5 lưu ý trong xử lý nợ cá nhân
Bạn có đang hay từng mắc nợ? Mình gặp rất nhiều bạn đã và đang có nợ, thậm chí nợ rất xấu, cứ phải xoay vòng, đảo nợ liên tục mãi mà không thoát ra khỏi chuyện nợ nần được. Trong thời buổi này, khi mà chuyện trả góp cho một món đồ hay cho căn nhà trở nên dễ dàng trong khi nhu cầu cho chúng thì rất rõ ràng thì việc vay nợ như là chuyện hiển nhiên với nhiều người. Có bạn thì vay nợ để đi học, hay vay để đầu tư, kinh doanh nữa. Vay nợ có vẻ như đang trở thành "chuyện bất thường mà bình thường".
Nói gì đi nữa thì chuyện trả hết nợ hết sức quan trọng và cần làm xong càng sớm càng tốt. Dưới đây là vài gợi ý để bạn có thể xử lý nợ tốt hơn.
🔥 Thay vì trả hết 1 khoản nợ ngay khi có tiền, hãy chia nhỏ ra và tích lũy nhiều tháng để trả.
Bằng cách này, bạn không chỉ trả được khoản nợ mà còn thực hành được thói quen tiết kiệm và có kỷ luật với kế hoạch chi tiêu. Những thói quen và phẩm chất này cực kỳ quan trọng để bạn có thể có những thực hành tài chính cá nhân giỏi hơn về sau.
🔥 Trả xong các khoản nợ nhỏ trước.
Bạn cần có động lực để tiếp tục trả nợ. Hãy xong các khoản nợ nhỏ để có cảm giác là bạn gần với mục tiêu hơn rồi.
🔥 Trả các khoản nợ lãi cao trước và trì hoãn các khoản vay mượn lãi thấp hoặc không có lãi.
Lãi cao có thể gây ra hiệu ứng "hòn tuyết lăn" khi mà lãi mẹ đẻ lãi con và cứ liên tục tăng lên nhiều và nhanh. Nếu có thể, hãy dứt điểm các khoản nợ lãi cao để đỡ nặng đầu và trò chuyện với bên mà có thể trì hoãn nợ để có kế hoạch trả nợ thư thả nhé.
🔥 Cân nhắc đến khó khăn tài chính của người khác khi vay mượn.
Nếu bạn mượn tiền của gia đình hay bạn bè, hãy uy tín và có phương án thanh toán, trả nợ rõ ràng. Người thân của bạn có thể gặp khó khăn về tài chính vì bạn đấy nhé.
🔥 Đừng có chủ quan kiểu "thể nào cũng trả được nợ" mà không có căn cứ xác đáng. Có vay nợ thì cần có kế hoạch trả nợ rõ ràng, dựa trên lượng tiền mặt mà bạn sẽ có từ các nguồn thu chắc chắn.
Kiểu suy nghĩ "thể nào nguồn thu ấy cũng đến đúng lúc mình cần" sẽ làm bạn khó khăn khi rốt cuộc nó không đến. Bỗng dưng bạn thiếu hụt và phải đi mượn nợ thêm và nợ chồng nợ. Vậy thì hãy cẩn trọng với lối suy nghĩ này bạn nha.
Có nợ thì hãy trả, coi chừng mất bạn, mất bè, mất mặt bạn nghen :)