắt tù binh. Tới khi chúng tôi làm chủ trận địa thì trời đã tối mịt. Một tiểu đoàn của trung đoàn 45 VNCH bị tiêu diệt. Hai tiểu đoàn còn lại của địch rút ngược trở lại Pleiku. Bọn địch ở xa căn cứ, lại không nắm vững tình hình nên không đám gọi pháo bắn trả. Chúng tôi rút quân trở về đến khu tập kết thì đã nửa đêm.

Ngay đêm đó, chúng tôi chôn cất xong tử sĩ, còn số thương binh thì đã được đơn vị dự bị chuyển về phẫu phía sau.Các ngày tiếp sau, cùng với Buôn Mê Thuột được giải phóng, chúng tôi đánh tiếp các cứ điểm Kênh Săn và Tam giác trên đường 14.Rồi chúng tôi đi suốt chiến dịch Tây nguyên, tham gia tiếp chiến dịch Hồ Chí Minh. Sáng 29/4 chúng tôi đánh trận cuối cùng ở căn cứ Đồng Dù.

Miền Nam giải phóng, trung đoàn chúng tôi được đóng quân mấy tháng trời ở căn cứ cũ Đồng Dù của địch, trước khi phải trở lại địa bàn rừng núi Tây Nguyên quen thuộc.

Một chiều tháng 6/1975, Hà từ Quân y viện về thăm đơn vị cũ trước khi giải ngũ ra Bắc. Bây giờ cậu ta đã là thương binh. Trông cậu ta có vẻ béo tốt, khoẻ mạnh. Tứ chi lành lặn, nhưng mảnh cối tai ác đã chém phăng đi của Hà nguyên cả cái bộ phận, mà phải có nó, người ta mới được gọi là đàn ông. Lính tráng chúng tôi chả kiêng dè gì, đè nó ra xem rồi ai đó đặt luôn cho nó cái tên Hà “thái giám”. Hà ở thăm đơn vị mấy ngày rồi ra Bắc.Hai năm sau, tôi cũng giải ngũ, về đi học. Thế rồi hôm nay gặp lại Hà, thấm thoắt đã ba năm.

*Gian nhà của Hà nằm trong xóm lao động. Đồ đạc đơn sơ như của đại đa số các gia đình khác. Tôi hơi ngạc nhiên khi đã mấy năm rồi mà nó vẫn còn giữ được nguyên trang phục lính, đủ cả dép cao su đúc và mũ cối.Tôi hỏi:

- Thế mấy năm nay cậu làm gì?

- Đi buôn.- Hà đáp và nhìn xoáy vào bộ mặt ngơ ngác của tôi.

- Cậu đùa đấy à. Cậu thì biết quái gì mà đi buôn.

- Thật chứ lại. Nhưng buôn nhỏ thôi. Chờ pha ấm chè rồi tớ kể chuyện này cho mà nghe.

Khi Hà đặt ấm chè lên bàn, tôi lại ngạc nhiên:

- Cậu sang nhỉ. Moi đâu ra chè móc câu tuyệt vời thế này.

Hà cười:

- Có chuyện, nên mới có chè mà uống. Chứ thật ra lâu nay cả thiên hạ chỉ có chè bồm và chè gói toàn cẵng thôi, đúng không? Nói chứ tớ cũng thèm chè búp như hồi bọn mình còn đang đánh nhau trong Bàu Cạn B3 lắm, nhưng bây giờ đó là của quý. Tớ cũng chỉ có đôi ba ấm thôi, hôm nay là đãi cả cậu và tớ đấy.

Thế là vừa uống trà, Hà vừa kể cho tôi nghe chuyện về ấm chè này.

Từ ngày ra quân, Hà cũng làm đủ thứ việc để sống, phụ thêm vào số tiền trợ cấp thương binh bậc 2 ít ỏi hàng tháng. Một trong những việc đó là thỉnh thong nó ngược lên Thái Nguyên buôn về mỗi chuyến một hai cân chè hoặc vaì cân măng.

