700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế?

  1. Lịch sử


Tôi tới Đà Nẵng và Hà Nội mỗi nơi 4-5 lần, Sài Gòn sống 7 năm, nhưng mới chỉ ghé kinh thành Huế có một lần. Ngày tôi đến Huế mưa rì rào. Mà thật ra tôi đi chỗ quái nào cũng mưa, chủ yếu mưa ít hay mưa nhiều thôi. Liệt kê sơ sơ thử xem:

Đi Đà Lạt: mưa lâm râm.

Đi Thái Bình: mưa lắc rắc.

Đi Đà Nẵng: mưa kèm theo rét.

Đi miền tây: mưa theo đợt.

Đi Hà Nội: mưa cả sáng.

Đi Nam Cát Tiên: mưa cả chiều.

Đi Buôn Ma Thuột: mưa cả đêm.

Đi Cần Thơ: mưa mù mịt.

Đi Hải Phòng: mưa trắng trời trắng đất.

Đi Vũng Tàu: đi ba lần mưa cả ba.

Đi xuyên Việt: siêu bão Haiyan.

Tuy nhiên mưa xứ Huế lại đem đến một cảm giác lãng mạn mà hiếm nơi nào có được. Từ sân bay Phú Bài tôi đi taxi vào nội thành, mưa bay lất phất trông rất nên thơ. 

“Em còn Tôn Nữ ngày xưa 

Huế còn hiu hắt chiều mưa Nội Thành 

Em đi những bước vô hình 

Cho tôi ngọn gió thất tình theo sau.”

Sở dĩ có cảm giác như vậy vì cố đô Huế là một xứ nồng nàn hơi thở lịch sử. Nếu Gia Định 300 năm, Thăng Long 1000 năm, thì Phú Xuân cũng có cội nguồn đến 700 năm. Ta tua ngược về thế kỷ 14, khi anh Chế Mân dại gái đem 2 châu Ô Lý của nước Chăm tặng cho mình để đổi hotgirl phố cổ Huyền Trân. Hai châu Ô Lý đó được mình đặt là đất Thuận Hoá. Bạn nào học sử cần lưu ý kỹ cái tên Thuận Hóa này vì nó xuất hiện hoài luôn, bao gồm từ Quảng Bình đến đèo Hải Vân (Còn qua đèo là tới Quảng Nam - Đà Nẵng rồi). Từ Hóa sau này đọc trại ra thành Huế đó. :v

Nói chung vùng này đếch ai muốn ở đâu. Thuận Hóa vừa nóng vừa nhiều cướp. Chỉ có bọn tù nhân nặng tội lắm mới bị đày vào đó. Quan lại mà nghe được bổ nhiệm làm giám đốc vùng Thuận Hóa là ông nào ông nấy xanh mặt. Thế nhưng bước ngoặt là ở chỗ này, một sự kiện đem đến thay đổi vĩnh viễn cho toàn dân tộc Việt Nam đã bắt đầu ở vùng Thuận Hóa.

Tổ quốc ta có nhiều anh hùng nhưng bốn vị có công lớn nhất chính là: Lý Công Uẩn mở ra đất nước có kỷ cương văn hiến, Trần Quốc Tuấn đánh đuổi quân Nguyên giúp chúng ta giữ được bờ cõi trước quân Mông Cỗ hung bạo, Lê Lợi hồi sinh Đại Việt trên bản đồ thế giới, và Nguyễn Hoàng tiên phong mở ra một nửa đất nước còn lại từ Thuận Hóa cằn cỗi.

Mới đầu đây chỉ là một sự tình cờ. Trịnh Kiểm vì muốn giành hết quyền lực nên âm thầm hãm hại con cháu Nguyễn Kim. Nguyễn Hoàng sợ hãi nên mới xin anh rể Kiểm cho vào Thuận Hóa, lấy cớ là đánh nhà Mạc giùm. Trịnh Kiểm thấy Thuận Hóa nguy hiểm mà Hoàng lại tự giác, thì ok mày cứ đi, bố chẳng giết mày làm gì cho mất công.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng với 1000 người rời bỏ quê hương và chạy vào Thuận Hóa, lập dinh Ái Tử. Sau đó chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên âm thầm rạch đôi sơn hà, tạo nên vương quốc Đàng Trong, đối địch với Đàng Ngoài. Lịch sử sang trang mới từ đây khi các chúa quyết định chọn Thừa Thiên để lập nên kinh đô muôn đời cho dòng tộc. Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn tiến hành cho xây thành Phú Xuân. Và cuối cùng Phú Xuân chính thức trở thành thủ đô Nam Hà khi chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát xưng vương! (Fun fact: Ông này cũng là nhà thiết kế thời trang đã định hình nên chiếc áo dài ngày nay nè mấy chế)

