Nằm trên những rạn san hô dữ dội và dịu êm giữa biển Thái Bình Dương rộng lớn, một học sinh quần đảo Mác-San nói: "Khi du học về, tôi sẽ không còn quê hương để cống hiến nữa."
BÀI ĐỌC DÀI
Phần I
Quốc Hồn Tan Rã Với Bãi Cát
Chỉ với hơn 42,000 dân theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới vào năm 2021 đang sống trên 29 rạn san hô cát trắng nằm trên đường xích đạo của Trái Đất, Quần Đảo Mác-San có 97.87% lãnh thổ của mình dưới mặt nước xanh thẳm của biển sâu, và chỉ còn lại 2.13% là đứng được trên những rạn san hô, đảo đá vôi, đảo cát thấp. Vậy mà những người dân trên đây đã gầy dựng nên được một nền văn hoá 4000 năm tuổi trên những hòn đảo nhỏ hẹp và linh thiêng đó.
Những người Micronesia khám phá khắp vùng biển phẳng rộng đến chân trời, nhảy từ đảo này đến đảo khác, cho đến khi đến được quần đảo Mác-San vào thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Ban đầu, các khu vực khác nhau của quần đảo được chia ra cho các bộ lạc khác nhau. Trên những bãi cát đó, họ trồng dừa, bắt cá, điêu khắc, xăm hình xuyên suốt ngàn năm lịch sử chia tách khỏi những nền văn minh khác của nhân loại. Quần đảo Mác-San có thể chia ra làm hai chuỗi rạn san hô: Ratak tức bình minh và Ralik tức hoàng hôn.
Mãnh đất không tránh nổi gió biển thổi mạnh đó được hình thành nên bởi núi lửa từ dưới đáy biển, phun trào dữ dội và bốp lên những đảo san hô gầy gò. Không chỉ gầy mà còn phẳng và thấp, với độ cao trung bình chỉ có 2.1 mét trên mặt nước biển và nơi cao nhất vỏn vẹn tầm 3 mét. Điều này làm cho Mác-San khó chọi nỗi với nước biển dâng cao từ biển đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.
Mãnh đất đó không chỉ gầy gò, phẳng băng, thấp thỏm; nó còn linh thiêng với người dân Mác-San. Đất đai được truyền lại theo mẹ truyền con nối, đi theo người phụ nữ. Đất đai cũng được cho là tài sản quý giá không chỉ về vật chất mà còn về liên kết tâm hồn của một con người với tổ tiên, là một phần quan trọng trong danh tính và thân phận của một con người. Với họ "đất đai là vàng bạc. Nếu bạn là địa chủ thì bạn sẽ được vinh danh là một người rất quan trọng, nếu không thì bạn là một người không có tầm ảnh hưởng." (Guyer, 2001)
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu mãnh đất liên kết bạn với tổ tiên biến mất? Bởi biển cả và hạt nhân?
Gần đây hiện tượng "thuỷ triều vua" tung hoành càng ngày càng thường xuyên. Ngày xưa, chỉ có những ngư dân xa bờ mới nhận thấy được một đợt thuỷ triều vua đang tới, nhưng nhờ vào biến đổi khí hậu thay đổi thất thường thiên nhiên cùng với việc hoạt động trên vũ trụ của mặt trăng, những đợt sóng cao từ 3 đến 6 mét càng ngày càng thường xuyên xảy ra; chúng dập vào tường nhà, ào vào ruộng cây, ướt nhẹp quần áo, rơi xoạc trên tán cây dừa, và gieo giắt nỗi sợ mất nước mất nhà cho toàn thể người dân Mác-San bất lực chứng kiến.
Khắp quốc đảo, là những bức tường chắn sóng vỡ vụn, xói mòn, mệt mỏi bởi những con sóng áp đảo. Chúng đến liên tục và liên tiếp. Nhưng trước khi mất đất thì những hòn đảo này sẽ trở thành cát trắng không sinh sống được. Việc tấn công liên tiếp này đã ảnh hưởng đất trồng bị nhiễm mặn. Điều này còn nguy hiểm hơn cho những gia đình nuôi trồng đủ sống (gần như toàn bộ dân Mác-San là trồng trọt đủ sống). Trước khi thấy quần đảo của mình chìm, người Mác-San sẽ thấy cây cối chết trước.
