50+ từ ngữ dễ nhầm lẫn khiến bài viết của bạn bị “mất điểm”

  1. Kỹ năng mềm

Nếu chúng ta được trả tiền cho mỗi lỗi sai về cách dùng từ khi viết lách, có lẽ nhiều người sẽ sớm trở thành tỉ phú. Nhưng rất tiếc, chẳng những không nhận được đồng nào khi mắc quá nhiều lỗi, chúng ta còn tự đánh mất giá trị bài viết của mình trong mắt độc giả. Không riêng giới viết lách, bất kể bạn đang làm trong lĩnh vực nào thì trước khi muốn viết hay, bạn cần viết ĐÚNG.

Một bài viết chuẩn mực trước hết cần sự chính xác trong cách dùng từ. Bạn có đủ tự tin để chắc chắn mình không bao giờ mắc sai lầm khi sử dụng từ ngữ tiếng Việt không? Bài viết này có thể sẽ khiến bạn nhận ra mình đang dùng từ sai bấy lâu nay mà không hay biết.

https://cdn.noron.vn/2021/04/13/37598197442468753-1618289090.png

Chúng ta vẫn thường bắt gặp những cặp từ dưới đây khi viết lách và nghĩ rằng dùng cách nào cũng được. Nhưng thực tế là mỗi từ lại có ý nghĩa khác nhau.

*Hàng ngày/Hằng ngày

- Hằng ngày: chỉ sự lặp đi lặp lại một cách định kỳ theo đơn vị ngày.

Ví dụ: Hằng ngày, tôi đều ghé mua một ly café trước khi đi làm.

- Hàng ngày: chỉ số lượng nhiều không xác định, tính theo đơn vị ngày.

Ví dụ: Đội trinh sát tích cực theo dõi đối tượng hàng ngày, hàng giờ.

Tương tự với đơn vị tháng, năm.

*Chủ kiến/Chính kiến

- Chủ kiến: Ý kiến của chính mình, không phụ thuộc vào ý kiến của người khác.

Ví dụ: Cô ấy là người không có chủ kiến và luôn thiếu tự tin vào bản thân.

- Chính kiến: Ý kiến của mỗi người về chính trị, quan điểm chính trị.

Ví dụ: Các đại biểu lần lượt nêu chính kiến trong kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

*Khuyến mãi/Khuyến mại

Theo từ điển Hán – Việt, “mãi” là mua, “mại” là bán, “khuyến” là động viên, khích lệ.

- Khuyến mãi: các hoạt động làm gia tăng sức mua của người tiêu dùng, gồm các hình thức phổ biến như giảm giá trực tiếp, kèm tặng phẩm, hàng cũ đổi hàng mới, rút thăm trúng thưởng.

Ví dụ: Cửa hàng đang áp dụng chương trình khuyến mãi đặc biệt mùa Noel khi khách hàng mua sản phẩm trị giá 1 triệu đồng trở lên.

- Khuyến mại: các hoạt động thúc đẩy sức bán bằng các hình thức chiết khấu, thưởng doanh số để các đại lý, nhà phân phối sản phẩm… bán nhiều sản phẩm đến người tiêu dùng hơn.

Ví dụ: Đầu quý 2, công ty sẽ triển khai các chính sách khuyến mại cực kỳ hấp dẫn dành cho các nhà phân phối trong hệ thống.

*Các/Những

- Các: từ chỉ số lượng nhiều, được xác định, gồm tất cả sự vật muốn nói đến.

Ví dụ: Các nước Đông Dương, các thầy cô giáo trong trường.

- Những: từ chỉ số lượng nhiều, không xác định.

Ví dụ: Những vì sao trên bầu trời.

*Chia sẻ/Chia xẻ

- Chia sẻ: "chia" có nghĩa là làm ra thành từng phần, từ một chỉnh thể; "sẻ" là chia bớt ra, lấy ra một phần. Do đó, "chia sẻ" có nghĩa là cùng chia với nhau để cùng hưởng, hoặc cùng chịu đựng.

Ví dụ: Chia cơm sẻ áo, chia sẻ nỗi buồn.

- Chia xẻ: chia cắt thành nhiều phần, làm cho không còn nguyên một khối nữa.

Ví dụ: Xẻ rãnh thoát nước, xẻ dưa.

*Chứng nhân/Nhân chứng

- Chứng nhân: người làm chứng (dùng để chỉ người chứng kiến những sự kiện trọng đại, hoặc dùng để nhân hóa sự vật, địa danh theo ý nghĩa “chứng nhân” lịch sử)

Ví dụ: Trải qua thăng trầm lịch sử, dinh Độc Lập không chỉ là một “chứng nhân” lịch sử, là biểu tượng của sự hòa hợp, thống nhất đất nước mà còn là một bảo tàng kiến trúc tiêu biểu, niềm tự hào về kiến trúc - xây dựng của người Việt Nam. (Dinh Độc lập – Dấu ấn lịch sử tháng tư, Hà Nội Mới, 24/4/2020)

- Nhân chứng: người làm chứng (thường dùng để chỉ những người chứng kiến những vụ việc, vụ án đã xảy ra).

Ví dụ: Cảnh sát đang tìm nhân chứng cho vụ án kinh hoàng đó.

*Phản ánh/Phản ảnh

- Phản ánh: tái hiện những đặc trưng, thuộc tính, quan hệ của một đối tượng nào đó.

Ví dụ: Nghệ thuật phản ánh cuộc sống. Ý thức con người phản ánh hiện thực khách quan.

- Phản ảnh: trình bày với các cấp có trách nhiệm về những tin tức và diễn biến của nó.

Ví dụ: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh của người dân về hoạt động vận tải và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết và lễ hội xuân năm 2020. (Người dân có phản ảnh về giao thông, gọi ngay đường dây nóng, Tuổi Trẻ Online, 20/01/2020)

*Chi phí/Kinh phí

- Chi phí: dùng tiền vào công việc nào đó.

Ví dụ: Chi phí cho một chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm trọn gói theo tour của các đơn vị lữ hành, bao gồm: vé máy bay khứ hồi, khách sạn 3 sao, ăn uống các bữa, vé tham quan…

- Kinh phí: khoản ngân sách do cơ quan nhà nước cấp cho các đơn vị trực thuộc để chi vào các hoạt động kinh tế, giáo dục, văn hóa…

Ví dụ: Nguồn kinh phí cho sinh viên sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho GD-ĐT tại các địa phương, bộ, ngành theo quy định hiện hành. (Sinh viên sư phạm được cấp sinh hoạt phí: Ngành sư phạm sẽ hấp dẫn hơn?, Tuổi Trẻ Online, 30/09/2020)

*Thu hồi/Triệu hồi

- Thu hồi: thu về lại, lấy lại cái trước đó đã đưa ra, đã cấp phát hoặc bị mất vào tay người khác.

Ví dụ: Thu hồi những chiếc điện thoại bị lỗi pin.

- Triệu hồi: ra lệnh gọi về, dùng trong lĩnh vực ngoại giao.

Ví dụ: Triệu hồi đại sứ về nước

Vậy còn các từ dễ sai chính tả thì sao? Các bạn cùng chờ bài viết tiếp theo của mình nhé!

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Rất bé nhỏ mà rất hữu ích, cảm ơn bạn ạ ^^

Trả lời

Rất bé nhỏ mà rất hữu ích, cảm ơn bạn ạ ^^

Đúng là nhiều từ nghĩ lại thấy mình hay dùng sai thật hehe