Achilles trong cuốn IX của Iliad

  1. Sách

22-embassytoachilles


Cuốn IX của sử thi Iliad là một đoạn cực kì quan trọng vì nó miêu tả được tính cách phong phú của nhân vật Achilles và phơi bày được mấu chốt của cơn giận dữ của chàng. Ba người hùng - Odysseus, Phoenix và Ajax (*) - đều thất bại trong việc thuyết phục Achilles trở lại trận chiến (*Xem ghi chú ở cuối bài về việc mình viết tên riêng). Tuy nhiên, có một mức độ đồng ý tích lũy dần xảy ra bên trong Achilles sau mỗi bài phát biểu của ba người hùng Hy Lạp. Mỗi người trong số họ sử dụng một cách tiếp cận khác nhau để thuyết phục Achilles, nhưng tất cả đều thất bại vì hai lý do tương tự: đó là không giải quyết thành công vấn đề cơ bản về danh dự và chưa đủ để tâm đến sự thật rằng Achilles sẽ phải chết nếu chàng trở lại.

Mặc dù Agamemnon muốn làm hòa với Achilles bằng vô vàn quà tặng, ngay từ đầu y đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề thiết yếu liên quan đến danh dự. Về cơ bản, Agamemnon không muốn hạ mình trước bất cứ ai vì kiêu căng, chứ đừng nói đến việc hạ mình chân thành trước Achilles, người mà y đang cãi vã. Sự kiêu ngạo của y được thể hiện qua cách y nói với người của mình: “Hãy làm theo lệnh của ta. Hãy tuân phục ta ”(30** - chi tiết thêm về trích dẫn và số dòng dùng trong bài viết này, xin đọc thêm ghi chú ở cuối bài). Ngoài ra, y còn đổ lỗi cho các vị thần về những khó khăn mà y phải đối mặt (20-29). Khi Nestor gợi ý rằng Agamemnon nên hòa giải với Achilles, rằng đó là lỗi của y (130), Agamemnon vẫn không chịu hoàn toàn trách nhiệm và đổ lỗi cho lên cơn thịnh nộ của chính mình (c. 140). Quan trọng nhất, y vẫn phán rằng mình vĩ đại hơn Achilles: “Hãy để hắn phục tùng ta! […] Hãy để hắn cúi đầu trước ta! Ta là vị vua vĩ đại hơn, ta là bậc tiên sinh, ta là người vĩ đại hơn ”(189-192). Đại sứ của Agamemnon sai đi ngay từ đầu đã nắm chắc thất bại, vì Agamemnon không giải quyết vấn đề cốt lõi.

Bài phát biểu hùng biện của Odysseus sử dụng cả lý trí và cảm xúc, nhưng nó không giải quyết được các câu hỏi về danh dự và số phận của Achilles. Trên thực tế, việc Odysseus viện đến danh sách quà tặng làm lập luận của anh ta yếu đi hẳn. Ví dụ: anh ta chuyển tiếp thông điệp của Agamemnon rằng Achilles có thể có tất cả những món quà đó với điều kiện phải bằng lòng nhún nhường (317-318, 362-363). Điều này cho Achilles thấy rằng Agamemnon vẫn đang hành động như một người cao hơn: có khả năng trao ban mọi thứ trong khi yêu cầu người khác phải phục tùng. Achilles không dễ bị lừa: “Hắn sẽ không bao giờ lừa tôi làm tôi mù quáng bằng những lời nói vặn vẹo của nữa” (459). Thật ra, Odysseus có đề cập đến danh dự như một động lực để Achilles chiến đấu, rằng tất cả các người Argos (Hy Lạp) sẽ tôn vinh chàng nếu chàng đồng ý tham gia trận chiến lại (366-367). Tất nhiên, điều đó vẫn không giải quyết được vấn đề vì Achilles cụ thế muốn Agamemnon khôi phục danh dự của mình. Achilles có thể nhận ra rằng vấn đề thực sự vẫn chưa thực sự được bàn đến. Ví dụ, chàng nói rõ ràng rằng chàng có tất cả mọi thứ trừ phần thưởng danh dự của mình (447), và rằng chàng sẽ không đồng ý chiến đấu cho đến khi Agamemnon trả lại danh dự cho mình (472). Hơn nữa, Achilles không cho rằng của cải nào đáng để trả cho cái chết của mình, vì chàng biết rằng mình sẽ phải chết nếu trở lại trận chiến (488-505). Chính vì những lý do đó, Achilles kiên quyết nói không với Odysseus, tuyên bố rằng chàng sẽ khởi hành vào ngày hôm sau vào rạng sáng (520).