Việc mất có thể mất nước bởi đại dương là một nỗi sợ kinh khủng. Điều này cùng với nhiều lý do khác như nạn thấp nghiệp cao ở giới trẻ từ 50-60%, mong muốn học tập và làm việc tại nước ngoài, và chung chung lại là sự vô vọng của người dân quần đảo Mác-San khiến cho 1/3 dân số hiện tại sống ở một đất nước khác - Hoa Kỳ.
Cuộc sống ở Mác-San gần như vô vọng khi là một nước nhỏ ở biển cả mênh mông. Nhưng không chỉ vậy, Mác-San cũng không có lựa chọn nhiều khi làm bạn quốc tế.
Ở rạn san hô Kwajalein của Mác-San nằm ở phần Ralik, tức hoàng hồn, tức phía Tây của quần đảo, hiện diện một căn cứ hải quân cùng tên được xây sau khi Đế Quốc Nhật bại trận vào 3/2/1944. Trên căn cứ đó phấp phới lá cờ Hoa Kỳ, nơi gần 1000 quân nhân Mỹ sinh sống.
Trên 97 hòn đảo và cù lao của rạn san hô Kwajalein, nước Mỹ điều độ vũ khí tên lửa, thuyền chiến, hệ thống radar tân tiến. Năm 2009, Kwajalein còn là nơi phóng tên lửa Falcon-1 (Chim Ưng 1) của tập đoàn Mỹ SpaceX (Clark, 2009).
Mỹ chọn quần đảo Mác-San bởi vì nơi đây đất trống, biển rộng, người không; gần đường xích đạo và cũng là nơi Mỹ có thể thử nghiệm nhiều đồ chơi chiên tranh như tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân. Trong đó khét tiếng nhất chính là bom nguyên tử ở rạn san hô Bikini.
Từ năm 1946 đến năm 1958, Hoa Kỳ thả 23 quả bom nguyên tử trên rạn san hô Bikini, ở đây cũng là nơi bom nguyên tử hydro lần đầu thử nghiệm. Tổng số lực nổ từ tất cả những quả bom được thử nghiệm trên rạn san hô Bikini ước tính lớn gấp 7000 lần quả bom được thả ở Hiroshima, Nhật Bản. Nghiên cứu sau này cho thấy một lượng chất phóng xạ strontium-90 vẫn còn đọng lại ở rạn san hô này và vùng nước xung quanh. Sức tàn phá kinh khủng diễn ra ở rạn san hô này cũng đã khiếp sợ thế giới, ép nhân loại phải dần dần giảm nhiệt cuộc đua hạt nhân. Cũng như truyền cảm hứng cho bộ phim Godzilla của Nhật Bản (UNESCO). Đến mức nhiều nơi ở Mác-San có độ phóng xạ cao hơn Fukushima ở Nhật Bản hoặc Chernobyl ở Ukraine (Jacobo, 2019).
Nhưng dù đã không còn thử nghiệm nữa, những ảnh hưởng lâu dài của bom hạt nhân vẫn đọng lại với những rạn san hô và người dân đảo Mác-San. Trong đó chỗ thử nghiệm Baker (21 KT) bị đục xuống 8 mét cao và đường kính 700 mét (Trembanis, 2019). Nhà nghiên cứu Khoa học biển và Chính sách từ trường đại học Delaware, Arther C. Trembanis cho biết: "Hình như cô Captain Marvel đã đấm vào hành tinh này và để lại một vết lõm trên nó" (Osborne, 2019).
Ngoài ra, các mẫu đất từ 11 hòn đảo ở 4 trong số các đảo san hô phía bắc cho thấy nồng độ phóng xạ, các nhà khoa học nhận từ trường đại học Colombia cũng tìm thấy (Jacobo, 2019)
Người dân đảo đã được di dời qua một rạn san hô lân cận tên Kili với hứa hẹn rằng họ sẽ được về lại rạn san hô Bikini, rạn san hô gắn liền với tổ tiên, văn hoá, và danh tính của họ. Nhưng ở rạn san hô mới, đồ ăn thức uống đều dính phóng xạ và các người dân dần dần chết đói. Dù người Mỹ biết rõ là bom nguyên tử có thể gây ra thiệt hại đến thiên nhiên, nhưng khi giảng thuyết với dân Mác-San địa phương thì họ lại bảo: "Điều gì xảy ra đều là ý nguyện của Chúa. Và ý nguyện của Chúa thì không bao giờ xấu cả!" (Denby, 2020). Từ việc thờ Chúa, người Mỹ đã tự xưng mình là Chúa để biện minh cho việc làm vô nhân đạo.
