1. Cuộc đời và những đóng góp của nhà vua Rama V - Chulalongkorn đối với Thái Lan?
kiến thức chung
Rama V – Chulalongkorn (1853 – 1910). Ông có hiệu là Pigia Đại đế, ông sinh ngày 20/9/1853, lên ngôi vua năm 1869 và trị vì vương quốc trong vòng 42 năm.
Vua Rama V được coi là hiện tượng đặc biệt của Vương triều Bangkok, là niềm tự hào không chỉ đối với người dân Thái Lan thời điểm lúc bấy giờ mà còn là của người dân Thái Lan hiện nay và thế hệ mai sau. Ông là nhà canh tân đất nước với những thành công xuất sắc ở nhiều lĩnh vực, đã đưa đất nước Thái Lan mở cửa ra tiếp thu những thành tựu văn minh của phương Tây từ những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.
Được vua cha là Rama IV quan tâm và đào tạo từ nhỏ để lên ngôi kế nghiệp nên dù còn nhỏ tuổi nhưng ông đã tỏ ra vững vàng và táo bạo trong công việc điều hành bộ máy nhà nước. Năm đầu tiên khi chấp chính (lúc 18 tuổi) ông đã có những chuyến công du sang những nước lân cận như Malayxia, Myanmar, Indonesia với hy vọng tìm hiểu cơ chế tổ chức đất nước của các quốc gia láng giềng trước khi sang công du ở các quốc gia phương Tây.
Hai lần công du sang các quốc gia phương Tây vào các thời điểm khác nhau ông đã du nhập hàng loạt những thành tựu khoa học kĩ thuật tiến bộ nhằm thực hiện ý tưởng hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt là trong những chuyến đi, nhờ vào tài ngoại giao khéo léo mà ông đã đặt được nhiều mối quan hệ với các nước có nền công nghiệp hiện đại, tranh thủ thế mạnh chuyên môn của từng quốc gia để sử dụng các chuyên gia vào việc canh tân đất nước đạt hiệu quả cao.
Việc đầu tiên trong hàng loạt những cải tổ của ông là đặt hệ thống thông tin và bưu điện. Như vậy, thủ đô Bangkok vào cuối thế kỉ XIX đã có mạng lưới điện thoại. Năm 1887 một hệ thống xe điện đã được lắp đặt để thay dần cho các xe tay. Ngay sau đó ông cho xây dựng các nhà máy điện và đặt đường ray xe lửa với sự giúp đỡ của các chuyên gia người Đức. Ông đặc biệt chú ý đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đã cho mở rộng quốc lộ lớn, làm trục giao thông chính của thủ đô Bangkok và hiện nay vẫn được sử dụng làm trục đường chính để lưu thông. Ngoài những quốc lộ lớn ra thì ông còn cho đào và mở rộng nhiều sông, ngòi, kênh, rạch dọc ngang bề mặt thủ đô Bangkok, tạo thành một mạng lưới giao thông đường thủy cho thuyền bè đi lại ngược xuôi phục vụ ngành thương nghiệp trong nước. Tại thời điểm đó, Bangkok được coi là Vơnidơ trong con mắt của người phương Tây.
Trong suốt triều đại của ông, giao thông vận tải kéo theo nền kinh tế công thương nghiệp phát triển. Hàng loạt nhà cao tầng và các cửa hàng mọc lên, tạo thành các dãy phố buôn bán sầm uất bên cạnh các tòa nhà có kiến trúc được du nhập của khu ngoại giao đoàn thay thế cho những nhà sàn trước đây.
Vốn là người có đầu óc Tây học nên Rama V cũng là người mạnh dạn du nhập văn hóa phương Tây vào Thái Lan, trước tiên là văn học dịch, tiểu thuyết và truyện ngắn, kịch nói. Những năm đầu thế kỉ này, ngành in ấn đã hình thành và ngày càng phát triển, một phần cũng là nhờ vào khả năng sáng tác và các chính sách khuyến học của ông. Cũng như các vị vua trước, Rama v cũng tham gia sáng tác văn học, trong đó phải kể đến tác phẩm: “Nghi lễ cung đình 12 tháng trong năm” đến nay vẫn được coi là công trình lớn về văn hóa truyền thống của Thái Lan, là tác phẩm không thể thiếu trong việc nghiên cứu văn hóa xã hội cổ truyền của Thái Lan. Những kí sự và những ghi chép lại các sự kiện trong các chuyến đi thị sát đất nước của ông được đánh giá cao về mặt lịch sử.
Nhân dân Thái Lan không chỉ coi ông là vị vua vĩ đại, nhà cách tân đất nước lỗi lạc mà còn vô cùng biết ơn ông khi đã xóa bỏ chế độ nô lệ của xã hội Xiêm cổ. Nhiều tác phẩm đề cập vấn đề này không chỉ để phản ánh xã hội tối tăm xưa kia mà còn để ca ngợi công đức của ông.
Rama V thực sự là nhà chính trị tài năng, nhà ngoại giao xuất sắc và đồng thời cũng là nhà văn, nhà thơ của thời kì Vương quốc Thái Lan mở cửa cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Ông mất năm 1910 và tất cả nhân dân Thái Lan đều coi ông như là một thánh nhân của dân tộc.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Song Điền