Tương tự, Phoenix thất bại vì ông bỏ qua việc Achilles muốn lấy lại danh dự từ Agamemnon, và Achilles sẽ phải chết. Không giống như Odysseus, Phoenix chủ yếu sử dụng cảm xúc khi nói chuyện. Tuy nhiên, ông dường như không đếm xỉa gì đến số phận của Achilles, mặc dù điều này được đề cập ngay trước khi ông nói. Ở dòng 526, ông đã bật khóc trước khi bắt đầu nói. Sau đó, ông cố gắng chạm đến ký ức của Achilles bằng cách kể cho chàng những câu chuyện. Bằng cách này, ông nhắc Achilles về tất cả các mối liên hệ cá nhân giữa hai người: “Ta đã giúp con trở thành con của ngày hôm nay” (587); “Ta đã yêu con từ tận đáy l2ong” (588); "Ta đã coi con như con trai ta" (599); v.v ... Phoenix muốn Achilles thương hại và nhắc nhở Achilles về vinh quang mà chàng có thể đạt được: "Tất cả các người Achaea (Hy Lạp) sẽ tôn vinh con như một vị thần" (734). Còn Agamemnon thì sao? Tuyên bố này của Phoenix không thể bao gồm Agamemnon vì y đã kiên quyết tuyên bố mình là người vĩ đại hơn. Suy cho cùng, Phoenix không thực sự giải quyết được vấn đề danh dự giữa Agamemnon và Achilles, và số phận của Achilles. Tuy nhiên, lần này, Achilles trì hoãn quyết định về việc khởi hành vào ngày mai (756).

Ajax, mặt khác, quở trách Achilles đồng thời cũng kêu gọi sự thương hại. Tương tự như cách Phoenix cố gắng nhắc nhở Achilles rằng họ thân thiết như thế nào, Ajax cố gắng gắn kết tất cả lại với nhau: “[…] dưới mái nhà của bạn […] chúng tôi mong muốn được trở thành những người bạn thân thiết nhất” (783-785). Tuy nhiên, bài phát biểu của anh ta cũng không hiệu quả vì cùng một lý do khiến Odysseus và Phoenix thất bại. Mặc dù vậy, Achilles bây giờ quyết định ở lại (c. 790).

Mặc dù không ai trong số họ thành công trong việc thuyết phục Achilles quay trở lại, cả ba người đã khiến Achilles ở lại thay vì giương buồm ra về. Chi tiết này minh họa sự phức tạp trong tính cách của Achilles, điều này rất quan trọng, bởi vì chàng là nhân vật chính của Iliad. Chàng là một nhân vật kiên quyết nhưng vẫn có đồng cảm. Mặc dù mong muốn được chính Agamemnon khôi phục danh dự không được đáp ứng, Achilles vẫn đặt ra khả năng có thể quay trở lại chiến tranh. Việc Achilles ở lại trại khiến chàng đã có thể quay lại chiến đấu ở phần sau trong Iliad. Trong khi đó, chàng cũng phải chật vật để chấp nhận thực tế là chàng hoàn toàn có quyền lựa chọn để niêm phong số phận của chính mình, vì vậy đây không hề là một tình huống dễ dàng. Vì vậy, cuốn IX cực kì quan trọng vì nó khiến Achilles bộc lộ được nhiều mặt cảm xúc phức tạp của chàng.