Người dân rạn san hô Bikini không bao giờ được về. Bọn họ đã mất đi liên kết mật thiết giữa tâm hồn họ và tổ tiên, đó là một mất mát không thể lấy lại. Và điều này sẽ lại càng diễn ra nhiều hơn với mực nước biển dâng dần, sẽ còn nhiều người mất đi đất đai, tâm linh, và rồi đất nước của chính mình, bởi những thứ mà Mác-San quá nhỏ để kiểm soát, quá nghèo để chống cự.
Điều này còn ảnh hưởng đến việc truyền lại lịch sử qua các dân ca của người dân Mác-San. Các bệnh tuyến giáp của phóng xạ hạt nhân đã làm khản tiếng và mất giọng nhiều ca sĩ truyền thống của quần đảo Mác-San như ông Carlton Abon, không còn có thể lên được những nốt cao và giọng ca xưa, cùng số phận với 1500 người Mác-San khác. Và với một cộng đồng nhỏ như Mác-San, chỉ vài nghệ sĩ bị ảnh hưởng thì cả nước đều bị kéo xuống theo. (Raj, 2019)
Đến ngày nay, người ta vẫn còn kêu Mỹ hãy xin lỗi và đền bù cho những gì mình đã làm ở quần đảo Mác-San. Trong đó một lá thư gửi đến tổng thống Mỹ Joe Biden vào 5/12/2022 bởi Hiệp Hội Kiểm Soát Vũ Khí và bao gồm Greenpeace, Social Responsibility và tổ chức Sáng Kiến Giáo Dục Marshallese (Brunnstorm, 2023).
-
Một nhà thơ địa phương, Kathy Jetnil-Kijiner đã nói:
Người Mác-San chúng tôi lớn lên với những lịch sử và những câu truyện. Chúng tôi biết quá rõ chúng. Không chỉ những câu truyện về ung thư, mà còn em bé sinh ra không chân không tay, về thai chết lưu và vấn đề tuyến giáp. Của những gia đình chết đói ở những rạn san hô ngoài xa khi buộc di dời khỏi nhà của họ. Những câu truyện về bụi tro rơi xuống trời, những bụi tro nhìn hệt như tuyết rơi.
Phần II
Giao Kèo Giữa Cá Mập & Cá Tép
Trong các góc chợ, ven hàng chan chứa tiếng cười bên những con đường đâu đâu cũng gần gió biển của Majuro, tay ai cũng cầm những tiền mặt đô la Mỹ để mua bán. Quanh quanh, người người chế biến những miếng thịt heo nhập khẩu và những miếng thịt cá bắt được bên trong vòng của các rạn san hô. Còn có cả siêu thị máy lạnh phù phù lên những thức uống đóng chai, kẹo ngọt trong bịch; như là Caprisun, Shester fries,.... Vào ngày Superbowl, nhiều người nghỉ việc mở chiếc tivi lên coi. Sau đó mở tin tức FoxNews, thể thao ESPN, và hoạt hình ở Cartoon Network để đứa trẻ ngoẻo đầu xuống người mẹ nằm coi. Xong, đứa trẻ đó sẽ mở những bài tập Tiếng Anh và Tiếng Mác-San với những cuốn sách giáo khoa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, và giáo trình của hệ giáo dục công của Hoa Kỳ. Bọn trẻ ở đây sẽ học về lịch sử Hoa Kỳ từ cách mạng chống Anh Quốc, nội chiến, cộng nghiệp hoá ở New York, v.v. Chúng sẽ học về địa lý của một vùng đất xa xôi nhưng không mấy xa lạ. Đó có thể sẽ là nơi người dân Mác-San sẽ di dời vào tương lai không xa nếu đất nước nơi họ sinh ra và lớn lên không còn.
Để nói văn hoá nơi đây bị ảnh hưởng bởi Mỹ là chưa đủ, như một nhà du lịch khắp thế giới người Mỹ Drew Binsky nói: "Khi đáp cánh ở đây tôi cảm thấy như mình đang trở về Hoa Kỳ." (Binsky, 2019)
Mỹ và Mác-San cùng với hai đảo quốc Thái Bình Dương khác đã cùng ký Hiệp Định Tự Do Hiệp Hội (Compact of Free Association) chính thức thực hiện năm 1986. Trong đó Mỹ hứa sẽ cho đảo quốc Mác-San 70 triệu USD mỗi năm; tính từ 2004, Mỹ đã cho Mác-San hơn 800 triệu USD để hỗ trợ trức tiếp, trợ cấp, và giúp đỡ tài chính cho quần đảo này, hay còn là 70% GDP của Mác-San trong suốt thời gian đó. Đổi lại Mỹ sẽ có toàn quyền trong vấn đề quân sự của Mác-San. Người dân hai nước có thể sống và làm việc tại hai nơi mà không cần Visa hay thẻ xanh, cũng vì tại sao 1/3 dân Mác-San đang định cư tại Hoa Kỳ ("2020 Investment Climate Statement").
