5 cách quản lý tiền bạc của các cặp vợ chồng

  1. Đầu tư & Tài chính

Ai là người quản lý tài chính trong gia đình bạn?

Nhà xã hội học Jan Pahl trong tác phẩm được xuất bản năm 1989 “Money and Marriage” (*) đã đưa phân loại về cách quản lý tiền bạc của các cặp vợ chồng như sau:

46830797_590058251414379_5181194331075117056_n

1. Hệ thống quản lý do nữ giới kiểm soát hoàn toàn (female whole wage management)

Phụ nữ hoàn toàn chịu trách nhiệm về tài chính của gia đình, họ đảm nhận việc cân đối các ngân sách vốn thường không ổn định. Chồng và con cái đã đi làm trao lại cho họ tiền lương, có thể là đã trừ đi phần chi tiêu cá nhân. Trong hệ thống quản lý này, thường phụ nữ không có tiền riêng. Trước đây, hệ thống này thường thường bắt gặp nơi gia đình có thu nhập thấp, giới công nhân, và những gia đình có sự phân chia nghiêm ngặt vai trò giữ nam giới và nữ giới.

2. Hệ thống quản lý do nam giới kiểm soát hoàn toàn (man whole wage management)

Đàn ông quản lý tài chính một mình. Khi phị nữ cần tiền, thường được dùng cho gia đình, thì họ phải xin và giải trình cho chồng.

3. Trợ cấp quản gia (housekeeping allowance)

Người chồng giao cho vợ một số tiền cố định dùng cho chi tiêu của gia đình, còn phần còn lại, đặc biệt là những chi tiêu lớn, thì thuộc phạm vi quản lý của người chồng. Việc phân bổ chi tiêu theo giới tính thường xuất phát từ người chồng, người có quyền quyết định, số tiền dành cho mỗi lĩnh vực. Theo truyền thống, đây là hệ thống quản lý của những công nhân được trả lương cao và của những cặp vợ chồng thuộc giai cấp trung lưu, khi mà chỉ có một trong hai người lao động. Về điểm này, bà Viviana Zelizer trong tác phẩm “The social meaning of money”(1994) cho rằng cách quản lý này là yêu sách của phụ nữ vào đầu thế kỷ XX để thay thế cho cách quản lý do nam giới kiểm soát hoàn toàn.

4. Hệ thống quản lý chung (pooling system)

Trách nhiệm tài chính không bị phân khúc. Cả hai đối tác đều tiếp cận được toàn bộ tiền bạc và cùng chịu trách nhiệm về việc quản lý. Ta gặp cách tổ chức này ở tất cả các mức thu nhập, nhất là khi người vợ không có việc làm được trả lương: một tài khoản đứng tên hai người cung cấp một quan hệ bình đẳng vì người làm ra tiền đưa hết tiền cho người kia được quyền sử dụng.

Đăng trên tạp chí The Sociological Review, volume 42 (1994), Pahl cùng với Vogler đã bổ sung thêm rằng, cách quản lý trên sau này đã trở nên tinh tế hơn và chia thành ba nhóm không dựa trên việc tiếp cận tiền bạc mà dựa trên những quyết định mua sắm: quản lý chung do chồng lãnh đạo quản lý chung do vợ lãnh đạo và quản lý chung thật sự. Hai cách thức quản lý đầu tiên rất gần với loại hình quản lý mà duy chỉ chồng hay vợ lãnh đạo.

5. Hệ thống quản lý độc lập (independent money management)

Cả hai đối tác đều có thu nhập độc lập được mỗi người quản lý riêng. Họ chia sẻ chi tiêu tùy theo hững cách dàn xếp khác nhau: tham gia đồng đều hoặc tỷ lệ với phân bổ các mục chi tiêu hay có qua có lại. cách quản lý này phù hợp với ý tưởng cho rằng các thành viên của cặp vợ chồng là những cá nhân độc lập, và đôi lúc được xem như là giải pháp cho sự phụ thuộc tài chính của phụ nữ. Ngược lại, nó buộc phải xem xét thường xuyên sổ sách để đảm bảo sự đóng góp bình đẳng của mỗi người, Vivienne Elizabeth đã có bổ sung như thế cho hệ thống thứ 5 này trong bài viết được đăng trên tạp chí The Sociological Review, volume 49 (2001) với tiêu đề “Managing money, managing coupledom: a critical examination of cohabitant’s money management practices”.

Khi bạn xem các hệ thống trên, để ý một chút bạn sẽ thấy quản lý tài chính trong gia đình còn bị ảnh hưởng bởi các quan niệm về giới, về vai trò và vị thế của đàn ông và phụ nữ trong gia đình. Mỗi hệ thống phản ánh các quan niệm khác nhau về những vai trò này. Khi xét đến tài chính cá nhân mà trong đó tài chính gia đình là một cấu phần quan trọng, các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, mà trước hết là giữa vợ và chồng được xem xét, thế nhưng khi chỉ xét riêng cá nhân, yếu tố mối quan hệ này lại hay bị bỏ quên. Nếu đặt cá nhân vào bối cảnh gia đình như trên, họ có thể thể hiện các vai trò của người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, người con, người ông, người bà, nam giới, phụ nữ, … và mỗi vị trí, vai trò đều có những cách hành xử khác nhau về tiền trong mối liên hệ, ứng xử với chính đồng tiền, chính họ, và với các thành viên khác trong gia đình. Lúc đó, năm hệ thống trên có thể được điều chỉnh khi có sự tham gia của các thành viên khác nhưng dù gì đi nữa một thống nhất chung giữa các thành viên trong gia đình mới dẫn đến sự hòa hợp về tài chính trong gia đình ấy.

Một đồng tiền chi ra ở thời điểm này sẽ không đơn thuần là chi cho một nhu cầu nào đó, nó còn là sự phản ánh niềm tin, sự đồng thuận của những người tham gia vào quyết định chi số tiền đó.

(*) Damien de Blic và Jeanne Lazarus, 2009, Xã hội học về tiền bạc, NXB Tri Thức, trang 129 – 130

Từ khóa: 

tài chính cá nhân

,

tài chính gia đình

,

quản lý tài chính

,

kỹ năng tài chính

,

hoạch định tài chính

,

đầu tư & tài chính