Alix Hava - Họa sĩ để lại dấu ấn nghệ thuật ở Hà Nội
Người Hà Nội biết Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân hay Trần Bình Lộc. Điểm chung của các họa sỹ tài ba này là đã học trường Mỹ Thuật Đông Dương từ thập niên 1920, và tất cả đều là học sinh của Alix Ayme.
Bà Alix Hava sinh năm 1894 tại Marseille (Pháp). Sau khi học nhạc, bà lại cảm thấy thích họa và dần dần chuyển sang học về các kỹ thuật đồ họa tại Toulouse. Thời đó bà đã tham gia trang trí mái của nhà Hát Champs Elysees, một trong số những nhà hát đẹp nhất ở Paris nằm ngay trên đại lộ nổi tiếng này. Năm 1920, bà cưới chồng và cùng ông đến Hà Nội lần đầu năm 1925. Trong vòng hai năm, bà dạy vẽ ở các trường trung học (trong đó có trường Bưởi). Năm 1927, bà quay về Paris và sinh con trai. Tuy nhiên, ngay sau đó thì hai vợ chồng ly dị nhau và bà, cùng với con trai, quyết định quay về Hà Nội lần thứ hai. Lần này chính phủ thuộc địa Pháp giao cho bà nhiệm vụ chuẩn bị Triển Lãm Đông Dương 1931. Và lần này bà để lại nhiều dấu ấn ở Hà Nội !
Năm 1931, sau triển lãm, bà kết hôn tại Hà Nội lần thứ hai với đại tá Georges Ayme (anh ruột của nhà văn nổi tiếng Marcel Ayme, tác giả của "Người đi xuyên tường"...) và kể từ đây giới nghệ thuật biết bà với cái tên là Alix Ayme.
Bà bắt đầu cộng tác với trường Mỹ Thuật Đông Dương từ 1931. Ban đầu dạy môn họa, bà bắt đầu tái tạo bộ môn sơn mài nghệ thuật cùng với Joseph Inguimberty (bộ môn đã bị lãng quên trong giới nghệ thuật lúc đó…). Bộ môn sơn mài (peinture sur laque) là một thành công lớn của Alix Ayme. Các tranh sơn mài của Alix Ayme (hay của những học trò nổi tiếng của bà như Nguyễn Khang hay Nguyễn Sáng) là những tác phẩm nghệ thuật rất quý giá. Bà nghiên cứu các kỹ thuật sơn mài cũ của Pháp và truyền đạt lại cho các học sinh người Việt trong vòng gần 13 năm ở Hà Nội.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, bà về hẳn Pháp và trở thành một trong những nghệ sỹ nổi tiếng ngành họa và sơn mài trang trí. Các tác phẩm của bà phần lớn là lấy cảm hứng từ Hà Nội và Đông Dương. Ngày nay, giới nghệ thuật có thể coi bà Alix Ayme như là người tái tạo xu hướng hiện đại của ngành họa trên sơn mài ở Việt Nam.
Tham khảo :
Paliard Pierre, Un art vietnamien: penser d'autres modernités Le projet de Victor Tardieu pour l'École des Beaux-Arts de l'Indochine à Hanoï en 1924, Paris, L'Hamatta