Để hiểu được mối quan hệ mật thiết, ruột thịt này của hai nước thì chúng ta phải hiểu đôi chút về mối quan hệ của những rạn san hô này với cường quốc hải quân của thế giới xuyên suốt lịch sử.
Vào năm 1526, buông thuyền của nhà thám hiểu người Tây Ban Nha đáp bờ vào quần đảo Mác-San và đặt tên vùng đất này là Los Pintados. Nơi đây sau đó chính thức rơi vào uỷ trị của Tân Tây Ban Nha, thuộc địa của Đế Quốc Tây Ban Nha ở Châu Mỹ, hay còn được gọi là Phó Vương Quốc Tây Ban Nha (Virreinato de Nueva España).
Mặc dù là vậy trên sách lệnh của Tây Ban Nha, nhưng những người dân của các quần đảo này gần như không bị hề hứng gì. Bởi vì giá trị của những quần đảo này quá thấp để thu hút sự quan tâm của chính trị và kinh tế. Vì thế các thổ dân nơi đây được để yên khỏi sự bạo hành của Đế Quốc Tây Ban Nha. Nhưng điều đó không có nghĩa là không bị tác động gì, dịch bệnh từ những nhà thám hiểu đó đã giết chết những người dân không có miễn dịch chống chọi. Ngay từ ban đầu, ta đã thấy được sự yếu thế của dân đảo với thế lực bên ngoài. Tôn giáo đa thần của Mác-San cũng bị thay thế bởi thiên chúa giáo từ các nhà truyền giáo Công Giáo La Mã.
Sau đó người Đưc mua quần đảo này với giá 4.5 triệu đô la từ Tây Ban Nha để sản xuất cùi dừa làm dầu thực vật. Một hiệp ước, tất nhiên, không có sự góp mặt của dân địa phương.
Vào Thế Chiến I, Nhật Bản nhân cơ hội nước Đức suy yếu ở Châu Âu đưa hải quân vào và tóm lấy quần đảo Mác-San. Lúc này vài công ty Nhật Bản như Nanyo Boeki cũng lập trụ sở ở ngôi làng Majuro và người Nhật Bản cũng bắt đầu sinh sống và lập gia đình với dân địa phương. Trong thời gian đó Nhật Bản thiết lập nhiều nông trại cùi dừa làm dầu thực vật.
Dù vậy Nhật Bản cũng như nhiều đế quốc quản trị vùng biển này trước nó, cũng không bận tâm mấy với nơi này. Tài nguyên thường chỉ có hải sản, dừa, và phốt phát. Đa phần chỉ để có một nơi để thuyền giữa Thái Bình Dương. Sau khi Nhật Bản bại trận Thế Chiến II, Hoa Kỳ uỷ trị nơi này và cũng là quốc gia có sự ảnh hưởng lớn nhất tới Mác-San. Mỹ tiếp tục cai quản Mác-San từ năm 1947 đến tận 1979 bằng với 32 năm lịch sử, trong lúc đó xây dựng quân sự và dần dần "Mỹ hoá" nơi này thành một lãnh thổ của mình. Bằng cách kết nối Mác-San với hệ thống phát sóng của Mỹ ảnh hưởng đến thế giới quan của quần đảo, kết nạp hệ giáo dục của địa phương với hệ giáo dục công của Mỹ, cho mở nhiều siêu thị đồ ăn nhập khẩu ảnh hưởng đến chế độ ăn uống của người dân địa phương và xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng khác.
Kể cả khi giành lại độc lập vào năm 1979, Mác-San vẫn không thể rời bỏ nước Mỹ. Bởi vì ngoài ra Mác-San cũng không có nhiều lựa chọn khác không? Không chỉ trong nhập khẩu và văn hoá, về kinh tế nước Mỹ cũng nắm phần quan trọng. Căn cứ quân sự Kwajalein là nơi tuyển dụng lớn thứ hai của Mác-San. Cũng như nhập khẩu gần 120 triệu đô la và xuất khẩu 30.8 triệu đô la qua lại với nước Mỹ - đều khả thi hơn nhờ những hiệp định và mối quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ. Nước Mỹ cũng đã "giúp" Mác-San trực tiếp trong việc đối đầu với biến đổi khí hậu như hồi năm 1991, tổng thống Hoa Kỳ bấy giờ Bush đưa tiền viện trợ cho Mác-San giúp đối đầu siêu bão Zelda ("Marshall Islands Storm Aid"). Việc ở lại với Hoa Kỳ cũng cho người dân đảo nhiều cơ hội hướng đến nền giáo dục cao hơn như đại học, vì trên đảo chỉ có trường trung học là cao nhất.
