7 công trình khoa học vĩ đại thay đổi thế giới ra đời nhờ giấc mơ

  1. Khoa học


Không phải ý tưởng tuyệt vời hay phát minh nào được tìm ra khi nhà khoa học ở trong trạng thái tỉnh táo. Một số trường hợp đặc biệt, ý tưởng xuất chúng xuất hiện khi họ ở trong trạng thái mơ mơ tỉnh tỉnh hoặc trong giấc mộng.

Giấc mơ là những trải nghiệm, những ảo tưởng trong trí óc khi ngủ. Khi nói đến giấc mơ, chúng ta thường chỉ đề cập đến hiện tượng này ở con người, dù chúng cũng xuất hiện ở động vật có vú và chim. Các sự việc trong giấc mơ thường không thể xảy ra được hoặc không giống với thực tế, chúng thường nằm ngoài sự điều khiển của người mơ. 

Ngoại trừ trường hợp giấc mơ tỉnh táo, trong đó người nằm mơ nhận ra rằng họ đang nằm mơ, đôi khi có thể thay đổi thực tại giấc mơ của họ. Những người nằm mơ có thể trải qua những cảm xúc mãnh liệt khi đang mơ và điều này có thể tạo cảm hứng cho nhiều sáng tạo nổi bật trong âm nhạc hay nghệ thuật. 

Trong quá khứ, có không ít nhà khoa học, nhà văn chính nhờ một phần vào giấc mơ cho ra những công trình để đời, khiến hậu thế phải thán phục. Và dưới đây là 7 công trình khoa học vĩ đại ra đời từ những giấc mơ ngẫu nhiên:

1. Niels Bohr và mô hình nguyên tử

Niels Henrik David Bohr là nhà vật lý học người Đan Mạch với những đóng góp nền tảng về lý thuyết cấu trúc nguyên tử và cơ học lượng tử sơ khai, nhờ đó mà ông nhận Giải Nobel Vật lý năm 1922. Bohr còn là nhà triết học và tích cực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học. 

Nhà vật lý Niels Bohr (1885-1962)

Theo một bài viết có tựa đề “Pillow-Talk: Seamless Interface for Dream Priming Recalling and Playback” của Edwina Portocarrero tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và các đồng tác giả cho biết:

“Niels Bohr cho biết ông phát triển mô hình nguyên tử dựa vào một giấc mơ trong đó ông ngồi trên Mặt Trời với tất cả các hành tinh bay xung quanh nó trên những sợi dây thừng nhỏ.”

Khi tỉnh dậy, ông đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng mô hình nguyên tử gồm một hạt nhân nhỏ mang điện tích dương và các electron di chuyển xung quanh trên những quỹ đạo khác nhau. Điều này tương tự cấu trúc của Hệ Mặt Trời nhưng lực hấp dẫn được thay bằng lực tĩnh điện.

Hình miêu tả mô hình nguyên tử của Niels Bohr vào năm 1922.

2. Dmitri Mendeleev và bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học

Dmitri Mendeleev (1834–1907) lúc bấy giờ muốn sắp xếp 65 nguyên tố hóa học đã biết theo một cách thức nào đó. Ông biết có một mô hình để phân biệt chúng và mô hình này có liên hệ đến trọng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, ông vẫn không tài nào định hình cho đến khi có một giấc mơ kỳ lạ.

Trích dẫn trong tài liệu “Bàn về sự sáng tạo trong khoa học” của nhà hóa học người Nga B.M. Kedrov:

“Trong giấc mơ tôi thấy một tấm bảng, nơi tất cả các nguyên tố được đặt vào chỗ theo yêu cầu. Khi tỉnh dậy, tôi ngay lập tức viết nó lên một mảnh giấy.”

Trong giấc mơ, bảng tuần hoàn hóa học đã hiện rõ ra trước mắt nhà bác học Mendeleev.

Đây là cách bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học ra đời. Cách sắp xếp các nguyên tố mà Mendeleev thấy trong giấc mơ là vô cùng chính xác. Thậm chí nó còn tiết lộ rằng, một vài nguyên tố đã bị đo lường không chuẩn. Đặc biệt hơn, chúng được sắp xếp trong bảng tuần hoàn dựa theo trọng lượng nguyên tử, vốn chưa được biết đến vào thời đó.

Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học năm 1871 của Dmitrij Mendeleev.

3. Albert Einstein và tốc độ ánh sáng

Mục sư John W. Price nói trong buổi phỏng vấn với John H. Lienhard, giáo sư đã về hưu ngành kỹ thuật cơ khí và lịch sử tại trường Đại học Houston, Mỹ trong radio show “Engines of Our Ingenuity” (tạm dịch Các cỗ máy của trí tuệ chúng ta):

“Einstein từng nói rằng toàn bộ sự nghiệp của ông là sự suy ngẫm mở rộng dựa trên một giấc mơ thời niên thiếu!”

Hình ảnh Einstein thời niên thiếu.

Trong giấc mơ, Einstein thấy mình cưỡi trên một chiếc xe trượt tuyết đang xuống dốc rất nhanh. Khi Einstein và chiếc xe di chuyển gần bằng tốc độ ánh sáng, tất cả các màu sắc pha trộn thành một. Lấy cảm hứng từ giấc mơ đó, ông đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để suy nghĩ về những gì xảy ra ở tầm tốc độ ánh sáng.

Albert Einstein

4. Elias Howe và máy khâu

Tên tuổi Elias Howe (1819-1867) gắn liền với chiếc máy khâu. Nhưng thực tế ông không phải là người phát minh ra máy khâu mà chỉ cải tiến đáng kể những thiết kế trước đó và nhận bằng sáng chế của Mỹ cho chiếc máy khâu sử dụng mũi khâu chằng/vắt sổ.

Đây là một bước phát triển đáng kể trong việc chế tạo máy may hiện đại. Tuy nhiên, trước đó ông lại bị tắc ở công đoạn tìm chỗ đặt đầu mũi kim.

Elias Howe và chiếc máy khâu tiền thân.

Howe nằm mơ phải chế tạo chiếc máy may cho một vị vua man rợ ở một đất nước xa lạ. Vị vua yêu cầu phải hoàn thành nó trong 24 giờ. Do không hoàn thành đúng thời hạn nên ông bị đem đi xử tử. Trong lúc thi hành án, Howe nhận thấy binh lính cầm cây giáo có lỗ xuyên qua ở phần đầu. Ngay lập tức ông phát hiện ra cách giải quyết vấn đề và bất chợt tỉnh giấc.

Sau đó, Elias Howe bắt tay ngay vào công việc. Howe thiết kế ra loại kim cong, đặt lỗ kim ở đầu nhọn (trước đây đặt ở chân kim) và phối hợp với con suốt chỉ tạo nên đường may.

5. Friedrich August Kekulé và cấu trúc phân tử của benzen

Benzen là hợp chất hữu cơ được nhà khoa học người Anh Michael Faraday (1791-1867) phát hiện từ năm 1825 nhưng kết cấu của nó vẫn còn là một bí ẩn lớn thời bấy giờ. Nhiều nhà khoa học biết rằng cấu trúc benzen rất đối xứng nhưng lại không tưởng tượng ra được là 6 nguyên tử carbon hóa trị 4 và 6 nguyên tử hydro hóa trị 1 sắp xếp đối xứng với nhau như thế nào để ổn định.

Năm 1865, Friedrich August Kekulé (1829–1896) đã phát triển một lý thuyết về cấu trúc hóa học liên quan đến trật tự liên kết của các nguyên tử trong phân tử. Và đặc biệt hơn là ông phát hiện ra cấu tạo dạng vòng của benzen khi ngủ gật trên xe buýt.

Kekulé nói:

“Khi đang ngồi chuyến xe buýt cuối qua những con phố vắng lặng, tôi chìm vào trạng thái mơ màng. Các nguyên tử nhảy nhót trước mắt tôi và liên tục chuyển động. Tôi thấy hai nguyên tử nhỏ liên kết với nhau theo cặp, một nguyên tử lớn hơn gắn chặt với hai nguyên tử nhỏ hơn, đồng thời những nguyên tử lớn hơn liên kết với nhau thành chuỗi cùng với hình ảnh một con rắn quay đầu ngậm chính cái đuôi của mình và xoay tròn trước mặt.”