Cách đây ít ngày, Hà lên Thái Nguyên và khi về, nó mang trong chiếc ba lô 2kg chè móc câu. Hơi nhiều hơn mọi khi, và có lẽ đó là điều không may. Khi chiếc xe ca Ba Đình tậm tạch chạy về đến cầu Phủ Lỗ thì trời đã cuối chiều. Xe vừa qua cầu thì có ba người của phòng thuế xuất hiện bên đường. Hai nam và một nữ. Họ ra hiệu cho xe dừng lại, rồi một người nam trèo lên xe. Anh ta đưa mắt nhìn một lượt từ đầu đến cuối xe rồi lớn giọng:

- Ai có hàng hoá buôn bán gì khai mau và đem ra cho cơ quan thuế kiểm tra.Chừng như đã quen với cảnh này nên từ bác tài xế đến mọi hành khách chẳng ai có phản ứng gì trước cái lối nói xóc óc đầy quyền uy của nhà chức trách.

Bác tài còn đế thêm:

- Thôi, bà con ai có hàng buôn gì thì báo luôn cho nhanh để xe còn kịp về Hà Nội sớm.Mọi người nhìn nhau, rồi có hai người đứng lên đi ra ngoài cửa xe. Tự giác cho nhanh chứ giá có giấu cũng chẳng ăn thua gì. Người thứ nhất là một bà đi buôn măng chừng ngoài năm mươi tuổi. Hàng hoá đến gần chục cân măng. Lập tức đôi thúng và quang gánh của bà ta bị lôi xuống đất. Bà ta vừa nhăn nhó, trình bày, van xin với anh phòng thuế đứng dưới đất, vừa chậm rãi dềnh dàng mở cái túi vải đựng măng. Còn người có hàng hoá thứ hai là thằng Hà "thái giám". Nó vừa ôm khư khư cái ba lô dựng hai cân chè trước bụng, vừa cười mếu với anh phòng thuế thứ hai đứng ở cửa xe:

- Dạ thưa anh, em là thương binh, chỉ có ít chè đem về xuôi biếu người nhà thôi ạ.

- Biếu với biếc cái gì? Cả một ba lô chè to tướng thế này, không đi buôn thì là gì? Xuống xe ngay.- Người phòng thuế quát to rồi tóm được một bên quai ba lô của Hà kéo mạnh và nhảy xuống đất, rồi ra lệnh:

- Mở ngay ra cho kiểm tra.

Thằng Hà vẫn giữ chặt miệng ba lô, cố gắng nài nỉ:

- Thưa anh, đúng là em đem làm quà thật mà.

- Giở ra, không có xin xỏ gì cả. Đi buôn lậu định trốn thuế hả.

Lời qua tiếng lại, hai bên giằng co một hồi. Cả bác tài và hành khách có vẻ sốt ruột. Hà đành nói thật với người phòng thuế, mong cho xong chuyện:

- Anh ơi, anh làm ơn làm phúc tha cho em. Em có buôn thật, nhưng chỉ có hai cân chè. Anh thông cảm cho em là thương binh, chưa tìm được việc làm gì.

- À, mày lại còn định giả vờ là thương binh doạ tao à. Định chống lại nhà nước hả?- Người phòng thuế không những không nương tay cho Hà, mà còn lớn giọng, đoạn anh ta bất ngờ giật mạnh chiếc ba lô trên tay Hà.Chiếc ba lô bị văng mạnh xuống bãi cỏ, bật nắp, rách giấy báo làm chè văng ra tung toé. Nhìn những búp chè văng ra đất, Hà xót ruột, mắt hoa lên. Rồi bỗng nhiên mặt nó nóng bừng, không bình tĩnh được nữa. Nó đứng thẳng người lên nhìn vào mấy người phòng thuế, thét to:

- Chúng mày mở to mắt mà nhìn đây này. Bố mày đã từng đi chiến đấu. Bố mày đã hiến dâng cả con c... của bố mày cho Tổ quốc, mà bây giờ có hai cân chè cũng bị cướp à. Vừa hét, Hà vừa đưa tay cởi nhanh thắt lưng, tụt cả cái quần vứt xuống đất. Tình huống bất ngờ. Tất cả mọi người kể cả hành khách trên xe lẫn mấy người phòng thuế đều ngẩn người ra khi nhìn thâý người thanh niên mặc áo lính cóm róm lúc nãy, bây giờ đứng hiên ngang bên vệ đường nhưng tồng ngồng và ấn tượng hơn là ở ngay giữa chỗ kín của anh ta không có gì cả, ngoài một mảng đen nham nhở. Chưa ai kịp hiểu ra điều gì thì Hà đã cúi xuống rút ngay chiếc đòn gánh của bà buôn măng huơ lên trời theo hình vòng cung rồi nện một đòn trúng lưng một người phòng thuế. Đoạn nó giật lại rồi trở đầu đòn gánh kia lia một nhát vào ngay cẳng chân người phòng thuế thứ hai đúng lúc anh này co cẳng chực chạy. Còn người đàn bà phòng thuế thì tuy không bị phang gậy nào, song cũng ngã dúi ngã dụi xuống bãi cỏ vì quá luống cuống và sợ hãi.