Nếu không có Mỹ thì đảo Mác-San có cách nào khác không? Một quần đảo xa xôi giữa nơi biển rộng người không. Đất nhỏ hẹp, dân số thấp không thể sản xuất nhiều, và nếu có thể sản xuất gì có giá trị thì lại quá xa khỏi nơi có khách hàng. Một đất nước từ xưa đã quá nhỏ để chống cự lại với các đế quốc lớn mạnh.
Dù vậy, Mác-San cũng đã có một quốc gia độc lập được công nhận bởi Liên Hợp Quốc. Một phần nào đó nó tạo ra một cái nhìn không một chiều, rập khuông khi nhìn vào vị thế nhỏ bé của đất nước này. Một phần chúng ta không thể quên đi những việc ngược đãi và vi phạm nhân quyền của Mỹ với dân đảo Mác-San. Một phần còn lại chúng ta phải hỏi liệu việc Mỹ đang có nhiều kiểm soát, bảo an, trợ cấp cũng đang giúp người dân nơi đây nhiều lựa chọn hơn không?
Cũng từ việc đó mà Mác-San có thêm một lựa chọn trong khủng hoảng khí hậu sắp tới so với nhiều đất nước đảo cát thấp chung hoàn cảnh.
Theo công ty xây dựng Pacific International đã làm việc với Mác-San gần nửa thế kỷ nói: "Gần đây chúng tôi mất gần trăm công nhân... họ đều qua Mỹ... Càng ngày càng khó để tuyển dụng lao động tay nghề địa phương." Còn bà tổng thống Hilda Heine cho biết: "Chúng tôi đang cạnh tranh với đất nước mạnh nhất thế giới." (Taibbi, 2018) Cho thấy thật rằng dù tốt hay không, Mác-San không có nhiều lựa chọn.
Nhiều nước như Tu-va-lu đang mua đất để dân mình có đường thoát, Ma-đi-vơ thì kiến nghị xây thành phổ nổi. Nhưng người dân Mác-San biết rõ mình sẽ đi đâu - Hoa Kỳ. Nhiều người vì nhiều lý do: giáo dục, công ăn việc làm, và nỗi sợ biển đã buộc rời bỏ quê hương.
Phần III
Dân Đảo Xa Bờ
Sarah lúc đó học lớp 8 ở đảo san hô Ebon khi cô phải rời đảo để đến Majuro, và từ Majuro đến vùng nông thôn nước Mỹ. Nhìn lại quãng thời gian trên Ebon, Mác-San "nó như là thiên đường."
Trên đảo Ebon không có điện thoại hay điện, và chỉ có một cửu hàng cung cấp cơm gạo, Kool-laid hoặc miếng thịt Spam. Dù ở đây dân ít nhưng đất cũng ít, nên cái con đường duy nhất dọc đảo cũng trở nên đông đúc. Sarah hay trốn khỏi sự đông đúc đó bằng cách giăng buồm với cơn gió mạnh bạo và mặn mà để đi qua cái đầm 100 km đến hòn đảo Demdol. Và ở đó đến mấy tuần trên một miếng đảo cát thấp, Sarah sống như bao đứa trẻ khác trên thế giới này: đọc Kinh thánh tiếng Mác-San, chùi quần áo trên bàn giặt và thu thập mấy quả trứng từ những con gà cục tác mổ lòng bàn tay.
Khi cái nắng ác chiến của ông trời chỉ còn loé lên những vệt sáng cam yếu ớt vào cuối ngày, Sarah lén ra sau nhà, cầm chiếc ukelele búng lên những tiếng nhạc rưng rưng với tiếng gió dịu làm xập xoè tán cây dừa, nhìn cái đầm, cái đảo. Rồi mọi thứ tối đến mất đường chân trời chia cách bầu trời và biển cả loà vào khung màu đen bất tận.