Kinh thành Phú Xuân là biểu tượng quyền lực cho hoàng gia Nguyễn Phúc thôi chứ không phải công trình phòng thủ. Căn bản là họ Trịnh đã bị chặn đứng ở bức tường thành vĩ đại Lũy Thầy tại Quảng Bình cách đó mấy trăm cây số. Chừng nào vượt qua nổi thì hãy nói chuyện ăn hiếp Phú Xuân. :v

Thế nhưng chuyện đó éo ai ngờ, khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra. Chúa Trịnh Sâm chớp ngay thời cơ, sai lão tướng Hoàng Ngũ Phúc đánh Đàng Trong sau 100 năm hòa bình. Ngũ Phúc tướng quân xuyên thủng Lũy Thầy, cùng lúc đó Tây Sơn tiến về Phú Xuân. Bị hai đường vây đánh, lần đầu tiên họ Nguyễn Phúc cận kề diệt vong đến vậy. 

Hoàng gia Đàng Trong đành cắn răng bỏ lại kinh thành Phú Xuân cho quân Trịnh, rồi vượt biển vào Nam Bộ. Hoàng Ngũ Phúc lập kỳ tích chiếm được kinh thành chúa Nguyễn, tiếp tục vượt đèo Hải Vân hạ luôn Tây Sơn. Cương vực Đàng Ngoài mở rộng thêm mấy trăm cây số tới tận Quảng Ngãi! Thật ra nếu Nguyễn Nhạc không nhanh trí đầu hàng thì Hoàng đại gia đã tiêu diệt Tây Sơn, đánh xuống miền nam và thống nhất Đại Việt. Trịnh Sâm phế bỏ vua Lê và trở thành hoàng đế thái tổ nhà Trịnh. 

Nhưng lịch sử không có chữ nếu, hiểu chưa :v? 10 năm sau khi Hoàng Ngũ Phúc mắc bệnh qua đời, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ chiếm lại Phú Xuân. Nguyễn Huệ chiến thắng, thuận đà dẫn quân cày luôn vương quốc Đàng Ngoài, tiêu diệt chính quyền chúa Trịnh, chấm dứt mãi mãi ước vọng bá chủ của họ.

Thời Tây Sơn thì bên cạnh Quy Nhơn, Phú Xuân là một thủ đô khác. Vì hai anh em Nhạc và Huệ đều làm vua hai Đàng nên họ đồng ý lấy đèo Hải Vân phân chia biên giới. Vua Quang Trung lên ngôi tại núi Bân cách không xa kinh thành Phú Xuân, giờ vẫn còn bức tượng rất lớn của ông tại đây.

Nếu như Trịnh Bồng phẫn chí bỏ đi tu, thì Nguyễn Ánh vẫn kiên trì chiến đấu tranh thiên hạ với nhà Tây Sơn. 24 năm bền bỉ vào sinh ra tử, Nguyễn vương đã sắp được trở về quê nhà nơi ông chạy nạn từ ngày thơ bé.

Ngày 27/5/1801, thuyền quân Gia Định ghé vào Quy Nhơn. Nguyễn Ánh ở đó vài ngày để gọi Võ Tánh bỏ thành chạy ra với mình. Tuy nhiên Tây Sơn vây quá dày đặc, 1 tuần sau Nguyễn Ánh bỏ cuộc. Ông đốt lửa ở núi Một báo tin cho Nguyễn Văn Thành biết:

-Thôi chúng ta đi. Hướng về Phú Xuân. Võ Tánh quyết tử thủ rồi.

Ngọn lửa bốc lên như lời giã từ của Gia Long hoàng đế cho vị tướng yêu của mình, phò mã hậu quân Võ Tánh, người anh hùng cuối cùng còn sống của Gia Định tam kiệt. Ngày 7/6 Nguyễn Ánh đến Đà Nẵng nói:

-Nguyễn Văn Trương, ngươi đem thuyền đến cửa Thuận An.

