9 Cách dạy con hiệu quả mà không cần quát mắng, đòi ròi
Nuôi dạy con là một hành trình đầy hạnh phúc nhưng cũng không kém phần khó khăn, thách thức đối với các bậc làm cha mẹ. Mỗi giai đoạn phát triển của con, cha mẹ cần có những phương pháp dạy đúng đắn để không ảnh hưởng đến quá trình phát triển lâu dài đó.Song mỗi bé lại đi liền với sự hình thành và phát triển khác nhau, cha mẹ cần đưa ra những phương pháp nuôi dạy con phù hợp và đúng đắn nhất thông qua sự quan sát và thấu hiểu.
Dưới đây sẽ là 9 cách dạy con hiệu quả mà mình đã tìm hiểu, tổng hợp lại giúp cho cha mẹ dạy con hiệu quả mà không cần dùng đến quát mắng hay đòi ròi.
1. Nhìn trực tiếp, ngang tầm mắt với con
Việc chú ý và nhìn vào đối phương khi giao tiếp thể hiện sự tôn trọng với người đó. Khi dạy con, mẹ cũng nên làm như vậy
Lúc nói chuyện, mẹ nên đặt tầm mắt ngang hàng với tầm mắt của con, nhìn vào con và nhẹ nhàng nói. Cách làm này không chỉ thu hút sự tập trung của bé mà còn giúp bé học cách lắng nghe chăm chú, hiệu quả.
Và tất nhiên, mẹ không thể dùng ánh mắt giận dữ để nói chuyện vì như thế chỉ làm con cảm thấy sợ hãi và vô tình hình thành ở con tính các ngang bướng và có xu hướng chống đối hoặc bé không dám thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình cho lần sau nữa. Hãy điều chỉnh hành vi và cảm xúc của mình để phù hợp với sự việc đang diễn ra. Đôi khi chỉ cần một ánh mắt đúng mực cũng khiến con đủ nghe lời rồi.
Cách này thực sự rất hiệu quả trong mọi trường hợp, khi muốn con nghe lời, muốn giải thích cho con điều gì đó, hoặc đơn giản là dành cho con một cái ôm, nói lời yêu thương. Mọi hành động khi được thực hiện bằng cái nhìn yêu thương từ mẹ sẽ đem lại cho trẻ cảm giác dễ chịu. Vậy nên, thay vì quát mắng, hãy nói chuyện nhẹ nhàng với con.
2. Bắt đầu chỉ thị với "Mẹ muốn"
Không ai thích bị người khác sai hoặc ra lệnh cho mình cả, và trẻ nhỏ cũng vậy. Dù con còn bé nhưng con vẫn có quyền nhận được sự tôn trọng thay vì hô hào, bắt ép. Những câu mệnh lệnh như "bỏ ngay xuống", "làm ăn kiểu gì đấy", "có thế mà không hiểu à"... rất hay được nhiều bố mẹ dùng để nói với con mình. Điều đó thể hiện sự thiếu tôn trọng và khiến con cảm thấy mình bị ép buộc.
Nếu muốn con không nói trống không thì bố mẹ cũng nên làm thế. Bất cứ câu từ nào được đưa ra đều phải có chủ ngữ như "Mẹ muốn con lấy hộ mẹ cái chổi", "Bố muốn con mang cam cho bà trước". Bởi lẽ, trẻ luôn thích những lời nói nhẹ nhàng hơn là ra lệnh, quát mắng, ngay cả chúng ta cũng vây. Nắm vững tâm lý này, bố mẹ sẽ có cách nói chuyện phù hợp với con.
Tương tự như thế, khi muốn nói chuyện với trẻ, bố mẹ cố gắng sử dụng câu đầy đủ chủ ngữ - vị ngữ vì sau này chắc chắn con sẽ học theo cách nói của người lớn. Muốn trẻ nói được câu chỉn chu, rõ nghĩa, có trước có sau thì hãy làm gương cho con. Nếu bố mẹ nói trống không thì không thể ép trẻ phải nói một câu với đầy đủ chủ ngữ - vị ngữ được. Trẻ sẽ rất biết ơn nếu bố mẹ luôn dịu dàng.
3. Cho bé được lựa chọn
Khi trao cho con quyền lựa chọn, bé sẽ cảm thấy bản thân là người lớn và được đưa ra quyết định của mình, mặc dù quyết định đó có sự chỉ đạo từ bố mẹ. Ví dụ như mẹ bắt con mặc áo màu trắng khác với việc mẹ cho con lựa chọn giữa áo màu trắng cổ vuông và màu trắng cổ tròn.
Trong cuộc sống hàng ngày cũng hãy áp dụng cho bé lựa chọn, chắc chắn bé sẽ nghe lời bạn hơn. Ví dụ như: "Con thích ăn cam hay táo", "con thích mặc áo có cổ hay không", "Con thích 1 món đồ nào trong đây, 1 món thôi nhé"...
4. Đưa ra lợi ích để bé không từ chối.
Khi dặn con làm một điều gì đó, hãy đi kèm với việc giải thích vì sao con nên làm như vậy. Thay vì chỉ nói học nhanh lên, thì mẹ nên nói "Con học nhanh nha rồi đi ra xem phim, nếu không xong bài, mai cô giáo mắng, các bạn cười cho đó". Việc giải thích như vậy sẽ khiến bé hiểu tại sao mình nên/phải làm chứ không đơn thuần chỉ là mệnh lệnh từ bố mẹ nữa.
