( The Third Wife ) - Bạn hiểu được bộ phim đến đâu, phim sẽ hay đến đó
( The Third Wife ) - Bạn hiểu được bộ phim đến đâu, phim sẽ hay đến đó
🍃 Người xem tìm đến với Vợ Ba phần lớn đều vì những tò mò về vấn đề nhạy cảm của những cảnh gợi tình hay là tò mò về cô bé 13 tuổi đóng cảnh C18 của bộ phim như cách của nhiều hãng truyền thông đang PR, nhưng thứ họ nhận được khi bước ra khỏi rạp lại là một điều hoàn toàn khác. Là thứ gì đó ám ảnh tận sâu trong mỗi chúng ta, và là cả cuộc đời, là cả xã hội với những quy tắc cổ hủ luôn đeo bám chúng ta. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi xem bộ phim này là ĐẸP và BUỒN cũng như XÓT XA.
Xuyên suốt bộ phim đều là những ẩn ý sâu sắc về hình tượng và cuộc đời người phụ nữ, nhưng không chỉ là câu chuyện về người phụ nữ dưới thời phong kiến mà cái hay của phim còn là nói ra những góc khuất trong suy nghĩ của người Việt vẫn còn tồn tại cho đến tận bây giờ. Hiện sâu trong đó là tình mẫu tử, tình yêu của con người.
Bộ phim kể về Mây một cô gái trẻ được gả vào làm vợ thứ 3 của một điền chủ giàu. Ông chồng của cô bé đã có đứa con trai hơn tuổi cô và cô con gái cũng xấp xỉ tuổi cô. Những vấn đề của bộ phim dần dần được hé lộ ngay sau khi Mây có bầu và những góc khuất của xã hội phong kiến bắt đầu được hé lộ từ đây.
🍃 Cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội xưa
Phim đi sâu vào hủ tục tồn tại lâu nhất của văn hóa Châu Á là vấn đề “sinh con trai” và Tảo hôn. Theo pháp luật hiện hành hiện nay thì 18 tuổi trên giấy khai sinh thì con gái mới được pháp luật công nhận được trở thành vợ nhưng tại xã hội xưa thì một cô bé mới 13 tuổi đã trở thành 1 bà vợ, bắt đầu học để trở thành một người mẹ. Gần như xuyên suốt cả bộ phim gánh nặng sinh con trai đã là một lời nguyền đè nặng lên vai những người phụ nữ. Nó ám ảnh từ người vợ cả, vợ hai và lan đến tận Mây. Bắt buộc phải có con trai, là lời thề nguyện cầu của Mây hay điều ước vĩnh viễn không thành của Nhàn: Sau này lớn lên em sẽ là con trai. Ánh mắt buồn của Mây khi biết đứa con mình sinh ra là con gái hay của Mợ Hà khi mất đi đứa con chưa chào đời.
Người ta vẫn thường nói trẻ con như tờ giấy trắng, chỉ qua một câu thoại đơn giản đạo diễn đã cho ta thấy sự bất công giữa nam và nữ trong thời kì này, ngay cả một cô bé cũng có thể nhận ra được giá trị của đàn ông trong thời đại phong kiến.
Mây là một cô bé 13 tuổi, trong thế giới nhỏ bé của em thì cuộc sống chỉ quay xung quanh gia đình rồi khi về nhà chồng. Chúng ta thấy được sự gò bó trong suy nghĩ của Mây, cái góc nhìn hạn hẹp của em cũng như là sự mơ hồ của em về TÌNH YÊU. Là một phim có chủ đề nhạy cảm, lựa chọn lối khai thác về tình dục khá nhiều nhưng phân đoạn đáng nhớ nhất lại là sự tò mò về cơ thể của Mây cũng như xu hướng giới tính của cô bị chặn lại bởi những suy nghĩ cổ hủ lúc bấy giờ. Hay là lúc mợ Xuân kể về mẹ của mình: Hồng nhan bạc mệnh. Cuộc sống của mợ Hà, mợ Xuân và cả Mây nó đã có từ trước chứ không phải bây giờ và còn kéo dài đến cả tương lai. Các cảnh SEX trong phim không hề dung tục. Là đề cao chữ trinh của người phụ nữ phong kiến, mọi thứ đều rất tế nhị để người xem có thể liên tưởng. Cái chết của Tuyết như là điều sự giải thoát khi không làm tròn cái bổn phận của người phụ nữ mà xã hội gia giáo đó đặt ra. Cha cô bé chỉ vì Danh tiếng không muốn nhận cô về, cái cảnh cô đứng ngoài sân vì còn nguyên vẹn nghe người chồng lần đầu gặp gỡ của mình chối bỏ mình. Tuyết chắc hẳn xêm xêm tuổi Mây khi mới về nhà chồng, cái cách em vụng về trong đêm tân hôn chờ Sơn thật buồn. Có lẽ Mây thấy Mây trong quá khứ ở Tuyết.
