10+ loại rò rỉ tiền/lỗ hổng tài chính của cá nhân

  1. Đầu tư & Tài chính

Trong một buổi học, mình hỏi các bạn tham dự về những rủi ro các bạn có thể gặp phải. Nhiều rủi ro được gọi tên, nhưng trong số những rủi ro được nêu ra, rủi ro về "hành vi phi lý" hay chi tiêu theo hứng, không có kế hoạch lại không được nhắc tới. Trong khi đó, đây lại là rủi ro thường xuyên, hầu như ngày nào cũng phải đối mặt, nhưng chúng ta chẳng chịu đề phòng và xử lý. Chủ yếu vẫn cứ là tặc lưỡi cho qua.

Vậy rồi, còn những điều gì có thể là làm cho tiền của bạn rò rỉ, những gì có thể gây ra lỗ hổng tài chính cho bạn và gia đình?

Trước hết, mình cần nói là các lỗ hổng tài chính và rò rỉ tiền là chuyện hệ trọng. Nghĩ xem, nếu bạn đang dành tiền để mua nhà, cho ba mẹ du lịch, để hưu trí, hay để cho điều gì đó quan trọng, thế rồi vì lỗi lầm, một biến cố, hay phút yếu lòng nào đó và bạn mất đi số tiền cho chuyện hệ trọng ấy. Bạn và người có thể liên quan đến số tiền ấy sẽ thế nào đây? Vì thế, một trong những mục tiêu cần có trong quản lý tài chính là giảm các lỗ hổng, những yếu tố gây nguy cơ rò rỉ để chúng ta có thể an tâm hơn với các khoản tích lũy cho những mục tiêu của mình và gia đình.

60981110_10157396781339511_7929573959966654464_n

Vậy thì, những tình huống nào xảy ra có thể làm bạn thất thoát, rò rỉ tài chính? Để mình thử liệt kê nhé:

1. Thói quen chi tiêu ngẫu hứng của bạn và những cam kết tài chính tự nguyện của bạn với gia đình

2. Chi phí sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe của bố mẹ tăng mà không có chuẩn bị trước

3. Hỗ trợ tài chính cho bạn bè hay gia đình, cho mượn rồi không đòi lại được, hoặc trả không đúng hạn mong đợi chẳng hạn

4. Mất việc, nhảy việc mà không có kế hoạch

5. Thất bại trong làm ăn (cái này mình bị rồi, đau đớn lắm)

6. Hôn nhân tan vỡ

7. Các khoản đầu tư gặp trục trặc, không đạt tỷ suất sinh lợi như dự định

8. Các khoản đầu tư gặp trục trặc, không thanh khoản được như dự định

9. Mua sắm những sản phẩm đắt tiền do đua đòi, a dua, hùa theo đám đông

10. Do tai nạn, bệnh tật và không thể đi làm được

11. Do chi phí y tế quá cao (một khỏa sát ở Mỹ có nói chi phí y tế thuộc nhóm chi phí gây căng thẳng hàng đầu với nhiều người đi làm)

12. Bị lừa

13. Bị trộm, cướp, mất mát tài sản (từng mất 1 cái điện thoại và 1 cái laptop, huhu)

14. Căng thẳng trong cuộc sống và công việc nên chi xả láng để giải tỏa

15. Không trả được nợ như đã định

Và còn nữa.

Vậy giờ phải làm sao?

Đầu tiên là cần phải để ý đến cảm xúc của mình nè, rồi nữa là bắt đầu với những thực hành quản lý tài chính cơ bản như ghi chép chi tiêu, trò chuyện tài chính, hoạch định ngân sách. Tiếp tới, cần có các mục tiêu cho mình như giảm nợ, tăng thu; biết thêm về các sản phẩm tài chính và nên nhờ đến tư vấn tài chính để lựa chọn sản phẩm nào cho phù hợp với nhu cầu tài chính, khả năng tài chính, và khả năng chấp nhận được rủi ro. Những chuyện này cần từ từ làm, nếu có người làm cùng thì càng hay chứ không thể gấp gáp được.


Ảnh: KAESER Know How

Từ khóa: 

lỗ hổng tài chính

,

rò rỉ tiền

,

hoạch định tài

,

quản lý tài chính cá nhân

,

tài chính cá nhân

,

đầu tư & tài chính