Nhưng cuộc sống này không thể tiếp tục cho những người trẻ tuổi như Sarah. Trong 26 rạn san hô, 17 rạn đã trải qua dân số sụt giảm để di cư đến những khu vực 'đô thị' như Majuro hay Ebeye. Từ đó, người ta sẽ ra khỏi Mác-San để đến Hoa Kỳ. Kể cả với đô thị như Majuro, việc làm, đặc biệt là loại lương cao, rất hiếm và cạn kiệt. Cũng như đất nước Mác-San không có lực nào thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo thêm việc làm dẫn đến nhiều người đặt vé một chuyến đến Hoa Kỳ.
Theo thống kê, có tầm 4300 người Mác-San đang trú ngụ tại Arkansas vì giá đất rẻ, nhiều công việc lao động tay chân như nhà máy xưởng. Vào lúc mà Sarah rời đi, từ vựng "biến đổi khí hậu", "nóng lên toàn cầu", "mực nước biển dâng" vẫn chưa là kiến thức phổ quát và đa phần được bàn tán ở giới khoa học, môi trường, và lẻ tẻ vài tin tức.
Vào năm 2008, Sarah nhìn thấy chiếc máy bay nhấp nhoé, nhỏ nhắn lớn dần trên không trung và cố nín khóc. Sau khi cô rời đi, cũng là năm 2008, Mác-San trải qua một đợt sóng lớn làm hư hại ruộng khoai sọ và xa kê, đổ dạt vào nhà dân và nghĩa địa, lúc đó nhìn trên trời Mác-San như đã biến mất. Và cứ mỗi năm những thuỷ triều vua lại đến, thường xuyên hơn và mạnh bạo hơn. Nước biển càng dâng nhưng nước mưa càng ít - biến đổi khí hậu chưa bao giờ ảnh hưởng một chiều. Làm cho dân làng thiếu nước sạch buộc chính phủ Mác-San gửi máy lọc nước biển bằng pin năng lượng mặt trời cho những rạn san hô xa xa.
Khi đi từ Mác-San đến Oklahoma, biển nước trở thành biển ruộng. Và ở những nơi này, người Mác-San là lao động hợp pháp sẵn sàng làm những công việc lương thấp, không được dân địa phương tôn trọng. Và ở những nơi như thế này, người Mác-San trải qua nhiều chạm trán với dân địa phương Oklahoma: "Cút về nước mày đi!"
Với nhiều người thế hệ sau này của những người con Mác-San rời nước, kết nối với đại dương và đất đai nơi họ chưa từng chạm chân tới là một điều khó khăn. Như một gia đình di dời từ thời Bikini bị đánh bom, họ đến Mỹ sinh ra những người con công dân Mỹ. Nhưng những đứa con đó chưa bao giờ quay lại Mác-San và khi nghe về người khác đã từng chạm nước biển, những đứa trẻ đó kinh ngạc hỏi: "Bạn có bơi dưới biển không? Nó như thế nào?"
Mỗi lần Sarah nhớ nhà, cô buồn lắm, buồn lắm lắm. Nhớ về cái mùi của biển, cái vị cá tươi chứ không tanh như đồ đông lạnh. Khi đến nhà thờ, sau những hát hò và tục lệ thường tuần, một bữa ăn được soạn ra nhưng chỉ có một món hải sản trên bàn - cá đông lạnh chiên lên.
Với một nền văn hoá gắn liền với biển cả và những hòn đạo nhỏ hẹp, những cái cây xa kê và khoai sọ đó, thì việc thế hệ sau này có thể sẽ không thấy biển để tránh bị nuốt chửng bởi biển có thể là tử hình cho một nền văn hoá riêng biệt. Vì thế Sarah khi có bầu tuổi 20 đã quyết định tiệc thôi nôi của con mình phải được mở ở Mác-San.
Nhưng cô sẽ không ở lại được lâu. Nếu ban đầu cô phải rời biển cả vì giáo dục và sự nghiệp thì bây giờ cô phải rời vì biển cả. Chỉ vài tháng nữa thuỷ triều vua sẽ lại ào ào đập đẩy những bức tường chắn sóng của Mác-San. Những người dân trên đây đã thấy biển cả ác liệt với họ đến mức nào, và vụ chuyện người chết vì lũ lụt và sóng lớn càng ngày càng nhiều. Nơi đây đang dần khó sống hơn.
(Langlois, 2015)
Đây là câu truyện của một đất nước không còn đường sống sót. Bây giờ, người dân nơi đây đang nói những lời kêu cứu bất lực cuối cùng.