🍃 Cái nhìn đa chiều về một xã hội Việt Nam xưa
Không chỉ nhìn bộ phim từ góc nhìn của những người phụ nữ, phim còn cho người xem thấy được góc nhìn toàn diện hơn đến từ tất cả những nhân vật trong phim qua từng câu thoại được cài cắm đầy ẩn ý. Phim cho thấy sự đánh giá về xã hội của mỗi người mỗi khác qua góc nhìn của cả ba bà vợ, góc nhìn của người già qua nhân vật cụ ông và bà Lao, góc nhìn của Sơn về một xã hội đảo điên qua cuộc đời của chính cậu.
Sơn có đáng trách khi chối bỏ Tuyết không? Sơn yêu người không nên yêu và cưới một cô gái lần đầu gặp mặt về. Sơn không muốn sống cuộc sống như Cha của mình, muốn tình yêu và sống cùng những đứa con với cô ấy nhưng điều đó vô tình gây nên cái chết của Tuyết. TÌNH YÊU là thứ bị cấm đoán trong cái xã hội này. Hay lời bộc bạch của mẹ Sơn: Ngày đầu tiên gặp cha con là ngày cưới của mẹ. Một sự cam chịu của người phụ nữ bởi họ không còn lối đi nào nữa.
Nó cho thấy một sự thật trần trụi: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”
Qua cái hội thoại ngây thơ của Nhàn và Liên khiến chúng ta thật xót xa:
Bao giờ chị lấy chồng?
Chị không biết.
Chị sẽ lấy ai?
Chị không biết.
Chị sẽ là bà vợ thứ mấy?
Chắc là vợ cả vì mợ Hà đã hứa với chị.
Nếu như nói Vợ Ba là một bộ phim về những người phụ nữ thì cũng không hoàn toàn đúng, Vợ Ba giúp người xem thay đổi một khái niệm mới về việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Khi nhắc đến việc ép hôn, phần lớn người xem sẽ nghĩ đến những cô gái trẻ bị cha mẹ áp đặt, gả đi khi không hề biết về chồng mình.
Nhưng có bao giờ bạn nghĩ với đàn ông điều đó cũng thật kinh khủng không? Phim lấy Sơn là hình tượng rõ ràng của việc ép hôn, anh bị đặt vào một cuộc hôn nhân không mong muốn và bị bắt lấy một cô gái trẻ mà mình không hề yêu, bị ràng buộc vào những gánh nặng mà không thể chối bỏ. Những cố gắng của Sơn cầu xin ba mẹ hay giọt nước mắt của Hùng – cha của Sơn. Hay tình yêu vụng trộm của cặp người hầu trong gia đình nhưng bị chia cắt. Phim đã thực sự khiến người xem phải bất ngờ vì cách dụng ý quá khéo léo từ đạo diễn và nhà biên kịch.
🍃 Bi thương giá trị của người phụ nữ:
Nếu tập trung theo dõi bộ phim, bạn sẽ dễ dàng nhận ra vị trí của người phụ nữ trong xã hội Phong Kiến thật éo le, họ chỉ là công cụ để sinh nở hoặc thỏa mãn của đàn ông, giá trị của mỗi người vợ cũng chỉ xoay quanh chuyện bếp núc, chăn nuôi, cơm bưng nước rót cho những người đàn ông trong nhà.