Trong khi Agamemnon đề nghị cung cấp cho Achilles gần như bất cứ thứ gì chàng muốn, y vẫn không hạ mình trước. Điều này có nghĩa là vấn đề cơ bản là danh dự của Achilles vẫn chưa được giải quyết. Hơn nữa, không ai trong số những người được sai đi dường như thực sự đề cập đến chủ đề về số phận của Achilles mà chàng đưa ra. Vì vậy, cho dù họ có hùng biện tốt đến đâu, không có bài phát biểu nào thực sự có thể khiến Achilles tham gia lại trận chiến. Cuối cùng, đại sứ thất bại trong việc thuyết phục Achilles chiến đấu lại, nhưng nó đã tạo ra một sự thay đổi nhỏ nhưng đáng kể trong suy nghĩ của chàng.


CHÚ THÍCH:

*Để dễ hơn cho việc tra cứu nếu ai cần, mình sử dụng phiên âm tên riêng mà mình cho rằng thông dụng nhất trong tiếng Anh. Ví dụ Ἀχιλλεύς sẽ là Achilles, thay vì Akhilles, Achilleus, Akhilleus... Không thực sự có một sự thống nhất trong việc phiên âm tên sang tiếng Anh của những tên riêng trong Iliad, mình cho rằng bất kì dịch giả nào cũng phải tự mình đưa ra một sự "thỏa hiệp". Cụ thể, mình đi theo hướng của Robert Fagles, sử dụng tên theo truyền thống tiền nhân những dịch giả và nhà thơ sử dụng tiếng Anh đi trước.

**Như đã nhắc, mình đã theo hướng viết tên theo Robert Fagles, mình cũng sử dụng số dòng theo bản dịch của Fagles. Lời dịch tiếng Việt là do mình dịch, nhưng từ bản của Fagles (Mình chưa đủ rành tiếng Hy Lap).

Ngoài ra, mình thay đổi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít trong bài dựa theo nhân vật. Cụ thể: Agamemnon - y, Achilles - chàng, Phoenix - ông, Odysseus và Ajax - anh

ẢNH: Cảnh thuyết phục Achilles trên bình ở Athens, nghệ nhân Kleophrades (?). Nhân vật trên bình từ trái qua: Phoenix, Odysseus, Achilles, và Patroclus "tình nhân" của Achilles :)))))

Từ khóa: 

homer

,

iliad

,

achilles

,

sử thi

,

hy lạp

,

sách

Đặc điểm tính cách của Achilles có phần giống với King Arthur. Cả hai nhân vật đều là những người trọng danh dự, có hơi phần bốc đồng trong hành động và được kì vọng rất nhiều bởi những người xung quanh. Và mình không hiểu sao Achilles trong sử thi được miêu tả là một thiếu niên tóc vàng, gương mặt vẫn còn chưa hết nét trẻ con, có "tình cảm đặc biệt" với Patroclus mà lên phim Hollywood thì thành da đen da ngăm, mặt già như kiểu U40 xong bị ốp cho một đống gái gú xung quanh...

Trả lời

Đặc điểm tính cách của Achilles có phần giống với King Arthur. Cả hai nhân vật đều là những người trọng danh dự, có hơi phần bốc đồng trong hành động và được kì vọng rất nhiều bởi những người xung quanh. Và mình không hiểu sao Achilles trong sử thi được miêu tả là một thiếu niên tóc vàng, gương mặt vẫn còn chưa hết nét trẻ con, có "tình cảm đặc biệt" với Patroclus mà lên phim Hollywood thì thành da đen da ngăm, mặt già như kiểu U40 xong bị ốp cho một đống gái gú xung quanh...