Phần VI
"1.5 để sống sót"
Hạn chế nhiệt độ trung bình thế giới không đạt đến mức tăng 1.5 độ C trước công nghiệp hoá là ược vọng của cả thế giới trong Thoả Thuận Chung Paris hay Hiệp Định Paris năm 2015. Nhưng trước đó, đây là một điều không tưởng, đến cả đại biểu cho Trung Quốc còn nhận xét là "hoang đường". Người ta chỉ nghĩ mục tiêu nên đặt ở 2.0 độ C - nhưng với những đất nước như Mác-San, lúc đó đã không còn.
Ước tính rằng chỉ cần đến 1.8 độ C trước công nghiệp hoá, Mác-San lúc đó sẽ không còn miếng đất nào ngoi trên mặt nước nữa. Nhưng để thuyết phục điều không tưởng, Mác-San phải đấu tranh với nhiều thế lực chống đối như chính phủ những đất nước khác như Trung Quốc và chính người bạn Hoa Kỳ, cùng với các công ty kiếm lợi từ việc phá huỷ khí hậu của Trái Đất. Nhưng khó khăn nhất, Mác-San cũng phải đấu tranh lại với các nhà hoạt động môi trường khác - họ sợ rằng nếu quá tham vọng sẽ không thuyết phục được ai theo mình.
Với sự đoàn kết và quyết đấu của những đảo quốc như Kiribati, Ma-đi-vơ, Tuvalu, và Mác-San. "1.5 độ C" từ điều mông muội của nước nhỏ thành mục tiêu của thế giới.Từ liên minh các nước rạn san hô, một khẩu hiệu ngoi lên: "1.5 để sống sót" (1.5 to stay alive)
Để đạt được mục tiêu, nhóm "Tham Vọng Cao" bắt đầu tạo kết nối với các quốc gia khác. Trong đó một viên chức người Mác-San tên Tony deBrum, qua đời năm 2017 tại Majuro, đã đi quanh nhiều cuộc hổi thảo quốc tế về môi trường đại diện cho Mác-San. Mặc dù trong thời gian đó ông đã làm một công việc xuất sắc nhưng suy cho cùng thì cái tên Mác-San, một đất nước với dân số còn thấp hơn thành phố nhỏ của các nước khác trên thế giới, khó mà có thể tạo được sức đẩy cần thiết. Họ cần một cơn sóng thần - may thay Liên Hợp Quốc đã mời một nhà thơ đến từ Mác-San lên trình bày.
Trên chiếc bục của Liên Hợp Quốc. Kathy Jetnil-Kijiner, đôi vai nặng trĩu mệnh nước, đọc một bài thơ reo tiếng chuông báo động kêu cứu. Bài thơ được viết dưới dạng lời thư cô gửi gắm đứa con gái Matafele Peinam của mình, rằng bé ấy sẽ phải đối diện với gì và cộng đồng quốc tế phải làm gì:
-
-
Theo sau bài thơ của Kathy, là các nước lớn dần dần đồng ý với ước nguyện "1.5 độ C". Từ một chủ đề bàn luận trong góc tối của hội nghị, trở thành thứ được bàn tán nhất. Qua đó, hiệp định Paris năm 2015 đã tuyên bố tạo ra khuôn khổ và mục tiêu toàn cầu cho biến đổi khí hậu: dừng ở 1.5 độ C - không tăng thêm nữa.
Nhưng sau này chúng ta biết được hiệp định đó không thay đổi được mấy. Trớ trêu hơn, người bạn thân thiết, ruột thịt của Mác-San, Hoa Kỳ dưới nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump rời hiệp định Paris vào 1/6/2017. Mặc dù chỉ tính cùng năm đó, Hoa Kỳ thải đến 6340 triệu tấn carbon. Nếu tính đến lượng thải xuyên suốt lịch sử (đa số carbon thải ra vẫn đọng lại và ảnh hưởng đến khí hậu), thì Hoa Kỳ là nước thải nặng nhất. Còn chưa ước tính việc nước Mỹ nhập khẩu từ nước khác làm cho con số mà Hoa Kỳ đã tiếp cho biến đổi khí hậu thật khủng khiếp. Hoa Kỳ, hơn bất cứ đất nước nào nên là nước có trách nhiệm - biến đổi khí hậu là hậu quả chung - chống lại biến đổi đó là dự án chung. Nhưng những nước thải nhiều nhất sẽ là nước ít ảnh hưởng nhất. Trong khi Hoa Kỳ có thể an nhàn sống tiếp, Mác-San sẽ mất đất nước của họ.
Rồi năm 2020 qua đi. Rồi năm tới, năm tới, năm tới nữa. Theo nhiều ước tính, Trái Đất đã đạt đến 1 độ C (Fellows, 2018). Và vì những thế lực có thể thay đổi không thay đổi mấy, Mác-San dường như mất hết hi vọng.