Ngoài ra nhân vật bà cả Hà do Trần Nữ Yên Khê thủ vai cũng đóng một vai trò quan trọng vị thế của bà trong gia đình đang từ chiếu trên, ngay lập tức bị đẩy sâu vào bóng tối phía sau mỗi khung cửa ngay khi đánh mất vị trí của mình. Thay vì nhận được sự quan tâm, bà tự chấp nhận và lui mình vào bóng tối, cuộc đời của bà là minh chứng rõ nhất cho những người vợ của thế kỷ 19, sống lặng trong bóng tối sau cái bóng của chồng. Là sự bất lực khi chờ mong đứa con nhưng nỗi buồn khi mất nó khi chưa kịp chào đời. Là kiếp sống chia sẻ chồng dưới cùng một mái nhà.
Họ là những con tằm cả đời chỉ biết ăn dâu, nhả tơ để dệt nên những tấm lụa làm đẹp. là vật trang trí cho người đàn ông. Kết thúc nhiệm vụ hoặc không thể hoàn thành thì thứ đợi họ là cái chết, sự giải thoát duy nhất là biến thành Ngài bay đi. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng tự do dưới ánh mặt trời.
🍃Nghệ thuật hình ảnh cùng cảnh đẹp nơi Cố đô :
Vợ Ba có thể nói là một trong những bộ phim có hình ảnh đẹp nhất trong làng điện ảnh Việt Nam những năm trở lại đây, bằng ống kính nghệ thuật của đạo diễn hình ảnh Chananun Chotrungroj, ông lựa chọn tông màu xanh đem đến những phân cảnh xử lý hình ảnh cực kì tốt từ góc quay cho đến màu phim. Ấn tượng người xem phải thốt lên là đẹp, một vẻ đẹp đơn giản tự nhiên đến chân thật trần trụi. Tạo cho người xem cảm giác chân thực nhất về xã hội Việt Nam Phong Kiến lúc bấy giờ. Một xã hội gò bó, bí bức cứ chậm rãi trôi đi.
Đỉnh cao hơn nữa là những nghệ thuật lịch sử được sử dụng trong phim, bộ phim được quay tại vùng đất Ninh Binh – vùng đất cố đô, là quê hương của vua Đinh Bộ Lĩnh và không phải tự nhiên trong những khung hình cuối cùng của bộ phim lại xuất hiện hình ảnh cỏ lau trắng trên tràng cỏ dài khát khao mãnh liệt sự tự do. Vua Đinh Bộ Lĩnh dùng ngọn cờ lau để dẹp loạn 12 sứ quân.
Hình ảnh về dòng sông được ngụ ý một cách rõ rệt trong bộ phim. Đây là một hình ảnh mang đa lớp nghĩa. Tất cả mọi nền văn hóa đều bắt nguồn từ một con sống, sự sống luôn bắt đầu từ nước. Hình ảnh hang động gợi cho tôi nhớ đến Â.M Đ. Ạ.O của người phụ nữ. Nơi đó theo dòng nước tạo nên sự sống và cũng là cửa ngõ để sự sống đi ra đón ánh mặt trời khi cái hang mà Mây theo chiếc thuyển đi vào. Là lúc cô đắm chìm trong dòng nước và cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của Tuyết. Là tiếng nước chảy cứ xuyên suốt, nó cứ như nối tiếp nối tiếp mãi theo dòng chảy của thời gian. Là những bài vè, bài đồng ca trẻ con nhưng lại mang những niềm vui và cả nỗi buồn. Hình ảnh chiếc lá ngón cứ thoắt ẩn thoát hiện như một lời cảnh báo về cái chết có thể đến bât cứ lúc nào với bất cứ ai.