5. Nói với bé từng câu một
Sai lầm phổ biến của nhiều bậc phụ huynh là nói quá nhiều hoặc đưa ra hàng loạt yêu cầu cùng một lúc khiến trẻ bị rối, không biết phải thực hiện cái nào trước cái nào sau. Ví dụ như bố mẹ hay nói "tắt tivi, lấy ghế, dọn bát đũa rồi còn ăn cơm", hay "tắm rửa, mặc quần áo, lấy cho mẹ cái túi rồi đi chơi nhé". Những lúc này trẻ chưa nói sõi có thể không biết nên làm gì trước tiên nhưng đã bị bố mẹ mắng "không nghe thấy gì à", và cho rằng con hư.
Thay vào đó, hãy áp dụng quy tắc nói từng câu một. Ví dụ như "Bông ơi tắt tivi đi nhé", sau khi con tắt rồi thì "Bông ơi dọn bát đũa nào"... Với từng hành động cùng yêu cầu cụ thể như thế, chắc chắn con sẽ hào hứng với công việc hơn. Bật mí một chút là đôi khi hãy để trẻ tự do làm điều bé thích, dù là quét nhà, vứt rác, dọn dẹp bàn học... thay vì nhắc nhở. Con sẽ cảm giác tự lập hơn nếu không bị bố mẹ bắt ép mỗi ngày.
Hãy cố gắng để con luôn cảm thấy vui vẻ, đồng thuận với những lời bố mẹ nói.
6. Để bé nhắc lại yêu cầu của mẹ
Người lớn hay giải thích rất nhiều rồi sau đó lại hỏi "con hiểu chưa", nhiều bé sẽ có xu hướng gật đầu luôn hoặc nói hiểu rồi dù thực chất là con chẳng hiểu gì cả. Những lúc này, hãy đề nghị bé nhắc lại xem mẹ đang muốn con làm gì và cẩn thận quan sát hành động của bé để chắc rằng con đã hiểu ý mình. Dĩ nhiên, bé sẽ không thể làm đúng ngay từ lần đầu tiên nên bố mẹ hãy cố gắng kiên nhẫn.
Hãy cho bé cơ hội sửa sai, cố gắng kiên nhẫn với con.
7. Hỏi quá so với tầm hiểu biết của bé
Khi bé làm sai một điều gì đó, nhiều ông bố, bà mẹ hay có xu hướng hỏi khó con: "Tại sao con lại làm vậy", "ai dạy con làm như thế". Thực ra đôi khi chính trẻ cũng không biết tại sao bản thân lại hành động như vậy, vì đơn giản là con tò mò, hiếu động, nghịch ngợm chứ không hề có chủ đích gì. Thay vào đó, hãy hỏi những câu mang tính gợi mở hơn như "con kể cho mẹ nghe chuyện gì đã xảy ra được không", "con định làm gì, chúng ta cùng làm được không", hay "khi con làm gì đó hãy hỏi mẹ và chúng ta cùng làm nhé, như thế sẽ không nguy hiểm cho con"...
Thêm vào đó, khi hỏi con điều gì, hãy cố gắng dùng câu từ và ngôn ngữ đơn giản để trẻ hiểu được. Những câu ngắn gọn, đủ ý sẽ rất hiệu quả trong những trường hợp như thế này.
8. Khen thưởng khi bé làm tốt
Bên cạnh các hình phạt, bố mẹ cũng cần đưa ra lời khen, phần quà nếu con cư xử tốt và tuân thủ quy tắc. "Bố mẹ rất vui vì con đã làm việc nhà và đánh giá cao điều này", một lời khen sẽ giúp con cảm thấy vui vẻ, tự hào về bản thân và có thêm động lực cư xử đúng đắn.
Bạn hãy dành thời gian mỗi ngày để động viên trẻ nỗ lực cư xử tốt và có thể tạo ra hệ thống khen thưởng con. Chẳng hạn mỗi lần con làm tốt việc gì đó thì sẽ được một sao thưởng, khi đủ năm sao thì sẽ được tặng một món quà.
Quát mắng chưa chắc đã khiến con sửa đổi hành vi nhưng khen thưởng thì luôn giúp ích nhanh chóng.
9. Cho bé cơ hội sửa sai
Khi trẻ làm sai đừng vội trách mắng mà hãy giải thích và cho con cơ hội làm lại. Sau 2, 3 lần bị nhắc nhở nhẹ nhàng, chắc chắn con sẽ không tái phạm nữa. Tuy nhiên, thay vì trách mắng bố mẹ nên giải thích cụ thể lý do vì sao để trẻ hiểu và chấp nhận lỗi sai của mình.
Nuôi dạy con là hành trình rất dài và đầy thử thách đối với bố mẹ. Trong xã hội hiện đại, phương pháp dạy con ít nhiều có sự thay đổi, đòi hỏi bố mẹ phải khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ quan sát để có thể đưa ra cách dạy con phù hợp và hiệu quả nhất.
mẹ và bé
Thực sự thì không khó để mua roi mây trên Shopee hay bất cứ tiệm tạp hóa nào, nói chung là phụ huynh còn đòn roi thì trẻ còn khổ nhiều và phụ huynh còn sai nhiều.
Nội dung liên quan
dun's folder
Thực sự thì không khó để mua roi mây trên Shopee hay bất cứ tiệm tạp hóa nào, nói chung là phụ huynh còn đòn roi thì trẻ còn khổ nhiều và phụ huynh còn sai nhiều.
Tuyết Đỗ