Cảnh tượng diễn ra thật bi hài.

Sau mấy đường gậy tung hoành như Lục Vân Tiên đánh cướp, bây giờ Hà đứng đó trên bãi cỏ, hiên ngang trong ánh nắng chiều xiên xiên. Còn hai người phòng thuế thì đang lạy như tế sao, van vỉ anh anh em em xin Hà nương tay. Người thương binh đang tồng ngồng trước mặt họ không chút ngượng ngập và chẳng còn gì để mất, chắc dám đổi mạng lắm.

Hà vẫn còn tức, nó gào to trong hơi thở hổn hển như phân giải:

- Bố mày không công thần, đã chẳng thèm đi trộm cướp, chỉ mong kiếm sống tử tế qua ngày, nay có hai cân chè, đã phải van nài chúng mày mà chúng mày còn không tha thì bố mày quyết tử cho chúng mày biết.

- Dạ chúng em xin anh, anh tha cho tụi em. - Hai người phòng thuế vẫn rối rít lạy xin.

Lúc này mọi người trên xe mới ùa cả xuống. Một số người đến khuyên giải Hà và giúp nó mặc lại chiếc quần. Còn số đông thì xúm lại nhặt số búp chè rơi trên đất cỏ giúp Hà. Bà con còn cẩn thận gói số chè bị dính chút đất để riêng. Bác tài cũng vui vẻ chờ bà con thu xếp và đưa Hà lên xe. Ba người phòng thuế nhân lúc mọi người xúm lại giúp Hà cũng nhanh chân rút gọn. Bà buôn măng cũng được hưởng lây, không mất đồng thuế nào, bày tỏ lòng cám ơn Hà rối rít. Chiếc xe ca lại chuyển bánh, kịp về Hà nội trước lúc trời tối.

- Đấy là nguồn gốc ấm chè mời cậu đấy. Tớ đã đãi sạch lại số chè dính đất, được mấy ấm để uống. - Hà kết thúc câu chuyện.Tôi xoay chén trà nóng trên tay, ngắm nhìn làn hơi nóng đang lung linh trên mặt nước chè. Nhấp ngụm chè vào miệng, tôi thấy bên trong hương chè thơm chát như có lẫn chút vị hăng của cỏ, và có một vị gì đấy như là mồ hôi, không phải của đàn ông, cũng chẳng phải đàn bà. Tôi nghĩ đó là vị chè “thái giám”.

*Nhiều năm trôi qua, tôi không gặp lại Hà. Sau lần được Hà mời về nhà uống chè ít lâu, cậu ta chuyển vào Nam, lại trở lên Tây nguyên thì phải. Trong một lần đi công tác Thái Nguyên, tôi dừng chân bên cầu Phủ lỗ.

Cạnh bãi cỏ năm xưa nơi xảy ra trận xung đột của người thương binh “thái giám” để giữ gìn miếng cơm manh áo, người ta đã xây một trạm xăng, nhưng bãi cỏ thì vẫn còn. Tôi đứng nhìn mà tưởng như bên dưới gốc những cây cỏ kia đâu đó vẫn còn vương vãi những búp chè. Chúng vẫn còn mang đủ vị của chè, của cỏ và cả hơi ấm của một người. từng là đàn ông, đã hiến dâng phần quan trọng nhất trong cơ thể mình cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc./

Theo fb Vũ Công Chiến

https://cdn.noron.vn/2021/07/26/1257255791779620-1627290782.jpg
Từ khóa: 

lịch sử

,

tâm sự cuộc sống

Cảm giác xót xa quá anh ạ, người với người sao lại có những lúc máy móc và vô cảm vậy nhỉ?

Trả lời

Cảm giác xót xa quá anh ạ, người với người sao lại có những lúc máy móc và vô cảm vậy nhỉ?

Đọc vừa cười vừa thương anh ạ. mình mà mất như thế chắc em Shock lắm