Và trận ác chiến quyết định sống còn giữa Gia Định và Tây Sơn tại Phú Xuân bắt đầu! 8 giờ sáng ngày 11, thủy quân Gia Định dàn đầy sông Hương, chia làm hai đường tiến đánh kinh thành.

5 giờ sáng ngày 12, quân Gia Định tấn công! Quân Tây Sơn trên núi cao bắn như xả đạn, thuyền Gia Định đâm vào cọc ngầm đắm rất nhiều. Chuyến này không phải dễ xơi cho Phúc Ánh rồi. Trận đánh kéo dài từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều mà vẫn không thể chiếm lấy nổi Phú Xuân. Lê Văn Duyệt tức giận:

-Đánh đằng trước không ăn thua thì ta đánh đằng sau!

Rồi đêm đến, cọp gấm Gia Định tự mình đem 20 thuyền nhỏ lén vượt bờ cát, bất thần ập đến bắt được phò mã Tây Sơn chỉ huy đội súng.

Trong lúc trận chiến diễn ra cam go ở cửa sông Hương thì trong kinh thành Phú Xuân lại xảy ra biến cố. Một người thợ mộc đã lén thuyết phục Nguyễn Ánh rằng các giáo đồ Thiên Chúa có thể giúp ông chiếm thành. Sự việc bại lộ, Tây Sơn ra lệnh thảm sát các tín đồ công giáo, và chuyện này có thể đã xảy ra nếu Nguyễn Ánh không đến kịp lúc.

64 thuyền Gia Định bắn tan nát 27 thuyền Tây Sơn. 3 giờ chiều, thuyền Gia Định cập bến Phú Xuân, báo hiệu ngày Nguyễn vương trở về. Vua Tây Sơn Quang Toản vội vã mang vàng bạc, bỏ cả sắc ấn nhà Thanh để chạy. Nguyễn Phúc Ánh chiếm được Phú Xuân thành công. Ông mất một năm sửa sang lại mọi thứ trong kinh thành, xây lại mộ các chúa đã bị đào bới, xong đâu đấy thì mới tiến hành thống nhất đất nước. Người đời sau có thơ khen rằng:

"Phú Xuân đất ấy vững Nam Kinh

Kiên Ấp năm nao dấy Bắc Bình.

Chỉ thấy thuyền rồng về đô cũ,

Chẳng hao quân hổ nhọc vây thành.

Dân mừng áo mũ đầy đường đón,

Trâu rượu hân hoan chén tiếp nghênh.

Khoảnh khắc trời Nam thu nghiệp cũ,

Sông Hương núi Ngự vẫn cao xanh."

Chiến tranh kết thúc, hoàng đế Gia Long bây giờ mới bắt tay vào xây dựng từ đầu. Kinh đô Huế là một kiến trúc quyến rũ tọa lạc bên bờ sông Hương xanh biếc êm đềm. Ở bờ bắc là Hoàng thành và Tử Cẩm Thành với hàng chục cung điện vàng son lộng lẫy. Xa xa ở phía nam là những lăng tẩm của các vị vua, và Đàn Nam Giao nơi vua tế trời đất. Đây được xem như những công trình nghệ thuật tuyệt đẹp giữa chốn đồi núi linh thiêng này. Sự hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên của kinh thành Huế đã đạt đến mức hoàn chỉnh tuyệt diệu. Từ trên cao nhìn xuống, về đêm kinh thành trông như một vì tinh tú đẹp lung linh huyền ảo. Hai cuốn Mộng Kinh Sư và Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí có nói rõ về sự nghiệp lừng lẫy của dòng họ Nguyễn Phúc.

Bên cạnh âm nhạc và kiến trúc, Huế nổi tiếng với ẩm thực cung đình cao sang và mĩ vị. Nếu Gia Định ẩm thực lai tạp, thì Thăng Long và Phú Xuân lại có hẳn một nền ẩm thực riêng. Hồi ra bắc tôi nhớ có câu:

“Nghìn năm văn vật đất Thăng Long,

Bún chả là đây có phải không?”

Riêng Phú Xuân thì có hẳn một tập thơ 100 bài tên là Thực phổ bách thiên, được xem như một trong những cẩm nang nấu ăn của người Huế. Ví dụ bài “Chả bông bí”:

“Bông mai ướm nở hái nay vừa

Tước cọng xoi tim cuống phải chừa

Tôm quết gia màu dồi nhận lại

Chiên lần nhứng trứng lửa bưa bưa.”

