6 điều bạn nên biết trước khi “mất” trinh

  1. Giới tính

  2. Tình dục

1. Không phải chỉ khi quan hệ thâm nhập, màng trinh mới bị rách

Hồi đó mình cứ nghĩ màng trinh là một lớp màng bao phủ toàn bộ cửa âm đạo, và chỉ khi lần đầu làm chuyện ấy, nó mới bị rách toạc và chảy máu.

Sau này mình mới hiểu nếu màng trinh đúng thật bao phủ toàn bộ cửa âm đạo thì đã phải sớm đi tiểu phẫu rồi. Bởi vì với hình dạng này, máu kinh không thể chảy ra ngoài âm đạo, khiến nó trào ngược vào bên trong, phát triển thành một khối ở âm đạo, gây đau bụng và khó đi tiểu.

Thực tế, màng trinh rất linh hoạt và có thể co giãn. Nó thường không rách ngay lần đầu tiên có vật lạ ấn vào. Nói đúng hơn, nó rách chủ yếu do bị mài mòn. Vì nó là mảnh mô mềm nên sẽ kéo giãn và mài mòn dần theo thời gian qua các hoạt động hàng ngày hoặc sử dụng tampon.

Và khi màng trinh bị rách, nhiều người chỉ nghĩ đơn giản đó là kỳ kinh hoặc ra máu báo hiệu sắp “rụng dâu” (trường hợp chưa từng quan hệ). Nó không phải là cơn đau tức thì giống như khi bị gãy xương hay rách cơ. Một số người sẽ cảm thấy đau nhói một chút nhưng hầu hết là không cảm thấy gì. Đó là lý do nhiều người bị rách màng trinh dù chưa quan hệ trước đó mà không hề biết.

Trường hợp của mình là không cảm thấy gì, chỉ nhớ là lúc đó đang tắm thì dưới vùng kín tuôn ra một dòng máu đỏ. Ngoài ra thì cũng không có biểu hiện ngứa ngáy khó chịu nào. Và chắc chắn không phải “rụng dâu” vì sau khi dòng màu đỏ chảy ra thì mình cũng không bị chảy máu gì nữa. Để cho chắc ăn, mình có đi khám phụ khoa sau đó thì tình trạng sức khỏe âm đạo vẫn bình thường. Sau đó mình mới quan hệ lần đầu thì biết là đã “mất trinh” một cách tự nhiên và bình thường thế đó. :D

2. Màng trinh có nhiều hình dạng, kích cỡ và nằm ở các vị trí khác nhau

Màng trinh của bạn nằm ở vài vị trí khác nhau xung quanh cửa âm đạo và mang nhiều hình dạng, kích cỡ. Tùy thuộc vào kích thước mà nó có thể bị rách do quan hệ thâm nhập hoặc từ các hoạt động thường ngày như đạp xe, vận động mạnh, dùng tampon, tập môn thể dục dụng cụ…

Dưới đây là một số hình dạng của màng trinh:

https://cdn.noron.vn/2022/09/10/mot-so-hinh-dang-cua-mang-trinh-1662813626.png
Nguồn: BBC

+ Màng trinh hình khuyên tai hoặc lưỡi liềm: Đây được coi là hình dạng điển hình của màng trinh. Trong hầu hết trường hợp, màng trinh bao quanh cửa âm đạo, chừa một lỗ ở giữa, trông giống bánh donut (hình khuyên tai). Hoặc màng trinh có hình lưỡi liềm nằm ở dưới cùng của cửa âm đạo. Như vậy, màng trinh không che hoàn toàn cửa âm đạo mà tạo một lỗ để máu kinh chảy ra ngoài bình thường.

+ Màng trinh nhiều lỗ: Như tên gọi, lớp màng này bao phủ toàn bộ cửa âm đạo và trên lớp màng đục nhiều lỗ nhỏ chi chít.

+ Màng trinh không lỗ: Màng trinh dạng này bao phủ hoàn toàn cửa âm đạo, khiến cho máu kinh trào ngược vào âm đạo, gây đau đớn. Bác sĩ phải làm tiểu phẫu để cắt bỏ mảnh mô thừa và tạo lại cửa âm đạo có kích thước bình thường để máu kinh chảy ra ngoài. Rất may hình dạng màng trinh này khá hiếm hoi.

+ Màng trinh lỗ siêu nhỏ: Màng trinh dạng này chỉ có một lỗ siêu nhỏ trên đó. Máu kinh vẫn có thể chảy ra ngoài nhưng độ mở rất ít. Và bạn nữ rất khó đưa tampon vào.

Màng trinh có vách ngăn: Màng trinh này có một dải mô thừa ở giữa, tạo ra hai lỗ âm đạo nhỏ hay vì một. Cửa âm đạo nằm sau hai mảnh mô. Với hình dạng này, bạn nữ cũng khó dùng tampon.

3. Rách màng trinh sẽ như thế nào?

Nếu màng trinh bị rách, nó có thể trông giống một mảnh nhỏ bị dạt sang một bên. Các dấu hiệu thường là ra lốm đốm máu, chảy máu hoặc có thể nhìn thấy vùng da lởm chởm xung quanh cửa âm đạo. Trong hầu hết trường hợp, màng trinh sẽ bị mòn tự nhiên theo thời gian.

Sau khi bị rách, đôi khi nó trộn lẫn luôn với cửa âm đạo hoặc chuyển thành mảng da nhỏ.

