29 vạn, con số ấy liệu có hoàn toàn đúng
Về số quân Thanh tham gia chinh phạt Đại Việt năm Kỷ Dậu(1789), đến nay vẫn có nhiều ý kiến, dẫn chứng khác nhau từ cả phía Việt, Thanh cũng như phương Tây:
Các chính sử triều Nguyễn như Thực lục, Cương mục đều không ghi số quân Thanh là bao nhiêu; riêng Liệt truyện phần Tây Sơn có chép 20 vạn nhưng không kể rõ có bao nhiêu thổ binh, nghĩa dũng, do thám... Hoàng Lê nhất thống chí có dẫn lại Bài hịch xuất binh của Tôn Sĩ Nghị trong đó có nói đem theo 50 vạn quân, nhưng cứ một lính lại có một phu dịch phục vụ thì tổng cộng quân Thanh triều cũng phải lên tới hơn 100 vạn người; điều này có thể hơi phóng đại nhằm mục đích đe doạ Đại Việt trước lúc Tôn Đốc bộ tiến sang. Trong Hàng binh chiếu do Ngô Thì Nhậm soạn theo lệnh vua Quang Trung có đoạn thống kê số quân Thanh gồm 29 vạn; vì bài chiếu ra đời trùng khớp với gian sau chiến thắng nên giới sử học cũng như các phương tiện ngày nay đều nhất trí 29 vạn là con số chính xác, tuy vậy bên cạnh đó vẫn còn những cách nhìn nhận trái chiều cho rằng Bài Chiếu được ban bố nhằm tuyên truyền sức mạnh của Tây Sơn nên con số kia vẫn chưa hẳn hoàn toàn đáng tin.
Thanh Thực lục có đề cập số quân chính quy tham gia chiến dịch An Nam là gần 3 vạn, cùng với dân binh và phu dịch vào khoảng 13 vạn; theo các nhà sử học như Phan Huy Lê, Tạ Chí Đại Trường... hay những ý kiến hiện nay thì số quân trên theo Thanh Thực lục có thể đã bị giảm đi để hạ bớt nỗi nhục chiến bại của Thiên triều trước Đại Việt; một đạo quân chỉ khoảng vài vạn mà đích thân Tổng đốc Lưỡng Quảng phải thống soái rồi các võ tướng nổi tiếng thuộc quyền dưới trướng. Bác Nguyễn Duy Chính gần đây cũng đã dựa trên Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Đế Thực lục, Khám định An Nam kỷ lược,... và thống kê quân chính quy của Lưỡng Quảng, Vân Quý qua các đợt bổ sung vào khoảng 3 vạn quân cùng gần 8 vạn thổ binh, dân phu tham chiến.
Một số bức thư của các linh mục, giáo dân Bắc Hà có đề cập đến tin đồn về việc khoảng 28 hay 30 vạn quân Thanh sắp tiến vào Thăng Long hỗ trợ vua Lê. Riêng giáo sĩ Bisachère trong hồi ký viết về giai đoạn ông ở Bắc Hà từ 1790-1798 có khẳng định quân Thanh sang nước ta có tầm 40000.
Theo nhận định của cá nhân mình; như số quân Thanh theo giáo sĩ Bisachère và bác Chính là khả quan vì ngay như Khâm định An Nam kỷ lược cũng khẳng định việc phần lớn quân Thanh, phu dịch đều bị cắt xét binh lương do nhà Thanh phải lo chuẩn bị cho lễ Bát tuần khánh thọ của vua Càn Long hết sức cầu kỳ khiến ngân khố từ triều đình đến các địa phương đều kiệt quệ do phải cung ứng,dâng hiến tiền tài, sản vật; chỉ có vài vạn quân chính quy cùng thổ binh mà vấn đề lương thực chiến phí còn lo không nổi thì nếu là 29 vạn nhà Thanh sẽ lấy đâu ra nguồn binh lương cung cấp cho đạo quân viễn chinh ấy. Cùng thời với Đại Việt; Miến Điện cũng bị Thanh Đế cho thử gươm tới vài lần với sự xuất hiện của hàng loạt danh tướng nổi tiếng từng lập nhiều chiến công như A Quế, Phó Hằng-chính là chàng “Hot Boy” Tử Cấm Thành khiến chị em chết mê chết mệt đang nổi như cồn suốt mấy ngày nay cùng Diên Hi Công Lược mà gộp lại tất cả quân chính quy chỉ khoảng 14 vạn; vậy thì Đại Việt cùng con số 29 vạn kia liệu có phải hơi quá. Quân Thanh tiến sang và đóng ở Thăng Long, nếu như lương thực Thiên triều cung cấp không đủ thì tất nhiên phải lấy từ Đại Việt; Bắc Hà cùng Lê Thành trải qua chiến loạn liên miên giờ như cái lều rách, sức đâu mà chứa nổi quân Thiên triều rồi cung cấp quân nhu phục vụ chiến trận. Mình cũng cho rằng con số 29 vạn kia có thể đúng hoặc giảm bớt đôi chút; nhưng đó là bao gồm cả quân chính quy, thổ binh, nghĩa dũng, phu dịch và do thám; trong đó một lính Thanh có thể có 2 đến 3 phu dịch. Vì rằng các tài liệu đề cập đến con số 29 vạn hay gần trùng khớp đều không hề thống kê rõ trong đó có bao gồm lực lượng nào khác không hay chỉ gồm quân chính mà thôi. Nhưng vấn đề là chúng ta khi tìm đọc những tài liệu này hay đưa ra dẫn chứng lại không hề nói rõ những vấn đề liên quan, khiến nhiều người hiểu lầm, ngộ nhận dẫn đến suy nghĩ chưa hẳn đúng về tương quan lực lượng giữa hai bên, cho rằng Đại Việt tuy chỉ có 10 vạn quân mới tuyển mà đánh bại đạo viện binh gần 30 vạn của họ Tôn; quả thực là rất nguy hiểm.
Mong rằng tất cả khi tra cứu, đưa ra dẫn chứng hãy tìm hiểu thật kỹ mọi thứ để những tư liệu, đánh giá được đưa ra sẽ chuẩn xác, không còn những khúc mắc tồn tại.
lịch sử
đọc cuốn lịch sử nội chiến VN của Tạ Chí Đại Trường ấy có bảng số liệu về quân số thiệt hại là 5 vạn địch chết, tù binh khoảng 3400 người
Ngô Hoài Sơn
đọc cuốn lịch sử nội chiến VN của Tạ Chí Đại Trường ấy có bảng số liệu về quân số thiệt hại là 5 vạn địch chết, tù binh khoảng 3400 người