05 Tác phẩm hư cấu hay viết về hệ sinh thái
TVTL - Nếu bạn đang mong muốn khám phá loạt tác phẩm hư cấu hay viết về hệ sinh thái thì đừng bỏ lỡ các tựa sách dưới đây ạ ^^
Những năm gần đây, các tác phẩm viết về sinh thái ngày càng đa dạng và khai thác được nhiều đề tài. Các giải thưởng lớn nhỏ hàng năm vẫn thường đánh giá cao chủ đề này, khi luôn xuất hiện ít nhất một đề cử trong các danh sách rút gọn. Những tác phẩm non-fic là không hiếm, nhưng với thể loại hư cấu đòi hỏi nhiều tưởng tượng, việc kết hợp được bài toán thời sự và yếu tố văn chương là một thử thách không mấy dễ dàng.
Tại Việt Nam, hướng đi này cũng được các nhà phát hành đón nhận và liên tục cho ra mắt những tác phẩm dịch ấn tượng, có chất lượng. Từ nhiều hình thức, nội dung, phong cách viết, dấu ấn nghệ thuật… đây đều là lời cảnh báo về một môi trường nhiều biến động, đang bị hủy hoại trong thời đại này. Sau đây là những tác phẩm tiêu biểu nhất mỗi khi nhắc đến văn chương sinh thái.
NGƯỜI MẮT KÉP | WU MING-YI
Nhắc đến Wu Ming-Yi thì ngoài đề tài sinh thái thường trực gắn liền với đảo quốc Đài Loan, điều khiến độc giả luôn nhớ đến ông là lối viết kết hợp giữa các vấn đề thời sự và dấu ấn hiện thực kì ảo. Những nhà phê bình trên thế giới so sánh ông với Haruki Murakami khi đều là những nhà văn Bắc Á dùng các hình tượng đặc biệt để khắc họa đời sống cô độc. Trong khi đó, dấu ấn hiện thực kì ảo lại hướng ông theo con đường của bậc kì tài Márquez, mà sự chuyển dịch địa lý gần như đã được ngầm thừa nhận.
Người mắt kép là cuốn
Wu Ming-Yi thành công trong việc xây dựng được hòn đảo Wayo Wayo đầy dấu ấn. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra trước mắt người đọc những sự kiện sinh thái như săn bắt cá voi – hải cẩu quá mức, quy hoạch – khai thác không bền vững, ô nhiễm
MÙI ADAM | JEAN-CHRISTOPHE RUFIN
Là Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, từng hai lần đoạt giải Goncourt, đóng vai trò quan trọng trong ngành ngoại giao Pháp cũng như là một trong những thành viên khai sinh ra tổ chức “Thầy thuốc không biên giới” trong văn chương, Jean-Christophe Rufin được biết đến từ sớm qua tác phẩm nổi tiếng Brésil Đỏ. Trong số những tác phẩm của mình, Mùi Adam có thể được xem như một điển hình cho việc phơi bày thực trạng về môi trường, khí hậu, ô nhiễm… do những tác động nhân tạo gây nên.
Mùi Adam lấy nhân vật chính là Juliette – một nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi, tham gia vào các hoạt động đấu tranh cho quyền động vật khi bị dùng như mẫu thử cho phòng thí nghiệm, và cũng chính hành động này đã lôi cô vào trung tâm của những âm mưu nhắm vào loài người. Cũng cùng lúc đó, Paul và Kerry là hai điệp vụ theo đuôi những kẻ thao túng, lấy môi trường làm lợi cho mình, với ý định xây lại Thiên đường đã mất.
Đậm mùi trinh thám với những pha rượt đuổi nối nhau mạnh mẽ, Mùi Adam là một cuốn sách về khủng hoảng sinh thái rất đáng lưu tâm, về lợi ích trước mắt, thói ích kỉ cũng như sự lạnh lùng của cõi nhân quần trước Mẹ thiên nhiên. Khác xa những trước tác khác của Jean-Christophe Rufin, Mùi Adam rất có thể khiến bạn bất ngờ nhưng rồi cũng phải suy ngẫm về những hiện thực vẫn đang diễn ra.
VÒM RỪNG | RICHARD POWERS
Từng chiến thắng giải Pulitzer 2019 ở hạng mục tiểu thuyết, Vòm rừng của Richard Powers là thiên sử thi về sự gắn kết giữa con người với giới tự nhiên. Từng được Margaret Atwood ca ngợi ngang bằng với Moby Dick kinh điển của Herman Melville, Richard Powers, bằng những lớp lang rất giàu sức gợi, đã phát triển một kết cấu đáng gờm trong nghệ thuật viết ấn tượng và rất riêng biệt.