Món ăn Huế giản dị, phong phú, mang hương vị đằm thắm của nơi thiên nhiên đất cố đô song cũng không kém phần sang trọng tinh tế với các món ăn cung đình. Những loại đặc sản bốn mùa của người Huế có thể nấu tới 300 món ăn, khó nơi nào có thể sánh kịp. 

Tuy nhiên các gánh hàng rong, các món ăn bình dân cũng bá đạo không kém. Tự nhiên giờ nhắc lại thèm quá, bữa đi ăn bánh lọc, bánh ram ít, bánh nậm ở cái hẻm cạnh sân chơi mà vua Khải Định xây cho Bảo Đại mà nhớ hoài. Chưa kể bánh cánh cá lóc, bánh khoái, tôm chua, cơm hến, cơm âm phủ, bún bò, chè heo quay, blo bla. =))

Về mặt tâm linh, Huế có một cái gì đó ma mị, có lẽ do quá nhiều người chết khi kinh thành thất thủ. 1775 chúa Trịnh chiếm, 1786 Nguyễn Huệ công phá, 1802 Nguyễn Ánh trở về, 1885 Pháp tấn công, 1968 cao điểm chiến tranh Việt Nam.

Cái năm mà Pháp ra tay, dân chúng chen lấn nhau mà chết, hoặc trúng đạn Pháp, hoặc ngã xuống khi tìm cách leo ra khỏi thành, hoặc rơi xuống hồ ao dày đặc trong thủ đô, nhất là hồ Tịnh Tâm, trong khoảng từ 2 đến 4 giờ sáng, những giờ rất linh. Do đó người Huế vẫn hay có những ngày giỗ chung, đặt bàn thờ và cúng trước nhà, nhang khói nghi ngút. Vong hồn bay lượn vần vũ khắp nơi.

Đi bộ ở xứ Huế trong đêm mưa rả rích thấy cũng hơi rờn rợn. Đà Lạt, Hội An với Huế chắc là những nơi quay phim kinh dị chuẩn bài nhất.

Nói chung hè này sẽ trở lại Huế, thứ nhất là để thăm lăng Gia Long, thứ hai là để… ăn. Nhưng mà hè chắc nóng lắm, có đi thì nên đi mùa thu để ngồi nhâm nhi cafe bên cầu Trường Tiền, ngắm nữ sinh Huế tan học về trong tà áo dài trắng, cảm nhận cố đô qua đúng những vần thơ:

“Chiều nay mưa trên phố Huế

Kiếp giang hồ không bến đợi

Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài

Cho lòng nhớ ai.”

---

Các clip mình làm minh họa:

Tiên chúa Nguyễn Hoàng:

https://goo.gl/42nLjY

Mối hận Gia Long:

https://goo.gl/sXfw2r

Gia Long phục quốc:

https://goo.gl/NFOCwy

---

Nếu bạn thấy hay, hãy bấm vào đây để ủng hộ Lộc: 

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSfCcdauYrZq66bcZ2LR8vyYoYDllFdVpJ8sSC_MFmQHyNa7-g/viewform

Từ khóa: 

cố đô

,

huế

,

thuận hóa

,

phú xuân

,

gia long

,

lịch sử

Việt Nam nội chiến phang nhau tàn phá hết

Trả lời

Việt Nam nội chiến phang nhau tàn phá hết

Hay quá anh ơi. Nhất định hè này thuyết phục bố mẹ cho quay lại Huế.

hay quá ah, cảm ơn anh

E hơi tò mò 1 chút ạ. Vua Gia Long từ nhỏ đã phiêu bạt giang hồ, dù mười mấy năm đầu đời ông sống ở Phú Xuân, nhưng ko biết sau này khi đã trưởng thành, phục hưng đại nghiệp, lên ngôi hoàng đế thì giọng nói của ông như thế nào ạ? Vẫn là giọng Huế hay sẽ có sự pha trộn giữa giọng Nam và giọng Huế nhỉ.

Mộng mơ và ma mị, sẽ một lần đến thăm Huế, cũng muốn đi thăm lăng Gia Long như anh!

Cám ơn anh nhiều. Đọc mà nhớ quê i rứa.

hay quá