Cấu trúc phân tử của benzen được Kekulé xây dựng từ giấc mơ.

Ngay đêm hôm đó, Kekulé đã phác thảo lại giấc mơ và hiểu rằng đó chính là cấu trúc của benzen với hình lục giác với mỗi đỉnh là một nguyên tử cacbon.

6. Otto Loewi và đường dẫn thần kinh

Đêm trước lễ Phục sinh năm 1921, nhà sinh vật học người Áo Otto Loewi (1873-1961) bất chợt tỉnh giấc và ghi chép lại một cách vô thức những gì thấy trong giấc mơ. Hôm sau, khi đang ngủ, ý tưởng vừa rồi quay trở lại. Giấc mơ đó chính phương pháp thực nghiệm chứng minh giả thuyết mà Loewi đưa ra 17 năm trước chính xác hay không.

Sau đó, Loewi liền tỉnh dạy và đến ngay phòng thí nghiệm, mổ lấy 2 quả tim ếch đem ngâm nước muối sinh lý, một quả tim giữ lại dây thần kinh số 10, quả thứ hai không có dây thần kinh số 10.

Tiếp theo, ông dùng điện cực kích thích dây thần kinh số 10 của quả tim thứ nhất khiến nó đập chậm. Sau đó mấy phút, đem dung dịch ngâm quả tim thứ nhất chuyển vào dụng cụ đang chứa quả tim thứ hai. 

Mô tả thí nghiệm của Loewi.

Kết quả, quả tim thứ hai cũng bắt đầu đập phập phồng và Loewi xác nhận rằng các nơ-ron thần kinh có thể liên lạc với nhau bằng cách giải phóng các chất hóa học. Nhờ phát hiện này, Loewi nhận được giải thưởng Nobel về Y học năm 1936.

7. Mary Shelley và tiểu thuyết Frankenstein

Tên tuổi của nữ nhà văn Mary Shelley (1797-1851) gắn liền với tiểu thuyết để đời “Frankenstein” và đồng thời bà là vợ của nhà thơ lãng mạn Percy Shelley (1792-1822).

Trong một lần đi nghỉ mát cùng chồng với nhà thơ Lord Byron (1788-1824) và nhà văn John Polidori (1795-1821) bên hồ Geneva,Thụy Sĩ, Byron đã đặt ra cuộc thi viết truyện kinh dị giữa bốn người.

Nhà văn Mary Shelley (1797-1851)

Trong một đêm mưa gió bão bùng, Mary nằm mơ thấy một cảnh chàng sinh viên đang quỳ trước một vật thể có hình dáng như người đàn ông nhưng các bộ phận được ghép từ những cơ thể khác nhau. Và đó là ý tưởng ra đời tiểu thuyết “Frankenstein” vào năm 1816 và được bà hoàn thành khi mới 20 tuổi. 

“Frankenstein” là câu chuyện về chàng sinh viên Victor Frankenstein tạo ra một sinh vật rất sống động từ nội tạng của người đã chết nhưng sau đó anh ta lại vứt bỏ đi “đứa con tinh thần của mình”. 

Vì lòng hận thù với chủ nhân, sinh vật kia quyết định trả thù bằng cách giết chết vợ của Frankenstein và sau đó là giết chính người tạo ra mình.

Bản vẽ miêu tả quyển sách trong lần xuất bản năm 1831 của họa sĩ Theodor von Holst.

Tiểu thuyết đã tạo ra một sự chấn động lớn trong xã hội, cảnh báo chống lại sự phát triển công nghiệp của con người hiện đại. Câu truyện có tác động lớn về văn học và Văn hoá đại chúng, còn nối tới thể loại truyện hay phim kinh dị. Nó được coi là câu truyện đầu tiên phản ánh thật sự về tiểu thuyết khoa học giả tưởng, tập trung về vấn đề như Chúa Giê-xu có thể tạo sự sống từ vật chất. Sau này, rất nhiều vở kịch và bộ phim được dựng lên từ tiểu thuyết kinh điển của Mary Shelley.

Từ khóa: 

công trình vĩ đại

,

khoa học