Đi theo kết cấu của Cây thế giới trong Thần thoại Bắc Âu, Vòm Rừng gồm 9 mảnh ghép đi theo 4 phần – gốc rễ, thân, ngọn và cuối cùng là những hạt giống; hướng về con người trong những mắt xích của các mối quan hệ thiên nhiên. Đó có thể là những sắc dân yếm thế, những người mang nặng chấn thương tâm lý hậu chiến hay những đứa trẻ mới lớn, những nhà sinh vật học… để rồi từ đó, những mảnh ghép khớp nối vào nhau, làm hoàn chỉnh thêm bức tranh đầy biến động.
Ngược với Thoreau cùng những dạo bước thản nhiên trong khu rừng già, Vòm rừng của Powers đầy biến động và xung năng. Bằng độ dài sử thi hướng về thực vật, rõ ràng đây là một tác phẩm lớn viết về sinh thái mà bất cứ một nhà văn nào cũng từng ao ước.
CHIẾC XE ĐẠP MẤT CẮP | WU MING-YI
Nếu Richard Powers như người giữ cửa của rừng già phương Tây thì Wu Ming-Yi rất có thể là người đồng nghiệp phương Đông đầy tận tụy. Chiếc xe đạp mất cắp dùng chính hình tượng xe đạp để họa lại một thời kì đầy biến động, từ nơi rừng già Miến Điện trong Thế chiến thứ Hai đến nghề làm tranh bướm, những linh hồn khuất tất, những sự ám ảnh… và hơn hết là sự trân trọng động vật vô cùng đáng quý.
Mượn những động vật từ sở thú Maruyama trong những ngày chiến tranh, khi những loài voi, khỉ, gấu, sư tử… như những tù nhân đang bị giam cầm từ trong cũi sắt, Wu Ming-Yi đã viết nên khúc ai oán về những động vật đã bị sử dụng rồi bị loại bỏ một cách không thương tiếc. Ở đó có những chú voi bị dồn ép lên thuyền nhỏ bé, có những chú khỉ thiếu ăn lặng mình đứng trước lồng săt… vô cùng ám ảnh và nhiều cảm xúc.
Với lối viết kì ảo như nhập chính mình vào trong những loài thú ấy, Wu Ming-Yi vượt hẳn nhân hóa để mang đến cho người đọc những suy nghĩ rất riêng về những giống loài bình đẳng với nhau. Rốt cuộc, con người cũng là động vật, và tiếng nói hài hòa với giới tự nhiên chính là điều mà ông theo đuổi. Đầy sâu sát, ám ảnh mà cũng mới mẻ, Chiếc xe đạp mất cắp đã đưa ông trở thành nhà văn Đài Loan đầu tiên được đề cử giải Booker Quốc tế.
NGƯỜI TRỒNG RỪNG | JEAN GIONO
Từng được chuyển thể thành phim hoạt hình ngắn đoạt giải Oscar, Người trồng rừng là một áng văn vô cùng đẹp đẽ về những nỗ lực sống hài hòa với tự nhiên mà không câu nệ. Ngắn gọn như những áng thơ đẹp nhất và truyền tải được ý nghĩa một cách tuyệt hảo nhất, đây là cuốn sách mà những ai yêu thích Rachel Carson hay Aldo Leopold rất nên đọc qua.
Xoay quanh câu chuyện chính về lão Bouffier và đàn cừu của mình trên vùng cao nguyên bán hoang mạc, Người trồng rừng là cuộc hành trình tìm về tự nhiên, khởi thủy từ những hạt giống nhỏ nhoi, cho đến khi những vây hãm, tàn phá bao quanh – như chiến tranh, ngục tù, đố kỵ, ích kỉ… xuất hiện thì thiên nhiên vẫn luôn còn đó và mãi trường tồn.
Jean Giono, bằng một cách thần kì, đã khắc họa bức tranh thu nhỏ nhưng đầy sống động về các mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Ở đó, con người luôn luôn bé nhỏ khi đứng trước thiên nhiên, và chính ý niệm hòa mình vào đó đã trở thành niềm vui sống, một cách để giúp con người vượt xa ra khỏi những khó khăn thông thường.
Nguồn: https://www.elle.vn/the-gioi-van-hoa/5-tac-pham-hu-cau-hay-viet-ve-sinh-thai