10 cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn dành cho ứng viên

  1. Kỹ năng mềm

Không khí vui vẻ tại nơi làm việc

Phỏng vấn xin việc là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để cho mỗi ứng viên có thể thể hiện bản thân và thuyết phục nhà tuyển dụng. Đây thực sự là khoảng thời gian quan trọng để bạn có thể tỏa sáng và chứng minh mình có những tố chất vượt trội hơn những người còn lại. Ngoài việc cân nhắc trả lời những câu hỏi có tính chất quan trọng về chuyên môn thì bạn cũng cần thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy mình là một người tự tin và chuyên nghiệp. Vậy có bao giờ bạn băn khoăn về những điều mình sẽ làm trong buổi phỏng vấn để bản thân trở nên thật ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng chưa? Sau đây mình xin phép được đưa ra 10 lời khuyên mà bạn nên làm để có thể thuận lợi vượt qua vòng phỏng vấn và có được công việc bản thân mong ước.

1. Tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan

Hãy tìm hiểu kĩ tất cả các thông tin về công ty bạn phỏng vấn trên các kênh truyền thông song song với tìm hiểu thông tin ngành nghề như lĩnh vực hoạt động, địa chỉ, thành tựu và sự kiện quan trọng của công ty, chức vụ bạn ứng tuyển đòi hỏi những gì, sự cạnh tranh và người sẽ phỏng vấn bạn là ai. Càng biết nhiều, bạn càng cảm thấy tự tin.

2. Tác phong chỉn chu, nghiêm túc

Người ta thường nói rằng đừng chỉ nên đánh giá một quyển sách qua bìa của nó nhưng bạn có cảm thấy bản thân bạn bị thu hút bởi một quyển sách có hình thức đẹp hơn một cuốn sách bình thường hay không? Hãy chắc chắn quần áo bạn lựa chọn thật chỉn chu và chuyên nghiệp để tự tin hơn và chứng minh bạn hoàn toàn nghiêm túc với công việc sắp tới. Bên cạnh đó hãy tìm hiểu về văn hóa của công ty và cách mọi người ăn mặc trước khi quyết định mặc gì, nếu có thể hãy hỏi trước dress code của buổi phỏng vấn từ nhà tuyển dụng.

3. Đừng đến trễ, nhưng cũng đừng quá sớm

Việc không tuân thủ thời gian sẽ phản ánh xấu về bản thân của bạn, vậy nên nhiều người thường lo lắng và đến nơi phỏng vấn từ rất sớm. Tuy nhiên, việc bạn đến quá sớm vô hình trung sẽ gây áp lực và có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của nhà tuyển dụng. Vậy nên, chỉ cần đến sớm vừa đủ, đến trước khoảng 10 phút sẽ cho thấy bạn là một người tận tâm và có kĩ năng quản lý thời gian tốt.

4. Tắt điện thoại của bạn

Để tránh gây ra việc xáo trộn và làm phiền trong thời gian phỏng vấn, hãy chắn chắn rằng điện thoại của bạn đang trong trạng thái im lặng. Hãy tưởng tượng bạn đang trong cuộc thảo luận rất căng thẳng và nghiêm túc với nhà tuyển dụng nhưng bất chợt điện thoại của bạn đổ chuông thì ấn tượng bạn để lại là gì, sẽ rất thiếu chuyên nghiệp!

5. Trao cho nhà tuyển dụng cái bắt tay biểu lộ thiện chí

Một cái bắt tay chắc chắn sẽ thể hiện sự tự tin của bản thân, tuy nhiên cũng đừng quá nhiệt tình hay mạnh tay, điều đó sẽ làm nhà tuyển dụng bị thương đấy!

6. Mỉm cười

Đừng nên đánh giá thấp sức mạnh của sự thân thiện. Bằng cách mỉm cười và giao tiếp bằng ánh mắt, bạn sẽ càng dễ tiếp cận và điều này sẽ giúp bạn tạo mối liên kết với người phỏng vấn bạn.

7. Kiểm soát ngôn ngữ cơ thể

Ngôn ngữ cơ thể đóng vai trò rất quan trọng trong một cuộc phỏng vấn, nó có thể thể hiện cảm xúc và con người của bạn. Hãy ngồi thẳng lưng và giao tiếp bằng mắt, điều này cho thấy rằng bạn đặt sự quan tâm và tập trung hoàn toàn cho cuộc phỏng vấn. Liếc mắt hoặc nhìn quanh phòng đồng nghĩa với sự thiếu quan tâm và người phỏng vấn của bạn sẽ cho rằng bạn không nghiêm túc với công việc.

8. Ghi chú

Ghi lại tất cả những gì bạn nghĩ là quan trọng trong cuộc phỏng vấn. Nó không chỉ là tài liệu tham khảo cho bạn sau cuộc phỏng vấn, mà còn cho thấy bạn đang chú ý đến tất cả những gì nhà tuyển dụng đang nói và có một sự quan tâm đặc biệt đến vị trí mà bạn ứng tuyển.

9. Mang theo bản sao CV

Mặc dù nhà tuyển dụng có thể đã có bản sao sơ yếu lý lịch của bạn, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn chuẩn bị trước CV cho bạn và nhà tuyển dụng. Sau đó, bạn có thể dùng nó khi trao đổi về những kinh nghiệm và thành tích trước đó.

10. Đặt câu hỏi

Một cuộc phỏng vấn nên là một cuộc trao đổi hai chiều, vì vậy, điều quan trọng là bạn cũng nên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Hãy chuẩn bị một danh sách các câu hỏi trước khi phỏng vấn, cũng như đưa ra những câu hỏi xuất hiện trong đầu bạn trong suốt cuộc trò chuyện.

‼️ Ngoài ra còn có một việc mà hầu hết ứng viên đều quên mất chính là gửi thư cảm ơn sau khi phỏng vấn. Theo một khảo sát gần đây thì có tới 80% nhà tuyển dụng có ấn tượng tốt với ứng viên gửi thư cảm ơn sau khi phỏng vấn. Lá thư cảm ơn không chỉ thể hiện thái độ lịch sự, mức độ quan tâm của bạn đối với vị trí ứng tuyển mà còn là cách để tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Đây cũng là cách “nhắc khéo” nhà tuyển dụng về ấn tượng bản thân bạn và kết quả của buổi phỏng vấn. Thay vì bị động chờ kết quả thì tại sao bạn không gửi một lá thư đến nhà tuyển dụng và tăng cơ hội trúng tuyển cho bản thân?

Từ khóa: 

kỹ năng phỏng vấn

,

kinh nghiệm phỏng vấn

,

kỹ năng mềm