Nếu muốn tự kiểm tra xem màng trinh còn không, bạn có thể dùng gương để soi. Nếu bạn nhìn thấy một mảnh mô xung quanh phần dưới cùng của cửa âm đạo thì đó chính là màng trinh.

4. Màng trinh không liên quan gì đến trinh tiết của bạn

Như vậy, bạn có thể thấy màng trinh của mình cũng chỉ là một bộ phận trên cơ thể giống như ngón tay hoặc cái chân. Nó không có chức năng xác định bạn còn trinh tiết không. Không ít người đã rách màng trinh trước khi quan hệ trong quá trình sinh hoạt hàng ngày. Thêm vào đó, một số người sinh ra không có màng trinh. Bạn, và một mình bạn, sẽ quyết định tình trạng trinh tiết của mình chứ không phải dựa vào mảnh mô mỏng nằm vắt vẻo ở cửa âm đạo.

Hơn nữa, mình thấy cái khái niệm “trinh tiết” đánh đồng với màng trinh cũng thật buồn cười. Nếu mặc định quan hệ thâm nhập mà thấy máu nghĩa là “còn trinh”, vậy một cô gái quyết định không quan hệ thâm nhập mà chuyển sang các hoạt động khác như quan hệ bằng miệng, quan hệ qua hậu môn, vậy cô gái ấy có được tính là “còn trinh” không?

Mình kiến nghị bỏ phứt luôn cái từ “trinh tiết” vì xét cho cùng, nó chỉ là sản phẩm được đẻ ra từ chế độ trọng nam khinh nữ mà thôi. Trinh tiết của phụ nữ được đo đạc bởi cái gì? Ai là người đủ tư cách quyết định chuyện đó? Nếu giá trị của phụ nữ được đo bằng trinh tiết, vậy đàn ông thì sao? Trinh tiết của đàn ông là gì?

5. Tampon có thể làm rách màng trinh

Đúng vậy, tampon có thể làm rách màng trinh. Đây là cách phổ biến khiến màng trinh bị mòn đến mức rách. Trong đa số trường hợp, màng trinh bị rách không phải chỉ xảy ra 1 lần. Nó sẽ diễn ra từ từ và nếu nó rách khi bạn đang hành kinh thì có thể bạn cũng chẳng nhận thấy.

Cơ mà phụ nữ nước mình không chuộng dùng tampon lắm thì phải.

6. Lần đầu làm chuyện ấy mà bị đau không hẳn là do rách màng trinh

Nhiều người nghĩ lý do lần đầu quan hệ thường đau là vì rách màng trinh. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Có nhiều nguyên nhân khiến lần đầu đau đớn, và phần nhiều là do ma sát, thiếu chất bôi trơn cộng với tâm lý bạn nữ.

Như mình đã nói ở trên, khi rách màng trinh, một số người sẽ thấy đau nhói, một số lại chẳng cảm thấy gì. Nếu màng trinh của bạn thuộc dạng nhiều lỗ thì khi rách sẽ rất đau. Còn như dạng hình khuyên hoặc lưỡi liềm thì ít đau hơn.

Vậy nếu bạn nữ đã rách trước đó hoặc có màng trinh dạng khuyên hoặc lưỡi liềm nhưng vẫn thấy đau đớn khi lần đầu quan hệ thì là do đâu?

Âm đạo mang dạng hình ống và có độ co giãn tốt. Bình thường thì không có vật lạ nào xâm nhập nên “cô bé” ở trạng thái ngủ say, ít vận động. Hôm nay bất ngờ có khách ghé thăm nên “cô bé” chưa kịp thích ứng để co giãn, cộng với tâm lý căng thẳng của bạn nữ khiến các cơ xung quanh bị căng cứng, làm cho quá trình thâm nhập trở nên đau đớn.

Ngoài ra, nếu màn dạo đầu không đủ, thiếu chất bôi trơn tự nhiên hoặc “cô bé” không tự sản xuất được nhiều chất bôi trơn thì dễ tạo ra nhiều ma sát trong quá trình đẩy đưa, gây không ít khó chịu cho bạn nữ.

Chính vì lý do này mà không chỉ lần đầu mà lần hai, lần ba, vẫn có bạn nữ thấy đau khi quan hệ. Phải mất một thời gian (bao lâu thì tùy cơ địa), “cô bé” mới quen dần và trở nên co giãn tốt, cơn đau cũng dần mất đi, thay vào đó là cảm giác khoái cảm dạt dào.

Đọc thêm mẹo giúp lần đầu ít đau đớn tại: Lần đầu “ăn trái cấm” cần chuẩn bị gì cho nàng chưa có kinh nghiệm? (itsreallove.net)

Tóm lại là

Khi bạn quyết định “ăn trái cấm”, hãy cố gắng đừng nghĩ đó là “mất mát” hay “cho đi” thứ gì đó quý giá. Bỏ qua mấy khái niệm màng trinh hay trinh tiết đi mà hãy nghĩ rằng: Bạn đang sắp có một trải nghiệm hoàn toàn mới!

Nguồn thông tin từ:

What Happens When You Lose Your Virginity? 27 Things to Know (healthline.com)

Hymen: Overview, Function & Anatomy (clevelandclinic.org)

.Ngưn.

Sống văn hóa - Yêu văn minh - Làm tình có trách nhiệm

Từ khóa: 

sex education

,

giáo dục giới tính

,

màng trinh

,

giới tính

,

tình dục