🍃 Những ánh mắt ám ảnh :
Bắt đầu bộ phim bằng ánh mắt ngây thơ, sau dần cuộc đời của của Mây đã khiến ánh mắt đó dần trở thành ánh mắt của đố kị và khủng hoảng khi biết tin mợ Hà có thai. Là ánh mắt buồn bã, cam chịu của mợ Hà, là ánh mắt chấp nhận những sự thật khi mình sinh 3 đứa con gái của mợ Xuân, ánh mắt của cha Tuyết khi không dám nhận cô về, ánh mắt của Hùng khi chứng kiến một Sơn như thế, ánh mắt đầy quan tâm lo lắng của bà Lao hay ánh mắt ngây thơ trong veo của Liên và Nhàn. Từng hành động của họ trong phim đều chân thực một cách đáng kinh ngạc. Họ lựa chọn một cách diễn mộc mạc, thôn quê, người cần lạnh lùng sẽ lạnh lùng, người cần tình cảm sẽ tình cảm. Bằng một cách nào đó phim đã khai thác tuyến nhân vật khá triệt để dù phần lời thoại rất ít.
Ánh mắt bướng bỉnh của Nhàn khi chứng kiến cái chết của con bê, của cô bé khi cầu xin ông nội một con ngựa mới khi sự quan tâm của gia đình hầu hết dành cho anh Sơn.
Hay là ánh mắt chảy máu trên tấm Poster. Ẩn trong mắt người phụ nữ trong xã hội xưa cũng chỉ là hình ảnh người chồng của mình.
Nhiều người cho rằng cái kết của mình rất hụt hẫng nhưng tôi lại không cho rằng như thế. Cái kết như là những lựa chọn mà người phụ nữ trong xã hội phải chọn. Con gái của Mây sẽ trở thành một Mây khác phiên bản của tương lai hay sẽ trở thành Tuyết. Cái chết của Tuyết nó cứ ám ảnh ám ảnh chúng ta mãi. Mây sẽ lựa chọn lá ngón kết thúc sinh mệnh hay là tiếp tục cam chịu. Còn Nhàn đã cắt đi mái tóc dài của mình. Quan niệm xưa, mái tóc là tượng trưng cho người phụ nữ, là hình ảnh gắn liền từ khi sinh ra. Quan điểm không được cắt tóc ngắn, tóc là một phần của cơ thể máu thịt, thân thể của bản thân mình là do cha mẹ ban tặng, là món quà của thánh thần. Nhàn đã cắt đi mái tóc ấy, để nó xuôi đi theo dòng sông như một cách cô bé không muốn theo cái quan niệm: Cha mẹ đặt đâu còn ngồi ấy. Một sự bướng bỉnh nhưng có lẽ đó là hình ảnh đấu tranh cho quyền lợi của người phụ nữ xưa như hình ảnh cô bé quỳ và không chịu ăn cơm sau khi chứng kiến mợ Hà cho con bò già ăn lá ngón để nó không chết vào đám cưới cậu Sơn.
🍂 Tổng kết lại phim không dành cho số đông khán giả :
Sẽ dễ hiểu nếu Vợ Ba không dành được các lời tán dương đến từ phía người xem tại thị trường Việt Nam. Có lẽ vì ngay từ những vấn đề được nêu ra trong phim đã không còn phù hợp với đa phần người xem về cả độ tuổi lẫn phong cách.
Đa số người xem sau khi bước ra khỏi rạp sẽ nhận định phim trong ba từ “ Chẳng hiểu gì “, nếu như bạn không tìm hiểu về bộ phim Vợ Ba trước khi xem thì chắc chắn những gì phim mang lại là một nội dung chậm và khó hiểu. Và người xem sẽ cần cân nhắc thật cẩn thận về vấn đề này trước khi xem. Xin hãy cảm nhận nó bằng chính trái tim và sự hiểu biết, cảm thông của chính bạn, mở lòng mình và tận hưởng những thước phim đẹp trong đó. Nếu nó không làm thỏa mãn bạn thì cũng xin đừng buông lời lăng mạ nó. Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy một bộ phim Việt Nam đẹp đến thế.
🎬 Review : 5/10 nếu bạn tìm một phim giải trí và 9/10 nếu bạn có thể cảm nhận dc bộ phim