Tiếng nói bé nhỏ và bất lực đó dù đã vang khắp đại dương cũng không làm gì được.
Trích dẫn:
Guyer, R L. “Radioactivity and Rights: Clashes at Bikini Atoll.” American Journal of Public Health, Sept. 2001, ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1446783/. Accessed 7 May 2023.
Clark, Stephen. “Spaceflight Now: Falcon Launch Report: Successful Launch for Falcon 1 Rocket.” Spaceflight Now | Falcon Launch Report | Successful Launch for Falcon 1 Rocket, 28 Sept. 2008, spaceflightnow.com/falcon/004/. Accessed 7 May 2023.
UNESCO. “Bikini Atoll Nuclear Test Site.” UNESCO World Heritage Centre, whc.unesco.org/en/list/1339/. Accessed 7 May 2023.
Osborne, Hannah. “Shipwrecks and Scars on Seafloor from Atomic Bomb Tests Revealed.” Newsweek, 16 Dec. 2019, www.newsweek.com/bikini-atoll-atomic-tests-shipwrecks-seafloor-1476923. Accessed 7 May 2023.
Trembanis, Arthur C, and Carter DuVal. “Atomic Bombs at Bikini- Seafloor Mapping of the Nuclear Battlefield of Operation Crossroads and Castle Bravo Craters.” AGU, 9 Dec. 2019, agu.confex.com/agu/fm19/meetingapp.cgi/Paper/580698. Accessed 7 May 2023.
Binsky, Drew. “How American Are the Marshall Islands?” YouTube, 16 Feb. 2019, youtube.com/watch?v=jQPqg7M5W6E. Accessed 7 May 2023.
“2020 Investment Climate Statements: Marshall Islands.” U.S. Department of State, 19 July 2021, www.state.gov/reports/2020-investment-climate-statements/marshall-islands/#:~:text=Labor%20Policies%20and%20Practices,-The%20RMI%20workforce&text=Results%20from%20the%202011%20Marshall,high%20as%2050–60%20percent. Accessed 7 May 2023.
Person, and Michael Martina David Brunnstrom. “Activists Urge U.S. Apology, Fair Compensation, for U.S. Pacific Nuclear Testing.” Reuters, 10 Jan. 2023, www.reuters.com/world/activists-urge-us-apology-fair-compensation-us-pacific-nuclear-testing-2023-01-10/. Accessed 7 May 2023.
Denby, Sam. “The Final Years of Majuro [Documentary].” YouTube, 4 Aug. 2020, youtube.com/watch?v=3J06af5xHD0. Accessed 7 May 2023.
Raj, Ali. “In Marshall Islands, Radiation Threatens Tradition of Handing down Stories by Song.” Los Angeles Times, 10 Nov. 2019, www.latimes.com/projects/marshall-islands-radiation-effects-cancer/. Accessed 7 May 2023.
Jacobo, Julia. “Portions of Marshall Islands Have More Radioactivity than Chernobyl, Fukushima, Study Shows.” ABC News, 19 July 2019, abcnews.go.com/US/portions-marshall-islands-radioactivity-chernobyl-fukushima-study/story?id=64414544. Accessed 7 May 2023.
Taibbi, Mike, and Melanie Saltzman. “Marshall Islands: A Third of the Nation Has Left for the U.S.” PBS, 16 Dec. 2018, pbs.org/newshour/show/marshall-islands-a-third-of-the-nation-has-left-for-the-us. Accessed 7 May 2023.
“Marshall Islands Storm Aid.” Los Angeles Times Archive, 10 Dec. 1991, www.latimes.com/archives/la-xpm-1991-12-10-mn-185-story.html. Accessed 7 May 2023.
“Diabetes in the Marshall Islands.” RMIHEALH, rmihealth.org/index.php/news/news/elearning/172-diabetes-in-the-marshall-islands#:~:text=Their%20traditional%20diet%20and%20way,diabetes%2C%20among%20other%20health%20problems. Accessed 7 May 2023.
Fellows, University of Houston Energy. “Exactly How Much Has the Earth Warmed? And Does It Matter?” Forbes, 10 Dec. 2021, forbes.com/sites/uhenergy/2018/09/07/exactly-how-much-has-the-earth-warmed-and-does-it-matter/?sh=568d99265c22#:~:text=Although%20there%20are%20some%20out,C%20since%20pre%2Dindustrial%20times. Accessed 7 May 2023.